Khám phá

Vua Lê Đại Hành: Mang trăn lớn, hổ dữ ra dọa khiến sứ giả Trung Quốc hoảng loạn

Cuối thế kỷ X, dưới triều Tiền Lê, vua Lê Đại Hành đã khẳng định được uy thế của đất nước với nhà Tống.

Từ anh hùng xứ Thanh trong thời loạn

Sách Các triều đại Việt Nam cho biết Lê Hoàn sinh năm 941 tại Yên Lập, Thọ Xuân, Thanh Hóa trong một gia đình khó khăn "bố dỡ đó, mẹ xó chùa". Tuy nhiên, khi ông chưa trưởng thành, thân phụ, thân mẫu lần lượt qua đời, Lê Hoàn làm con nuôi cho một vị quan nhỏ trong họ.

Trong cuộc chiến loạn 12 sứ quân, Lê Hoàn bộc lộ rõ tài điều quân đánh trận nên được tin tưởng giao phó cho 2.000 quân. Sau khi đại nghiệp thống nhất đất nước hoàn thành, trong phần phong thưởng, nhà Đinh sắc phong cho Lê Hoàn giữ chức Thập đạo tướng quân, Điện tiền đô Chỉ huy sứ (chỉ huy quân Cấm vệ) của triều đình khi ông tròn 30 tuổi.

Tranh minh họa vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn) nguồn: Internet

Cuối năm 979, vua Đinh Tiên Hoàng và con trai cả Đinh Liễn bị sát hại, ấu chúa Đinh Toàn mới 6 tuổi đã phải lên ngôi điều hành chinh sự, Lê Hoàn làm nhiếp chính.

Lợi dụng nội tình Đại Cồ Việt có nhiều bất ổn, năm 980 nhà Tống huy động đại quân xâm nước nước ta. Dưới sự lãnh đạo của Lê Hoàn, sự đồng lòng, nhất tâm của binh sĩ và nhân dân Đại Cồ Việt, kế hoạch xâm lược của nhà Tống thất bại, một Chi Lăng, một Bạch Đằng trong lịch sử được tái tạo. Chiến thắng vang dội này mở ra một thời kỳ mới, nhất là vị thế cho nước nhà trong ngoại giao sau chiến tranh.

Đến "uy hiếp" nhà Tống khẳng định nền độc lập

Sau thất bại cay đắng năm 981, nhà Tống có phần kiêng nể Đại Cồ Việt, vua Tống thường xuyên sai sứ sang phong tước cho vua Lê Hoàn, đây là dịp nước ta thể hiện vị thế cũng như phô diễn sức mạnh của dân tộc, của đất nước.

Tranh minh họa sứ thần nhà Tống (nguồn: Internet)

Năm 990, sứ giả nhà Tống là Tống Cảo đi sứ sang Đại Cồ Việt, Lê Hoàn đã phái tướng Đinh Thừa Chính đem cả trăm chiến thuyền sang tận bờ biển Liêm Châu (thuộc Quảng Châu, Trung Quốc) để đón tiếp sứ giả, nhưng kỳ thực để uy hiếp sứ giả nhà Tống ngay ở biên giới. Tiếp đó, để cho sứ giả biết được nước ta có biển rộng, sông dài, Đinh Thừa Chính cho thuyền đi loanh quanh, ròng rã hàng nửa tháng mới tới sông Bạch Đằng.

Sau đó, cũng bằng cách tương tự phải mất cả tháng trời, thuyền của sứ tống mới tới được Trường Châu (Ninh Bình). Lúc sứ giả sắp đến, Lê Hoàn hạ lệnh cho các tùy tướng thao diễn thủy quân để phô thanh thế. Giữa lòng sông, thuyền lớn, thuyền nhỏ của Đại Cồ Việt đua nhau bơi chớp nhoáng, trên bến dưới thuyền, muôn trống cùng khua vang như sấm động.

Cách thành cả trăm dặm, Lê Hoàn tiếp tục cho dồn trâu bò của người dân xung quanh ra phía bờ sông, nói với sứ Tống đó là trâu bò của nhà nước, mặc dù chưa đủ 1.000 con nhưng đã nói vống là mười vạn con. Dân chúng cũng được huy động trà trộn vào hàng quân lính đang tổng duyệt càng làm cho quân Đại Cô Việt đông đảo hơn hết. Trên khắp các đỉnh núi trong khu vực Hoa Lư, Lê Hoàn cho cắm cờ xí, đài quan sát ra vẻ như đang bày binh bố trận.

Theo lệ, khi nhận chiếu thư của vua Tống từ sứ giả, người nhận (Lê Hoàn) phải quỳ lạy cảm ơn sua đó mới được mở ra, sự hiện diện của chiếu thư cũng như là sự xuất hiện của thiên tử nhà Tống, song Lê Hoàn không quỳ và lấy cớ rằng trong khi cưỡi ngựa bị ngã. Sứ Tống thấy vậy đành nín lặng không nói gì.

Theo Trần Quốc Vượng trong Những mẩu chuyện lịch sử để tiếp tục thị uy, Lê Hoàn bố trí cho các sứ giả ở một nhà riêng, cứ cách vài ngày lại sai người mang con trăn dài cả chục trượng tới và nói với các sứ giả Tống rằng "nếu sứ giả muốn ăn sẽ làm thịt thiết đãi". Lê Hoàn còn sai người trói cả hai con hổ mang đến chỗ ở của sứ Tống. Các sứ giả phương Bắc đã kinh hồn bạt vía vì những thú dữ của nước Việt và từ chối nhận những quà biếu này.

Trong buổi đầu dựng nước và giữ nước của dân tộc, những hành động phô diễn với sứ giả phương Bắc và trực tiếp khẳng định sức mạnh, vị thế và danh dự của Đại Cồ Việt với nhà Tống là một điều hiếm gặp trong suốt quá trình bang giao với nước lớn.

Theo PV/Trí thức trẻ
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo