Khám phá

Vụ gián điệp khiến Thủ tướng phải từ chức

45 năm trước, vào ngày 15/12/1975, Tòa án CHLB Đức đã chính thức chưa ra phán quyết về tội danh hoạt động gián điệp đối với Gunter Guillaume, trợ lý riêng của Thủ tướng Willy Brandt.

4 gián điệp cao tay bậc nhất trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, "gian hùng" như Tào Tháo, Lữ Bố còn bị dắt mũi / Vụ bê bối gián điệp giả chấn động Ấn Độ

Việc phát hiện một điệp viên của Bộ an ninh quốc gia CHDC Đức cài cắm ngay trong văn phòng Thủ tướng Liên bang được coi là một vụ bê bối gián điệp lớn nhất trong lịch sử nước Đức, kéo theo đó là một cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng khiến Thủ tướng Willy Brandt buộc phải từ chức…

Đúng 6 giờ 30 sáng ngày 24/4/1974, những tiếng chuông cửa vang lên tại ngôi nhà trợ lý riêng của Thủ tướng Willy Brandt. Chủ nhà mặc vội chiếc áo choàng và bước ra mở cửa, thầm ngạc nhiên tự hỏi tại sao người đưa sữa hay nhân viên bưu điện lại đến sớm như vậy?

Ngay khi mở của, Guillaume bắt gặp một vài người đàn ông cùng một phụ nữ đứng trước cửa nhà. “Ông có phải là Gunter Guillaume?” – sau câu hỏi trên cùng với lời gật đầu xác nhận, chủ nhà ngay lập tức bị còng tay cùng với tuyên bố về lệnh bắt giữ.

Guillaume nhiều năm sau đã kể về vụ bắt giữ của mình như vậy. Cảnh sát không chỉ bắt ông mà còn cả bà vợ Christel cùng với cáo buộc hoạt động gián điệp cho CHDC Đức. Ngoài vai trò là ngòi nổ cho một vụ bê bối chính trị làm rung động cả nước Đức, vụ bắt giữ vợ chồng nhà Guillaume cũng được coi là thành công lớn nhất trong lịch sử của mật vụ CHLB Đức.

Quá khứ… Phát xít

Không mấy người có thể hiểu rõ về vô số những xung đột trong quan hệ giữa hai nước Đức trong những giai đoạn 1960-1970 như Gunter Guillaume và bà vợ Christel của ông. Gunter sinh năm 1927 tại Berlin, trong gia đình một nhạc công - nghệ sĩ. Trong những năm cuối của Chiến tranh thế giới thứ hai, ông bị gọi nhập ngũ, thậm chí còn gia nhập đảng Đức Quốc xã. Được trả tự do sau một thời gian ngắn là tù binh của người Anh, Gunter làm biên tập viên kỹ thuật và thợ ảnh tại Nhà xuất bản quốc gia Volk und Wissen của CHDC Đức, nơi chuyên phát hành những ấn phẩm trong lĩnh vực giáo dục, đồng thời cũng là một bình phong cho Bộ An ninh quốc gia (MfS) khi đó.

Cựu Thủ tướng Willy Brandt.

Năm 1951, Gunter cưới ChristelBoom, con gái của một thương gia gốc Hà Lan, từng bị truy lùng vì bảo vệ các đồng nghiệp Do thái. Một năm sau, Gunter gia nhập Đảng xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức (SED), trước khi trở thành “sĩ quan có sứ mạng đặc biệt” tại MfS một thời gian sau đó. Những nỗ lực này, theo giải thích của ông là để chuộc lỗi cho quá khứ từng theo quân phát xít trong chiến tranh.

Gia đình Guillaume được giao nhiệm vụ chuyển sang định cư và hoạt động tại CHLB Đức. Với mục tiêu hợp thức hóa dần việc nhập cư, bà mẹ của Christel (có quốc tịch Hà Lan) đã tới CHLB Đức đầu tiên, không gặp nhiều khó khăn trong việc định cư tại Frankfurt. Hai vợ chồng Guillaume đặt chân tới đây vào năm 1956, dù đã đăng ký từ trước để tránh nguy cơ bị điều tra kỹ càng từ phía cơ quan phản gián.

Gunter (có mật danh là HANSEN) được thừa hưởng từ mẹ vợ một cửa hàng nhỏ bán cà phê và thuốc lá, còn Christel (mật danh HEINZE) nộp đơn tìm kiếm công việc của một thư ký. Đáng chú ý là trước khi sang CHLB Đức hoạt động, Gunter chưa trải qua một khóa đào tạo tình báo bài bản nào.

Chui sâu – leo cao

Nhiệm vụ ban đầu của hai vợ chồng tương đối đơn giản – đó là điều phối các nguồn tin sẵn có trong Đảng dân chủ xã hội CHLB Đức (SPD) vì quyền lợi của tình báo đối ngoại CHDC Đức. Nhưng Gunter sau đó đã có những bước đi tham vọng hơn: không chỉ gia nhập đảng này mà còn trở thành phóng viên cho một tờ báo địa phương của SPD.

 

Gunter Guillaume tại phiên tòa xét xử.

Vượt ngoài sự mong đợi của tổ chức, chỉ trong vòng 1 năm, Gunter nhờ sự tận tâm của mình đã “thoát xác” từ một ông chủ cửa hàng nhỏ trở thành một thành viên có quan điểm chống cộng kiên quyết, có uy tín trong hàng ngũ các đảng viên theo đường lối cánh hữu.

Gunter lần lượt nắm nhiều vị trí trong bộ máy địa phương của SPD trước khi được bầu vào hội đồng thành phố Frankfurt. Cũng trong thời điểm này, Christel đã trở thành thư ký của Wilhelm Birkelbach - nghị sĩ của SPD, đồng thời cũng là một trong những nhà lãnh đạo của đảng này – khai thác được nhiều thông tin có giá trị liên quan đến 2 học thuyết quân sự của NATO và quân khu “Phương Bắc” của CHDC Đức.

Bước đột phá chính trong sự nghiệp của Gunter bắt đầu vào tháng 9/1969 trong khuôn khổ cuộc bầu cử toàn quốc. Ông được giao chỉ đạo chiến dịch tranh cử của Georg Leber, một quan chức nổi tiếng của SPD, chủ tịch công đoàn tại Frankfurt.

Khi Willy Brandt bắt đầu tập hợp chính phủ đầu tiên của phe xã hội tại CHLB Đức, Leber đã được để mắt tới (về sau ông này trở thành Bộ trưởng Lao động, và sau đó là Bộ trưởng Quốc phòng). Được Leber tiến cử, Gunter vẫn phải trải qua một thủ tục kiểm tra về an ninh gắt gao. Ông thừa nhận mình từng là thành viên của FDJ (Tổ chức đoàn thanh niên tự do CHDC Đức), tuy nhiên gạt bỏ mọi giả thuyết có liên quan đến cơ quan tình báo STASI.

Với phong thái hết sức tự nhiên, Gunter đã trải qua tất cả các biện pháp kiểm tra, dù về sau này từng thừa nhận đó là 2 giờ khó khăn nhất trong sự nghiệp hoạt động của mình. Cuối cùng, Cơ quan bảo vệ hiến pháp CHLB Đức (tên gọi chính thức của cơ quan phản gián) đã kết luận, Gunter được cho phép tiếp xúc với các tài liệu ở mức độ “mật”.

 

Cương vị mới đầu tiên của ông được giao trong văn phòng của Willy Brandt là chức trợ lý phụ trách các công đoàn và tổ chức chính trị. Với nỗ lực làm việc chăm chỉ, xuất sắc cùng khả năng quan hệ rất tốt, Gunter đã thăng tiến rất nhanh trong sự nghiệp, giành được sự tin tưởng và tín nhiệm cao của cả cấp trên và cấp dưới. Cũng trong thời gian này, Christel cũng có được một vị trí làm việc tại cơ quan đại diện của bang Hessen ở thủ đô CHLB Đức.

Khi còn ở Frankfurt, Gunter vẫn duy trì liên lạc ổn định với Đông Berlin, chuyển giao nhiều thông tin quan trọng giấu trong những hộp thuốc lá tại cửa hàng của mẹ vợ.

Còn những chỉ đạo từ trên cho ông được mã hóa và gửi qua phương tiện vô tuyến điện sóng ngắn. Còn tại Bonn, ông thường gặp những liên lạc viên của mình (có mật danh là ARNO và NORA) tại các nhà hàng, khách sạn cũng như ngay trên xe ôtô, chủ yếu truyền đạt các thông tin bằng lời, rất hiếm khi chuyển giao tài liệu, hình ảnh cụ thể.

Tình báo CHDC Đức đặc biệt đánh giá cao thông tin của Gunter về cái gọi là “Ostpolitik” – thực chất là nỗ lực xây dựng mối quan hệ hữu hảo hơn giữa chính quyền của Brandt với Đông Âu (đặc biệt là với Liên Xô và Đông Đức).

Gunter đạt tới đỉnh cao sự nghiệp của mình vào mùa hè năm 1972, khi một trong 3 trợ lý cao cấp nhất của Thủ tướng Brandt quyết định tự mình tham gia tranh cử.

 

Được bổ nhiệm vào vị trí thay thế nhân vật này, Gunter có thể tiếp cận được với những tài liệu có độ mật cao hơn, đồng thời nhanh chóng trở thành “cái bóng của Brandt”, đặc biệt sau chiến dịch tái tranh cử thành công của Thủ tướng, khi cả hai cùng nhau rong ruổi khắp đất nước trên một chuyến tàu đặc biệt.

Nghi ngờ

Mùa xuân năm 1973, đã xuất hiện những dấu hiệu cảnh báo đầu tiên liên quan đến Gunter, khi văn phòng Thủ tướng được thông báo về một vài sự việc nhỏ liên quan đến trợ lý riêng của Brandt. Vấn đề là trong quá trình điều tra một vụ khác, cơ quan phản gián đã thu thập được một vài bằng chứng gián tiếp có liên quan tới Gunter và vợ của ông.

Thuyết phục nhất là những thông điệp vô tuyến điện được giải mã trong thời gian những năm 1950. Vấn đề là cơ quan tình báo CHDC Đức vẫn có thông lệ động viên các điệp viên đang hoạt động tại nước ngoài của mình bằng cách gửi những lời chúc được mã hóa nhân dịp những ngày sinh nhật hay ngày lễ trong gia đình của họ.

Christel Guillaume.

Việc rà soát lại những lời chúc trên lại trùng khớp với những sự kiện của gia đình Gunter cũng như người con trai duy nhất sinh năm 1957 của họ. Chỉ huy cơ quan phản gián lập tức thông báo nghi ngờ trên cho Bộ trưởng Nội vụ, và sau đó là Thủ tướng. Phía Brandt đã chỉ đạo tạm thời không đụng tới Gunter để tiếp tục theo dõi.

 

Trong suốt thời gian sau đó, cơ quan phản gián không phát hiện được bất cứ bằng chứng nào khác về hoạt động tình báo của vợ chồng nhà Guillaume.

Bản thân Brandt cũng có những biện pháp nhằm kiểm tra trợ lý của mình: chẳng hạn như cố tình sắp xếp tài liệu mật và bút chì trên đó để kiểm tra có bị xem trộm hay xê dịch không.

Đáng chú ý trong số này có cả bức thư của Tổng thống Mỹ Richard Nixon gửi cho Brandt, trong đó bàn bạc về những bất đồng nghiêm trọng với Pháp liên quan tới chiến lược hoạt động của NATO. Tuy nhiên, họ không thể phát hiện ra bằng chứng rõ ràng về chuyện này, cho dù theo như Gunter khẳng định, đây chính là thành công lớn nhất trong sự nghiệp hoạt động của mình.

Cho đến tháng 4/1974, chính quyền CHLB Đức không thu thập được bất cứ tài liệu nào để chống lại vợ chồng nhà Guillaume. Tuy nhiên họ vẫn ra lệnh bắt giữ vì lo ngại cả hai chạy trốn về CHDC Đức. Khi bị bắt giữ bất thình lình, Gunter đã vội vàng tuyên bố với các nhân viên phản gián: “Tôi là sĩ quan và là công dân CHDC Đức. Hãy tôn trọng điều này”.

Lời nói trên không những vi phạm nghiêm trọng về qui tắc hành xử của một điệp viên, đồng thời còn trở thành bằng chứng cụ thể duy nhất để chính quyền CHLB Đức có thể ra lệnh khởi tố. Những diễn biến tiếp theo của vụ bê bối thì tất cả đều đã rõ. Thủ tướng Brandt buộc phải từ chức, cho dù theo như đánh giá của một ủy ban điều tra độc lập 1 năm sau đó, vụ việc của Gunter chỉ là một trong những nguyên nhân dẫn tới quyết định này.

 

Nội dung bản báo cáo này cũng chỉ trích gay gắt sự yếu kém trong công tác điều tra của cơ quan phản gián cũng như sự thờ ơ đối với các vấn đề an ninh trong quốc hội. Gunter sau đó bị kết án 13 năm tù, còn bà vợ Christel nhận bản án 8 năm. Tháng 10-1981, Gunter được trao đổi với 8 điệp viên của phương Tây (3 trong số này bị kết án chung thân). Trước đó vào tháng 3 cùng năm, bà Christel cũng được trao đổi với 6 điệp viên khác.

Hai vợ chồng nhà Guillaume được chào đón nhiệt liệt khi trở về Đông Berlin. Gunter được mệnh danh là “điệp viên của hòa bình”, được tặng thưởng huân chương Karl Marx (phần thưởng cao quí nhất của CHDC Đức) và được phong quân hàm Trung tá.

Ngoài ra, những sự kiện trong cuộc đời hoạt động của nhà Guillaume còn được dàn dựng thành một bộ phim tài liệu có tên “AUFRAG ERFULLT” (Nhiệm vụ đã hoàn thành) để giáo dục cho các nhân viên tương lai của STASI.

Gunter sau đó được giao nhiệm vụ giảng dạy tại Trường đào tạo điệp viên của STASI ở Potsdam Eiche, nơi ông còn nhận được bằng tiến sĩ danh dự. Tiểu sử của ông còn được treo trang trọng tại đây, ngang hàng với những điệp viên nổi tiếng khác như Richard Sorge và Klaus Fuchs.

Cuộc sống riêng tư của Gunter về sau lại có vẻ không được như ý muốn. Cậu con trai duy nhất của hai người sau đó lại chạy sang Tây Đức sống. Hai vợ chồng ông cũng chia tay vì những lý do riêng tư. Gunter lấy vợ lần thứ hai trước khi qua đời sau một thời gian dài bệnh tật vào năm 1995.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm