Khám phá

Ý nghĩa ẩn trong 4 kiệt tác hội họa thời Phục Hưng mà giới quý tộc nào cũng am hiểu

Đó đều là những tác phẩm để đời, là sự tiên phong thể hiện bước chuyển mình của hội họa châu Âu trong thế kỷ 16.

Hai xác ướp trong khu nghĩa trang cổ 4.500 tuổi ở Ai Cập / Bất ngờ phát hiện kiến trúc bằng kim loại bí ẩn bên dưới kim tự tháp Hy Lạp

Lịch sử hội họa phương Tây có lẽ đã thay da đổi thịt trong thời kỳ Phục Hưng (Renaissance). Sau hàng trăm năm bị lãng quên, tinh hoa văn hóa từ thời Hy Lạp và La Mã cổ đại một lần nữa lại sống dậy trong thế kỷ 14. Rồi đến thế kỷ 16, có thể nói toàn bộ châu Âu đã chuyển mình sang một loại hình mỹ thuật hoàn toàn mới.

Đằng sau thay đổi trong phương pháp nghệ thuật là khao khát được làm mới lại, miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên và làm sáng tỏ các tiên đề thẩm mỹ. Những danh họa hàng đầu thời kỳ này có thể kể đến như Da Vinci, Michelangelo, Raphael (Raffaello), Paolo Veronese... - đại diện cho đỉnh cao của mỹ thuật và đã được nhiều nhiều họa sĩ khác học hỏi.

Ảnh minh họa.

Thời kỳ này, am hiểu về nghệ thuật là một điều không thể thiếu của giới quý tộc phương Tây, thể hiện qua những bữa tiệc xa hoa luận đàm về quan điểm nghệ thuật nhằm thể hiện đẳng cấp. Họ buộc phải như vậy, bởi vì những người làm nên các tác phẩm đó không đơn giản là ngồi vẽ.

Họ là những nhà nghiên cứu, là những triết gia, là những nhà khoa học với quan điểm vô cùng chuyên sâu và hiện đại. Chính vì vậy, tác phẩm của họ không chỉ nổi bật ở màu sắc, hình khối, mà còn bao hàm các lý thuyết, tư tưởng của thời đại.

Những tác phẩm của họ, theo một cách nào đó, có thể thay đổi được cả thế giới.

1. Bức "Đám cưới tại Cana" - Paolo Veronese

 

Đám cưới tại Cana (The Wedding at Cana) là kiệt tác tranh sơn dầu của danh họa Ý - Paolo Veronese, được vẽ năm 1563 cho tu viện Benedectine San Giorgio Maggiore ở Venice.

Bức tranh mô tả lại Đám cưới theo Kinh thánh tại Cana, về phép lạ đầu tiên mà chúa Jesus thực hiện cho loài người. Cụ thể, chúa Jesus và các môn đệ được mời đến dự một tiệc cưới tại Cana (địa danh này ở đâu thì vẫn còn đang gây tranh cãi).

Tuy nhiên, khi tiệc đang ở cao trào thì rượu hết. Trước sự bối rối của gia chủ, chúa Jesus yêu cầu gia nhân đổ đầy nước vào các chum, rồi sau đó biến tất cả thành rượu mới.

Ý nghĩa ẩn trong 4 kiệt tác hội họa thời Phục Hưng mà giới quý tộc nào cũng am hiểu - Ảnh 1.

Bức tranh thể hiện một bữa tiệc có 130 thực khách, với chúa Jesus là trung tâm. Tuy nhiên kỳ lạ thay, 130 con người ấy làm đủ thứ chuyện có thể xảy ra ở một con người, chỉ trừ việc nói chuyện. Điều này, theo phân tích của một số nhà mỹ thuật, là một sáng tạo của Veronese khi thể hiện truyền thống của tu viện Benedectine - giữ im lặng trong phòng ăn.

 

Phía trên là một bầu trời xanh, sáng với những đám mây trắng, như muốn thắp sáng và làm sâu sắc thêm quan điểm của người xem về thời gian, địa điểm và bản thân những người được mời đến đám cưới.

Nhưng sâu xa hơn, Veronese còn muốn nhấn mạnh đến vấn đề khoái lạc trong yến tiệc, về sự xa hoa phi lý của xã hội đương thời, qua đó phản biện công khai những gì được cho là nhạy cảm của Venice thời kỳ cuối Phục Hưng.

Người ta nói rằng Veronese đã vẽ chính mình là một trong số 130 khách mời tham dự bữa tiệc cưới này (người mặc áo trắng cầm chiếc đàn Viol ngồi cạnh Titian và Bassano). Bức tranh với kích thước 666cm x 990cm (262 x 390 inch) được hiện trưng bày tại bảo tàng Louvre, Paris.

2. Bức "Trường học Athens" - Raphael

Trường học Athens (School of Athens) là một trong bộ tứ tranh tường của Raphael, ra đời vào khoảng giữa giai đoạn 1509 - 1511.

 

Tổng cộng, bức tranh có 21 triết gia nổi tiếng của Hy Lạp cổ đại, như Pythagoras, Heraclitus... trong đó Plato và Aristotle được đặt ở trung tâm.

Ý nghĩa ẩn trong 4 kiệt tác hội họa thời Phục Hưng mà giới quý tộc nào cũng am hiểu - Ảnh 2.

Kiệt tác Trường học Athens của Raphael. Trung tâm là Plato (trái) và Aristotle (phải), xung quanh là 19 triết gia nổi tiếng khác của Hy Lạp cổ.

Theo quan điểm của các nhà mỹ thuật hiện đại, đó là cách để Raphael thể hiện cách hiểu của mình về tư tưởng triết học. Triết học là một sự tương phản, với trung tâm là Plato và Aristotle với mối quan hệ thầy trò, nhưng tương phản về quan điểm.

Hai người này, một già - một trẻ; một giản dị, chân chất - một hào nhoáng; như đang tranh luận về một vấn đề nào đó, mà đa phần giới chuyên môn cho rằng đó là sự khác biệt về 2 trường phái triết học.

 

Đối với Plato, đó là thuyết Hình thức (theory of Forms) - nơi sự "tồn tại" là cái phi vật chất, là cái nhận biết được bằng trí tuệ siêu nhiên, còn "không tồn tại" là vật chất. Còn Aristotle, ông coi sự tồn tại vật lý là thực, và hiện thực là chân lý.

Đó là 2 trục tư tưởng triết học mà nhiều triết gia khác nương theo. Raphael không đứng về bên nào, mà cách thể hiện của ông dường như cho thấy ngôi trường của các triết gia không phải để họ ganh đua, mà vì một nhu cầu chung nhằm tìm kiếm tri thức và sự thật của cuộc sống.

3. "Chúa tạo ra Adam" - Michelangelo

Danh họa Michelangelo đã tạo ra bức tranh để đời của mình - The creation of Adam - trên trần nhà nguyện Sistine, Vatican từ năm 1511 - 1512.

Ý nghĩa ẩn trong 4 kiệt tác hội họa thời Phục Hưng mà giới quý tộc nào cũng am hiểu - Ảnh 3.

Bức tranh mô tả về một giai thoại trong Sách Sáng thế, khi Chúa thổi hồn và tạo ra Adam - con người đầu tiên trên thế giới.

 

Bên cạnh những giá trị về mặt hội họa, ý nghĩa của bức tranh cũng gây ra khá nhiều tranh cãi trong giới nghệ thuật. Nổi bật trong số đó là ý tưởng về việc Michelangelo đã dựa trên nền tảng cấu trúc giải phẫu của con người để làm nên bức tranh này.

Năm 1990, Frank Meshberger đã công bố một nghiên cứu, cho rằng hình mẫu Chúa trong bức họa của Michelangelo thể hiện một cách chính xác cấu trúc giải phẫu của não người, với những đường nét đầy đủ về bề mặt trong và ngoài não bộ, gồm thân não, thuỳ trước trán, động mạch thân nền, tuyến yên...

Ý nghĩa ẩn trong 4 kiệt tác hội họa thời Phục Hưng mà giới quý tộc nào cũng am hiểu - Ảnh 4.

Chúa hiện lên bên trong bộ não của con người là lý thuyết rất phổ biến xoay quanh The creation of Adam

Ngoài ra, còn một ý tưởng khác, đó là miếng vải đỏ xung quanh Chúa là hiện thân của tử cung con người, còn dây xanh chính là dây rốn. Người đưa ra lý thuyết này là một nhóm chuyên gia Ý, và theo họ, điều đó thể hiện việc lý tưởng hóa sự ra đời của một người đàn ông, dựa trên chính hiện thực trong cuộc sống.

Bỏ qua những tranh cãi thì thật không may, bức kiệt tác của Michelangelo là một trong số những tác phẩm đỉnh cao bị thiệt hại nặng nề do chịu khói nến liên tiếp trong nhiều thế kỷ.

 

Trong những năm 1980, trần nhà nguyện Sistine đã trải qua một đợt phục hồi quy mô lớn đã tiết lộ màu sắc thật và các chi tiết được ẩn trong nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, việc phục hồi cũng đã gây ra rất nhiều tranh cãi giữa các nhà sử học nghệ thuật.

4. "Bữa tối cuối cùng" -Leonardo da Vinci

Ra đời trong giai đoạn 1495 - 1498, bức tranh tường The Last Supper của Leonardo da Vinci được xem là một trong những kiệt tác về Thiên chúa trong giai đoạn Phục hưng.

Ý tưởng của bức họa dựa trên bối cảnh bữa ăn cuối của chúa Jesus cùng 12 môn đệ, thời điểm Chúa tuyên bố rằng 1 trong số những môn đệ của sẽ phản bội người (Nguyên văn: One of you will betray me).

Ý nghĩa ẩn trong 4 kiệt tác hội họa thời Phục Hưng mà giới quý tộc nào cũng am hiểu - Ảnh 5.

Bức tranh thể hiện phản ứng rất sắc nét của 12 môn đệ. Bartholomew, James bé (James Minor), Andrew, cả 3 rất ngạc nhiên. Judas ngỡ ngàng, Peter nắm chặt dao phẫn nộ, còn John - môn đồ trẻ nhất - ngất đi.

 

Đó là nhóm bên trái. Bên phải là Thomas trông có vẻ buồn bã, James lớn (James Major) choáng váng, Philip thể hiện gương mặt muốn một lời giải thích. Còn Jude Thaddeus và Matthew đưa mắt nhìn Simon với vẻ mặt... nghìn dấu hỏi.

Nhìn chung, nội dung bức tranh hướng trực tiếp đến một giai thoại trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, các chuyên gia mỹ thuật đánh giá đây là một công trình cực kỳ phức tạp, thể hiện hệ thống toán học, tâm lý học rất rắc rối, đưa ra quan điểm đa chiều, và xứng đáng là một tác phẩm tiên phong, vượt trội về tính thẩm mỹ trong nghệ thuật Phục Hưng.

Nhưng thật đáng tiếc, Leonardo đã sử dụng các loại màu do chính ông tạo ra để vẽ lên các chất liệu gỗ, trong khi đây là một bức tranh tường. Hậu quả là ngay sau khi bức tranh hoàn thành, các mảng sơn đã bị bong tróc và xuống cấp dần. Ngày nay, những gì còn sót từ bức tranh này chủ yếu là được phục chế lại mà thôi.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm