Vị quan thanh liêm nào từng từ chối cả mâm vàng hối lộ?
Tô Hiến Thành (1102 – 1179), người làng Hạ Mỗ (nay là xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội), làm quan đại thần phụ chính qua hai triều vua là Lý Anh Tông và Lý Cao Tông. Khi vua Lý Anh Tông Tông mất, Chiêu Linh Thái hậu, mẹ của Long Xưởng, đã đem vàng bạc đến đút lót cho vợ Tô Hiến Thành để mong ông giả di chiếu, phế Long Cán, tái lập Long Xưởng lên ngôi báu. Theo "Đại Việt sử ký toàn thư", Tô Hiến Thành là một trong những vị quan thanh liêm nhất lịch sử phong kiến Việt Nam. Khi còn giữ chức Thái phó của triều Lý, ông từng từ chối cả mâm vàng hối lộ của Chiêu Linh hoàng thái hậu để sửa di chiếu của vua Lý Anh Tông. Khi vua Lý Anh Tông lâm bệnh nặng, biết mình khó qua khỏi đã gọi Tô Hiến Thành vào dặn dò giao phó việc phò giúp Thái tử Long Cán, khi ấy còn quá nhỏ tuổi, lên ngôi báu.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Di chiếu cho Tô Hiến Thành giúp Thái tử, công việc nhà nước nhất thiết tuân theo phép cũ”. Trước đó, vua Lý Anh Tông lập người con lớn là Long Xưởng làm thái tử. Nhưng do Long Xưởng ăn ở vô đạo, vô luân nên bị vua cha truất ngôi, con thứ là Long Trát (hay Long Cán) lên thay. Khi vua Lý Anh Tông băng hà, nhằm lúc Tô Hiến Thành ra ngoài, mẹ Long Xưởng là bà Chiêu Linh Thái hậu đã đem vàng bạc đút lót cho vợ của Tô Hiến Thành là Lữ thị để mong ông giả di chiếu, phế Long Trát và tái lập Long Xưởng lên ngôi báu. Sách Đại Việt sử lược ghi ngay sau đó, Tô Hiến Thành khảng khái nói: - Ta ở ngôi Tể tướng, nhận lời cố thác của Tiên Vương phò ấu chúa mà nay lại nhận hối lộ của người ta để mưu việc phế lập, thiên hạ sẽ cho ta là hạng nào? Giá thử tất cả mọi người đều bưng tai bịt mắt coi như không biết, thì khi về dưới suối vàng gặp Tiên Vương, ta sẽ trình tấu ra sao.
Sau khi bị Tô Hiến Thành khảng khái từ chối, bà Chiêu Linh Thái hậu liều sai người triệu gấp Bảo Quốc Vương đến. Bảo Quốc Vương vừa sợ hãi, vừa vui mừng, bèn lấy một chiếc thuyền nhỏ, theo dòng sông Tô Lịch mà vào. Biết được chuyện này, Tô Hiến Thành đã nhanh chóng có hành động. Sách Đại Việt sử lược kể lại câu chuyện khi đó. Tô Hiến Thành mời hết các quan tả hữu tới và dụ rằng: “Tiên Vương thấy tôi với các ông hết sức phò tá, không ăn ở hai lòng nên mới đem ấu chúa phó thác. Nay, Bảo Quốc Vương theo mệnh của Thái hậu, mưu phế Chúa Thượng để tự lập. Vì thế các ông phải dốc lòng gắng sức nghe theo lời ta truyền bảo. Ai vâng mệnh ta, ta sẽ ban thưởng suốt đời. Ai trái mệnh ta, ta sẽ bêu đầu ở chợ. Các ông nên gắng sức". Các quan đều nghe theo. Bảo Quốc Vương đến ở cửa Ngân Hà. Thái Hậu triệu tập rất gấp. Bảo Quốc Vương muốn vào nhưng bị các quan ngăn lại và nói rằng "Vì chưa nghe chiếu chỉ nên không dám phụng mệnh. Nếu Vương cứ cậy mạnh mà lao thì kẻ phạm đến Vương không phải là tôi mà là quân sĩ". Bảo Quốc Vương nghe thế thì hổ thẹn mà rút lui. Cuối cùng, Long Trát vẫn được lập ngôi Thiên tử theo đúng di mệnh của Lý Anh Tông. Tô Hiến Thành giữ quyền phụ chính, hết lòng hết sức phò giúp ấu chúa.
Tô Hiến Thành phục dịch dưới hai thời vua Lý Anh Tông và Lý Cao Tông Ông là viên quan văn võ song toàn, nổi tiếng đến mức vua Lý Anh Tông cũng biết tên, được đích thân vua cho mời vào cung làm việc. Là người có thực tài, lại công minh chính trực nên Tô Hiến Thành được vua Lý Anh Tông rất mực tin yêu và trọng dụng, phong cho ông tới chức Thái phó (một chức danh quan trọng bậc nhất trong triều đình). Sau khi vua Lý Anh Tông mất, Lý Long Trát (vua Lý Cao Tông) lên kế vị khi đó mới 3 tuổi, Tô Hiến Thành được giao quyền phụ chính, một lòng phò ấu chúa.
Sách Đại Việt sử lược ghi tháng 6 năm 1179, Tô Hiến Thành mất, vua Lý Cao Tông thương tiếc cho nghỉ chầu triều 7 ngày, ăn chay 3 ngày. Sách Đại Việt sử ký toàn thư lại ghi "vua bớt ăn 3 ngày, nghỉ chầu 6 ngày". Sử thần Ngô Sĩ Liên bàn trong Đại Việt sử ký toàn thư: "Tô Hiến Thành nhận việc ký thác con côi, hết sức trung thành, khéo xử trí khi biến cố, như cột đá giữa dòng, tuy bị sóng gió lay động vỗ đập mà vẫn đứng vững không chuyển, khiến trên yên dưới thuận, không thẹn với phong độ của đại thần thời xưa. Huống chi đến lúc sắp chết còn tiến cử người hiền, không vì ơn riêng, Thái hậu không dùng lời nói của Hiến Thành là việc không may cho nhà Lý vậy".
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ lạc nguyên thủy mạnh nhất thế giới: xé xác dã thú bằng tay, ngồi xổm để sinh con cái
Tể tướng Trung Quốc nạp nhiều thê thiếp hơn cả Hoàng đế, vẫn sống thọ đến 104 tuổi
Danh tướng có chỉ số IQ cao ngất ngưởng ở Tam Quốc: Gia Cát Lượng thua xa, xuất thân danh giá, từng lừa được cả Tào Tháo
Việt Nam xuất hiện thêm 'kho báu' lớn thứ 2 thế giới, tỉnh nắm giữ trữ lượng lớn nhất có 1/3 diện tích nằm trên 'mỏ vàng' này
Bộ lạc nữ duy nhất trên thế giới: Bắt cóc đàn ông mạnh để sinh con và đuổi họ đi khi mang bầu
Bộ lạc nguyên thủy nhất thế giới, nơi phụ nữ cả đời không tắm bằng nước 1 lần nào