Vì sao Lưu Bị bị chê bai không đáng mặt anh hùng?
Cuối thời Đông Hán, chư hầu nổi dậy khắp nơi, không ít các thế lực đã xưng bá một phương. Bởi vì xuất thân bất đồng, nên thực lực của những chư hầu này cũng có sự chênh lệch rất rõ ràng.
Hai anh em Viên Thiệu – Viên Thuật xuất thân từ một gia tộc bốn đời tam công. Nhờ có bối cảnh danh gia vọng tộc, huynh đệ họ Viên đã chiếm cứ hai khu vực giàu có và phồn vinh là Hà Bắc cùng Hoài Nam, dưới trướng họ cũng không thiếu tinh binh, lương thực.
Nhóm người Lưu Biểu, Lưu Chương có dòng dõi nhà Hán, cố thủ ở lãnh thổ Kinh Châu, Ích Châu. Bởi vì xuất thân cao quý, hai nhân vật này đều có năng lực hiệu triệu rất lớn, binh cường mã tráng dưới tay không thiếu, văn thần võ tướng cũng rất mực đông đảo.
Tôn Quyền được thừa kế cơ nghiệp Giang Đông từ cha anh, lại có thêm nhiều thuộc hạ trung thành, kiêu dũng, từ đó càng có thực lực để tranh bá thiên hạ.
Nếu so sánh với những chư hầu này, Lưu Bị chỉ là một người sở hữu xuất thân thua kém, thực lực nhỏ yếu. Nửa đời trước của Lưu Huyền Đức về cơ bản phải đi nương nhờ vào các thế lực lớn, thậm chí đã có mấy lần đổi chủ.
Xuất thân nhà nghèo
Lưu Bị (161 – 223) tự là Huyền Đức, người huyện Trác, quận Trác thuộc U châu, là một vị thủ lĩnh quân phiệt, hoàng đế khai quốc nước Thục Hán thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc.
Ông là dòng dõi của Trung Sơn Tĩnh vương Lưu Thắng – người con thứ của Hán Cảnh Đế. Ông nội Lưu Bị là Lưu Hùng, được cử làm Hiếu liêm, làm huyện lệnh huyện Phạm thuộc Đông quận. Cha Lưu Bị là Lưu Hoằng mất sớm.
Tuy là người dòng dõi nhà Hán, nhưng do từ thời Hán Vũ Đế ban hành “thôi ân lệnh” nên đất phong của các quận vương ngày càng bị phân chia. Đến đời Lưu Bị, những người chi thứ của hoàng tộc ngày càng được hưởng ít tước lộc, gia đình ông chỉ là bần nông, chỉ còn lại danh nghĩa là con cháu hoàng thất.
Nhà nghèo và mồ côi cha sớm, Lưu Bị phải cùng mẹ làm nghề bện giày cỏ, chiếu cỏ để kiếm sống. Do danh tiếng là người trong hoàng tộc, ông vẫn kết giao được với những người có danh vọng như Công Tôn Toản, Lưu Đức Nhiên, cùng họ nhận Lư Thực làm thầy. Lư Thực là người có tài kiêm văn võ, Lưu Bị được truyền đạt học hỏi rất nhiều. Tiền học của Lưu Bị được cha của Lưu Đức Nhiên là Lưu Nguyên Khởi chu cấp cho. Ông học không giỏi mà thích nuôi chó ngựa, chú trọng đến ăn mặc Lưu Nguyên Khởi, một người cùng họ thường chu cấp cho Lưu Bị, vợ của Nguyên Khởi hỏi: "Mỗi nhà mỗi cảnh, sao ta có thể mãi chu cấp cho nó!" Khởi đáp: "Đứa trẻ ấy có cùng họ với ta, thật là người phi thường vậy".
Lưu Bị thích giao kết với kẻ hào kiệt, được nhiều người trẻ tuổi vây quanh. Lưu Bị đã gặp gỡ và kết giao với Quan Vũ và Trương Phi. Ba người rất thân thiết với nhau, coi nhau như anh em một nhà. Nhà Đông Hán ngày càng suy yếu, nhiều nơi tình hình địa phương không ổn định, Lưu Bị đã tập hợp thanh niên trong xóm đứng ra bảo vệ trật tự. Ông được mấy người phú thương làm nghề buôn ngựa ở nước Trung Sơn là Trương Thế Bình và Tô Song trợ giúp, vì thế Lưu Bị có thể duy trì trong tay một đội quân nhỏ trong vùng.
Đầu quân cho Trâu Tịnh
Tam quốc chí từng ghi chép về "mười lần đổi chủ" của Lưu Bị.
Theo đó, lúc đầu ông đi theo Hiệu úy Trâu Tịnh dẹp loạn Hoàng Cân, được phong làm Huyện úy An Hỷ (tương đương chức Phó Chủ tịch huyện ngày nay). Cũng từ đây, Lưu Bị chính thức bắt đầu sự nghiệp chinh chiến của mình.
Đi theo Tòng sự Thanh Châu
Dưới sự đề cử của Lưu Tử Bình, Lưu Bị đầu quân phái quan Tòng sự Thanh Châu. Về lần "đổi chủ" này, "Điển lược" Tam quốc chí có chép:
"Người ở Bình nguyên là Lưu Tử Bình biết Lưu Bị là người mạnh bạo lại có uy, bấy giờ Trương Thuần làm loạn, Thanh Châu bị giáng chiếu chỉ phái quan Tòng sự đưa binh đánh dẹp Thuần, khi đi qua Bình Nguyên, Tử Bình tiến cử Bị với quan Tòng sự, Tòng sự bèn cho đi theo...".
Về dưới quyền Khâu Nghị
Không lâu sau đó, Đại tướng quân Hà Tiến phái Đô úy Khâu Nghị đến Đan Dương mộ binh. Lưu Bị cũng đi cùng.
Đến Hạ Bì gặp giặc, ông gắng sức chiến đấu, nhờ có công lao nên được Khưu Nghị phong làm Hạ Mật thừa, sau lại được phong làm chức Úy ở huyện Cao Đường.
Việc Lưu Bị bỏ quan Tòng sự đi theo Khâu Nghị được Tam quốc chí ghi lại trong phần Tiên chủ truyện.
Nương nhờ Công Tôn Toản
Năm 188, anh em Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi giao tranh với quân cướp địa phương bị bại trận, bèn bỏ huyện Cao Đường đến nương nhờ người bạn học cũ là Công Tôn Toản ở U châu. Khi đó Công Tôn Toản vừa được phong làm Trung lang tướng do dẹp được Trương Thuần và chiêu hàng được Tham chí vương của Ô Hoàn, liền tiến cử Lưu Bị làm Biệt bộ tư mã.
Chịu sự áp chế của Điền Khải
Nhưng sau đó không lâu, Công Tôn Toản để ông giúp Thứ sử Thanh Châu là Điền Khải chống lại Viên Thiệu. Cũng từ đây, Lưu Bị đi theo Điền Khải, đóng quân ở phía đông nước Tề và chịu sự áp chế của họ Điền này.
Nhờ lập được nhiều chiến công, Lưu Bị được phong làm Bình Nguyên tướng.
Phụ giúp Đào Khiêm
Năm 193, Viên Thiệu mang quân đánh Công Tôn Toản. Cũng vào lúc này, Đào Khiêm ở Từ Châu thành nghi phạm giết cha của Tào Tháo và bị quân Tào báo thù.
Đào Khiêm vội cầu cứu Điền Khải và Công Tôn Toản. Toản liền cử Lưu Bị đến Từ Châu ứng cứu.
Bấy giờ, quân số của Lưu Bị có hơn 1000 quân cùng với đám kị binh tạp nham người Ô Hoàn ở U Châu, rồi lại được Đào Khiêm cấp cho 4.000 quân nữa nên ông bỏ Điền Khải theo về với Đào Khiêm.
Lưu Bị cùng Đào Khiêm tử thủ ở Đan Dương, giúp họ Đào này thoát khỏi kiếp nạn mất mạng dưới tay quân Tào.
Do Lưu Bị khước từ việc nhậm chức Từ Mục châu thay mình, Đào Khiêm đề nghị Lưu Bị đem quân đóng ở Tiểu Bái để bảo vệ Từ Châu và được ông nhận lời.
Năm 194 thời Hán hiến Đế, Đào Khiêm qua đời. Nhiều người đề cử Lưu Bị nhậm chức Từ Châu mục để tiếp quản Từ Châu, Lưu Bị hồi lâu mới đồng ý. Kể từ đó, Từ Châu trở thành căn cứ đầu tiên của ông.
Đầu hàng Lã Bố
Lã Bố thừa cơ dịp Trương Phi bất hòa với Tào Tháo, liền đem quân tập kích Hạ Bì và toàn thắng. Do chiếm lại Hạ Bì không thành, lại bị Viên Thuật truy kích, Lưu Bị đành phải trở về Từ Châu đầu hàng Lã Bố.
Theo Ngụy thư: các tướng dưới quyền Lã Bố cho Lưu Bị là kẻ phản phúc khó dung nên khuyên Lã Bố sớm trừ đi nhưng Lã Bố không nghe.
Lã Bố đem ý định trừ khử của quần thần kể cho Lưu Bị. Biết được điều này, Lưu Bị vô cùng sợ hãi, vội phái người đến xin Lã Bố đóng quân ở Tiểu Bái và được chấp thuận.
Cầu cứu Tào Tháo
Năm 198, lực lượng của Lưu Bị ở Tiểu Bái ngày càng lớn mạnh. Lã Bố lo sợ nên giảng hòa với Viên Thuật để liên thủ đánh Lưu Bị.
Lưu Bị chống trả không nổi, buộc phải bỏ thành, đem theo gia quyến chạy về phía Tây rồi sai người cầu cứu Tào Tháo.
Tào Tháo cử tướng Hạ Hầu Đôn mang quân cứu họ Lưu. Quân hai bên đụng độ ở Từ Châu. Lã Bố dẫn quân ra đối địch, đánh bại tướng Hạ Hầu Đôn.
Tào Tháo và Lưu Bị thu quân về Hứa Xương. Ông không trả lại Từ Châu cho Lưu Bị mà cử Xa Trụ trấn giữ. Tào Tháo phong Lưu Bị làm Tả tướng quân và giữ ông ở lại Hứa Xương để kiềm chế.
Nương nhờ Viên Thiệu
Năm 200, sau chiến công đánh thắng Viên Thuật, lại thêm vụ trọng án Đổng Thừa, Lưu Bị quyết tâm ra đi và chính thức ly khai Tào Tháo rồi bất ngờ mang quân đánh chiếm Từ Châu, giết Xa Trụ.
Ông bổ nhiệm Quan Vũ làm Thái thú Hạ Bì, Tào Tháo tức giận mang quân đánh gấp Từ Châu.
Lưu Bị không chống trả nổi nên bỏ chạy sang Hà Bắc theo Viên Thiệu. Theo Ngụy thư, Lưu Bị về với Viên Thiệu được cha con Viên Thiệu hết lòng cung kính, trọng vọng.
Trương Phi trốn về Nhữ Nam còn Quan Vũ không có đường chạy nên đầu hàng Tào Tháo. Gia quyến của Lưu Bị đều rơi vào tay quân Tào. Từ đây, Lưu Bị chính thức gia nhập tập đoàn chính trị hùng mạnh của Viên Thiệu để chống lại Tào Tháo.
Về phe Lưu Biểu
Sau trận Diên Tân, Tào Tháo và Viên Thiệu tạm hưu chiến. Nhận thấy Viên Thiệu không đủ khả năng để chống lại quân Tào, Lưu Bị liền xin được điều quân sang Nhữ Nam nhằm đánh du kích sau lưng quân địch và được Viên Thiệu chấp thuận.
Bấy giờ, Quan Vũ sau khi đã lập công trả ơn cho Tào Tháo liền tìm cách trốn đi để tái ngộ cùng Lưu Bị và Trương Phi ở đất Nhữ Nam.
Tại đây, Lưu Bị liên thủ với một tướng trong khởi nghĩa Hoàng Cân là Cung Đô. Tuy nhiên sau này, họ Cung bị Tào Tháo giết chết tại Nhữ Nam.
Bản thân Lưu bị cũng chống trả không nổi, buộc phải bỏ chạy về Kinh Châu theo Lưu Biểu. Ông được Lưu Biểu cho trấn giữ Tân Dã - một huyện tiền đồn chống quân Tào ở phương Bắc…
Có thể thấy, nửa đời trước của Lưu Bị từng lang bạt khắp nơi, thậm chí còn mấy lần đổi chủ, mỗi lúc lại nương nhờ một thế lực.
Chỉ đến khi đến được Kinh Châu và mời được Gia Cát Lương phò tá, Lưu Bị mới chính thức chấm dứt giai đoạn nay đây mai đó suốt gần nửa đời người của mình. Sau này nhờ kế sách chia ba thiên hạ của Gia Cát Lượng, Lưu Bị mới lập nên được nhà Thục Hán.
Tuy vậy, có không ít người hoài nghi ngờ về năng lực của ông và đặt ra câu hỏi: Liệu Lưu Bị là một "đại anh hùng" biết nhìn thời thế, hay chỉ là một "tắc kè hoa" đổi chủ như thay áo. Chính vì lý do này mà có nhiều ý kiến cho rằng Lưu Bị không đáng mặt anh hùng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Người Việt Nam duy nhất được xem là triết gia: Thế giới nể trọng, tên được đặt cho 1 con đường ở TP.HCM
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Trường THPT chuyên lâu đời nhất Việt Nam: Nhiều lãnh đạo từng học, là niềm hãnh diện của cả đất nước
Mổ ‘xác ướp người ngoài hành tinh’, các nhà khoa học phát hiện ra 1 bí mật gây 'sốc'
Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
CLIP: Cuộc chạm trán đầy kịch tính giữa sát thủ bò sát và linh miêu, kết cục đầy kịch tính