Khẳng định thương hiệu Hạt ngọc Việt trong hội nhập kinh tế
Trước đổi mới, Việt Nam là một quốc gia thiếu đói, nông nghiệp kém phát triển không đáp ứng đủ nhu cầu. Tuy nhiên, bằng chính sự vận dụng thế mạnh nội tại, phát huy năng lực và chủ trương đổi mới nông nghiệp của Đảng trong quá trình đổi mới, phát triển, Việt Nam từng bước khẳng định mình khi không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu của tiêu dùng trong nước mà đã bắt đầu xuất khẩu gạo. Đến nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu gạo quan trọ
Ngoạn mục “hạt ngọc Việt”
Trong 3 năm trở lại đây, lúa gạo Việt Nam liên tục bứt phá, tạo ra những kỷ lục mới trong xuất khẩu và tạo ấn tượng trên thị trường lúa gạo thế giới. Năm 2009, xuất khẩu gạo Việt Nam đã vượt qua ngưỡng 6 triệu tấn/năm, tăng gần 1,4 triệu tấn so với năm 2008.Năm 2010, gạo xuất khẩu Việt Nam chiếm 21,4% tổng lượng gạo xuất khẩu của thế giới với 6,75 triệu tấn. Đến năm 2011, Việt Nam đã xuất khẩu 7,105 triệu tấn gạo, đạt giá trị 3,651 tỷ USD và dự kiến trong năm 2012 nước ta xuất từ 7,5-7,7 triệu tấn gạo, là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, sau Ấn Độ (theo báo cáo mới nhất từ Bộ Nông nghiệp Mỹ - USDA). Với thành công ngoạn mục này, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn trở thành trung tâm gạo của thế giới và có lợi thế để nâng cao giá trị cho gạo và chuỗi giá trị xuất khẩu gạo nước ta. Theo ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tăng trưởng xuất khẩu gạo nước ta trong những năm gần đây khá tốt, đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành xuất khẩu gạo trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường. Việc gạo cao cấp 5%, bao gồm cả gạo thơm, nếp, tấm… chiếm hơn 59%, tăng 78% so với cuối năm 2011 là nỗ lực rất lớn trong việc chuyển đổi chủng loại sản phẩm. Đó là điểm thay đổi đáng ghi nhận, thể hiện quyết tâm chuyển từ xuất chủ yếu gạo phẩm cấp thấp sang gạo cao cấp hơn.
Bên cạnh đó, các DN xuất khẩu gạo của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn tăng cường đầu tư vùng nguyên liệu, chú trọng kỹ thuật sản xuất, công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị ngành hàng gạo. Việc đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất cùng một giống lúa cho ra sản phẩm gạo thơm cao cấp, gạo chất lượng cao góp phần nâng cao và giữ vững mức giá xuất khẩu gạo. Đồng thời, Việt Nam có nhiều cơ hội hợp tác với Ấn Độ, Canada… trong phát triển nông nghiệp và lúa gạo trong tương lai. Theo ôngJames C Borel - Phó Chủ tịch cấp cao của Tập đoàn DuPont, Việt Nam đang đi đúng hướng và có những chính sách tốt cho phát triển nông nghiệp. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp tại Việt Nam khá ấn tượng, tăng trưởng xuất khẩu gạo liên tục tăng lên và là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới hiện nay. Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế của mình trên thị trường xuất khẩu gạo thế giới. Song song đó, theo đánh giá mới nhất của FAO, Việt Nam là nước có nhiều tiềm năng để đảm bảo an ninh lương thực, xếp 55 toàn cầu, xếp thứ 3 trong ASEAN. Đây là một thành tựu quan trọng của Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, trong đó hàng đầu là ngành lúa gạo, hứa hẹn tạo đà cho một bước phát triển ngoạn mục hơn nữa của “hạt ngọc Việt” trong tương lai.
Gạo Việt Nam đang dần khẳng định được thương hiệu
Tạo dựng và khẳng định thương hiệu gạo “Made in Vietnam”
Trong bối cảnh có nhiều thách thức cho vấn đề an ninh lương thực trên toàn thế giới trong vòng 40 năm tới với sự gia tăng dân số một cách nhanh chóng từ 7 tỉ người hiện nay và có thể lên đến hơn 9 tỉ người vào năm 2050, trong khi lượng đất canh tác và đất ở và các nguồn tài nguyên khác không thể tăng lên và phát triển thêm được, điều đó đặt ra một vấn đề bức thiết là việc phải sử dụng lương thực sẵn có một cách hiệu quả, tránh gây sự lãng phí. Bên cạnh đó, cũng cần cải thiện chất lượng của lương thực, thực phẩm nhằm đảm bảo một lượng dinh dưỡng tốt hơn hơn và áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất và đề ra những giải pháp phát triển bền vững, lâu dài. Do đó, việc tạo dựng thương hiệu gạo Việt, đưa Việt Nam trở thành trung tâm gạo của thế giới và nâng cao giá trị cho gạo và chuỗi giá trị xuất khẩu gạo nước ta là vô cùng cần thiết.
ÔngJames C Borel khẳng định, Việt Nam cần phát huy năng lực nội tại của mình trong phát triển nông nghiệp, cần có những giải pháp cụ thể, phù hợp và hiệu quả hơn trong việc phát triển hệ thống phân phối, hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nhà kho, công tác bảo quản sau thu hoạch và mức giá nông sản... Tăng cường nâng cao kiến thức cho nông dân, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin trong phát triển nông nghiệp. Đồng thời, Việt Nam cần nghiên cứu và ứng dụng những giống mới có khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu, năng suất và chất lượng cao trong tương lai. Hiện mô hình “cánh đồng mẫu lớn” đang mang lại hiệu quả cho sản xuất lúa chất lượng cao tại Việt Nam và đây là mô hình cần nhân rộng. Dupont cũng đang hỗ trợ Việt Nam trong việc tiến hành mô hình “cánh đồng mẫu” tại Thanh Hóa với mục tiêu cung cấp cho người nông dân những giải pháp tốt nhất từ lúc bắt đầu, tức là từ lúc chọn giống cho đến khi thu hoạch. Dupont sẽ hỗ trợ cho nông dân các kỹ thuật, quy trình canh tác sao cho năng suất cao mà vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn cao nhất về môi trường và an toàn cho sức khỏe và người lao động. Đây cũng là một yếu tố quan trọng để Việt Nam khẳng định lợi thế hiếm có trong phát triển nông nghiệp và định vị, tạo lan tỏa trên thị trường lúa gạo thế giới.
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long nhấn mạnh, để tạo dựng thương hiệu cho lúa gạo Việt Nam, xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” là mô hình hiệu quả, đưa nông hộ sản xuất đơn lẻ, không đồng đều về chất lượng sản phẩm sang sản xuất tập trung có sản phẩm đồng bộ, tiến tới xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam. Song song đó, sản lượng lúa gạo của Việt Nam đã đạt đỉnh cao, để có thể duy trì vị thế xuất khẩu trên thị trường thế giới, Việt Nam cần nâng cao chất lượng hạt gạo, xây dựng những doanh nghiệp mạnh về năng lực chế biến, kho tồn trữ, phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn, xây dựng thương hiệu cho gạo Việt vươn lên các phân khúc thị trường gạo chất lượng cao. Chú trọng phát triển hệ thống logistic hoàn thiện từ xây dựng vùng nguyên liệu đến kho chứa, nhà máy xay xát, sấy khô, dịch vụ giao nhận… Chính phủ cần sắp xếp và quy hoạch lại sản xuất các vùng trồng lúa, áp dụng các giống có chất lượng cao hơn. Kêu gọi, động viên, hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động tham gia vào các chuỗi cung ứng, các chuỗi giá trị toàn cầu, xây dựng thương hiệu, quảng bá và xúc tiến thương mại. Ngoài ra, bản thân DN xuất khẩu gạo cần phải tập trung vào phát triển vùng nguyên liệu để tăng hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời tích cực trong xây dựng thương hiệu gạo để tăng lợi thế trên thị trường thế giới.
Thạc sĩ Đào Quốc Luân - Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, trong thời gian tới, cần tiếp tục chủ động đẩy mạnh việc thực hiện mô hình "cánh đồng mẫu lớn" giảm chi phí sản xuất, giữ ổn định chất lượng hạt gạo, tạo điều kiện cho xuất khẩu thuận lợi hơn. Thực hiện chính sách hỗ trợ người sản xuất lúa gạo để phát triển sản xuất hàng hóa, đảm bảo người trồng lúa có lãi 30% so với giá bán, thực hiện chính sách điều tiết ngân sách từ trung ương cho các địa phương sản xuất lúa để phát triển cơ sở hạ tầng và giải quyết các vấn đề kinh tế- xã hội. Tăng cường hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy thương mại, hợp tác với các nước trên thế giới. Cần chủ động, đồng bộ trong giải pháp và phát huy nội lực trong việc tạo dựng và khẳng định vị thế “hạt ngọc Việt” trên thị trường quốc tế./.
Nhật Minh (Theo VEN)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT
Cột tin quảng cáo