Khám phá

Vì sao Hán Vũ đế giết những cung phi sinh con cho mình?

Trước lúc băng hà, Hán Vũ đế bỗng hạ lệnh xử tội chết Câu Dặc phu nhân và tất thảy cung phi trong triều đã sinh con cho ông.

Điều có 1-0-2 trong triều đại nhà Thanh: Chức quan quyền lực hơn Hoàng đế, chỉ 2 người dám nhận / Tể tướng Trung Quốc nạp nhiều thê thiếp hơn cả Hoàng đế, nhờ vậy mà thọ đến 104 tuổi

Hán Vũ đế là hoàng đế thứ 7 của nhà Tây Hán. Trong suốt 54 năm trị vì đất nước (từ 140 TCN – 87 TCN), vị vua này nổi tiếng là minh quân sáng suốt với những đường lối cai trị hợp lòng dân. Nếu trong thời Lưu Bang, Hán Văn đế, Hán Cảnh đế, số lượng cung phi trong triều chỉ có hạn, thì tới giai đoạn trị vì của Hán Vũ đế, lịch sử đã sang trang.

Vào năm 101 TCN, sau khi cung Minh Quang được xây dựng xong, Hán Vũ đế lập tức mở cuộc tuyển chọn mỹ nữ. Hai nghìn cô gái thân ngọc mày ngà đã được triệu vào cung. Họ đều là những bông hoa mới chớm nở, tuổi tròn 15 – 20. Số lượng phi tần nhiều không đếm xuể cũng gây ra phiền toái cho hoàng cung. Sách "Bác vật chí" tiết lộ, Hán Vũ đế vì muốn kiểm soát chuyện trinh tiết của mỹ nữ trong triều đã dùng thủ cung sa, tức chấm dấu tròn đỏ vào cổ tay các cô gái còn trong trắng. Những cung tần, mỹ nữ thời bấy giờ cũng vì thế mà không dám làm điều trái luật.

Hán Vũ Đế

Chuyện tình trắc trở với A Kiều

Chuyện tình cảm của vị minh quân này với các hậu phi trong cung cũng để lại nhiều câu chuyện lý thú. Người phụ nữ có ảnh hưởng rất lớn với sự nghiệp của Hán Vũ đế là Trần A Kiều, con gái của công chúa trưởng Lưu Phiếu. Nhà sử gia Ban Cố trong “Hán thư” chỉ rõ, Hán Vũ đế Lưu Triệt năm lên ba tuổi đã được phong là Giao Đông vương. Một lần, ông được mẹ nuôi, tức công chúa trưởng Quán Đào Lưu Phiếu, ôm vào lòng rồi hỏi: “Con có muốn lấy vợ không?”. “Có”, Hán Vũ đế đáp lại.

Công chúa chỉ vào đám đông hơn trăm người đứng cạnh gợi ý tiếp: “Muốn người nào?”. Vũ đế nguầy nguậy lắc đầu, tỏ ý không ưng. Lưu Phiếu vội chỉ tay về phía con gái mình, tức Trần A Kiều, rồi hỏi: “Ta gả A Kiều làm vợ cho con được chăng?”. Hán Vũ đế Lưu Triệt nhoẻn cười đáp: “Được ạ! Nếu lấy được A Kiều làm vợ, con sẽ cho đúc nhà vàng để cho nàng ở”. Chính câu nói này về sau đã trở thành điển cố nổi tiếng của Trung Quốc: “Kim ốc tàng Kiều” (nhà vàng cất người đẹp). Dù câu chuyện có yếu tố thêm bớt nhưng theo những ghi chép của sử sách, khi lên 6 tuổi, Hán Vũ đế đã đính ước với A Kiều (lúc này tròn 10 tuổi). Sau khi lên ngôi trị vì, ông đã lập nàng làm hoàng hậu.

Tình cảm giữa hai người mặn nồng trong buổi sơ khai. Hán Vũ đế thường lui tới cung của A Kiều mỗi buổi tan triều, cùng nàng hưởng những ngày quấn quít yêu thương. Nhưng về sau, Hán Vũ đế dần nhạt phai tình cảm dành cho hoàng hậu. Phần vì cung tần mỹ nữ trong cung nhiều không đếm xuể, phần vì chung sống nhiều năm, hai người vẫn không có nổi một mụn con. Công chúa trưởng Lưu Phiếu vì việc này mà ủ rũ, muộn phiền. Bà nhiều lần than vãn với công chúa Bình Dương, tức chị gái của Vũ đế: “Nếu không có tôi, hoàng đế sao được lên ngôi. Sao giờ lại nỡ vứt bỏ con gái tôi như vậy?”. Bình Dương công chúa bèn giải thích: “Đấy là do A Kiều không sinh nổi con trai”. Biết chuyện, công chúa trưởng bèn lạy lục tứ phương, tìm danh y chữa trị cho con gái, thậm chí tiêu tốn tới hơn 9 ngàn vạn lượng, nhưng chỉ là công dã tràng.

Khi biết Hán Vũ đế hết mực sủng ái mỹ nhân Vệ Tử Phu, Trần A Kiều nổi máu Hoạn Thư. Bà khóc lóc than vãn, thậm chí tìm mọi phương sát hại Vệ Tử Phu. Biết sự thực, Vũ đế nổi trận lôi đình, dần dần xa lánh bà.

Tương truyền, để lấy lại sự sủng ái trước đây của hoàng đế, Trần A Kiều hoàng hậu bèn nhờ Tư Mã Tương Như – nhà thơ nổi tiếng bấy giờ - sáng tác bài “Trường môn phú” với lời lẽ, ý tứ tha thiết rồi tìm cách dâng lên vua. Đọc xong bài thơ, thấu tỏ tấm chân tình của A Kiều, Hán Vũ đế xúc động bồi hồi, lại hết mực thương yêu bà. Nhưng thói ghen tị xưa kia vẫn khiến Trần A Kiều yểm bùa Vệ Tử Phu, lăng mạ hoàng đế nên bị phế ngôi hoàng hậu.

Ép chết cung phi trong triều

Nổi tiếng là vị vua tài trí minh mẫn, lẫy lừng một thuở khi đánh bại Hung nô nhưng về cuối đời, Hán Vũ đế có tính khí thất thường, độc đoán, tàn nhẫn. Năm 91 TCN, ông đã khép tội mưu đồ làm phản đối với thái tử Lưu Cứ vì vụ án mưu trừ gian thần Giang Sung (vốn được Vũ đế tin cậy). Sai lầm này của vua cha khiến thái tử Lưu Cứ phải tự vẫn.

Sau khi Lưu Cứ qua đời, Hán Vũ đế lập Phất Lăng làm thái tử để truyền ngôi (là Hán Chiêu đế sau này). Nhưng vì mẫu thân của Phất Lăng là Câu Dặc lúc này còn quá trẻ, riêng ông đã ngoài tuổi lục tuần, nên Vũ đế trong lòng luôn canh cánh lo sợ phụ nữ sẽ buồng rèm nhiếp chính, thao túng triều đình như Lữ Hậu xưa kia. Để trừ hậu họa, ông đã cho lập một Hội đồng phụ chính do Hoắc Quang đứng đầu, chuyên giúp ấu chúa trị nước yên bình. Trước lúc băng hà, Hán Vũ đế thậm chí xử tội chết đối với Câu Dặc phu nhân và tất thảy cung phi từng sinh con cho mình để triều đình nhà Hán vẫn cực thịnh về sau. Để con được lên ngôi, Câu Dặc phu nhân đành ngậm ngùi kết thúc số mệnh ngắn ngủi của mình.

Quả như những điều tiên liệu của vua cha, Hán Chiêu đế (95 TCN – 74 TCN) sau này cũng trở thành vị vua anh minh, tài ba của triều đại Tây Hán. Dù chỉ tại vị trong 13 năm, nhưng ông giữ vững thiên hạ thái bình và dẹp yên họa tạo phản của cha con Thượng Quan.

- Video: Ngắm sự kỳ vĩ và lộng lấy của Tử Cấm Thành từ trên cao. Nguồn: Sky Eye.


 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm