Khát nước sạch giữa trung tâm Thủ đô
Thuê người… trực nước
Đã từ lâu tình trạng khan hiếm nước sạch ở các khu tập thể cũ ở Hà Nội là vấn đề nhức nhối. Không ai cứu, người ta phải tự cứu mình. Mỗi con người sinh sống ở khu chung cư kiểu này là một “nghệ sỹ tài ba” và không kém phần linh hoạt để sáng tạo ra muôn hình vạn kiểu cấp nước cho gia đình mình.
Hàng ngày, cứ từ giữa trưa (12h) đến 14h là khu nhà K9 Bách khoa được cấp nước. Hàng chục hộ dân ở đây, dù là cán bộ hay công nhân, việc làm có bận rộn đến đâu cũng phải có người ở nhà trong 2 giờ đồng hồ ấy để trực lấy nước để dùng cho đến trưa ngày hôm sau. Có sinh viên thuê nhà ở đây còn phải nghỉ học chỉ để ở nhà chờ bơm nước. Một số gia đình đi làm hành chính như chị Hạnh phải… thuê người trực nước.
Chị Hạnh thuê nhà ở khu tập thể này đã 3 năm nay nên hơn ai hết chị hiểu rõ cái sự khát nước sạch ở đây. Chị Hạnh cho biết: “Nhà cung cấp nước chỉ cấp buổi trưa, thế nên nhà nào cũng phải có người trực để lấy nước. Nhà chật chỉ sắm được cái thùng chứa nước vừa phải, hôm nào có khách trong quê ra tá túc, coi như thiếu nước. Đã vậy, chuyện mất nước cũng xảy ra như cơm bữa”.
Nếu như ở khu tập thể Bách khoa, nước còn được cấp đến tận nhà thì tại khu tập thể Bách hóa Thanh Xuân, nguồn nước cấp cho cả khu phải qua một hệ thống gồm rất nhiều máy bơm. Do thời gian, lại là “công trình” tự phát nên hệ thống máy bơm này được đặt tại gầm cầu thang và được bảo vệ bằng những chiếc rọ sắt cũ kỹ. Hệ thống đường ống dẫn từ những chiếc máy bơm này chạy dọc theo cầu thang, nhưng luôn trong tình trạng bị rò nước ra bên ngoài. Bên cạnh đó, nguồn cung cấp điện cho máy bơm được đấu nối qua các đường dây điện sinh hoạt mà không hề có cầu chì, áp- tô- mát và ống bảo vệ. Ai cũng biết những chiếc máy bơm được bố trí như vậy với biết bao nguy cơ rò điện gây nguy hiểm tại những khu tập thể cũ của Hà Nội. Người dân lo sợ, nhưng sợ vẫn phải liều!
Sống cùng “chất thải”
Tại khu tập thể B4 Nam Thành Công, tình trạng sử dụng nước có phần nguy hiểm hơn. Ở khu tập thể này, do hệ thống cấp thoát nước được xây dựng cách đây hơn 30 năm nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Nguồn nước sạch không đảm bảo, người dân tự lắp đặt những hệ thống bơm, dẫn nước riêng không theo bất cứ quy tắc nào. Thậm chí, trường hợp cá biệt đường ống nước được cố định vào những đoạn dây thép chạy băng qua các con đường và phía trên đường đi bộ hoặc do thiếu diện tích nên một số gia đình lắp đặt máy bơm ngay tại ban công hoặc treo trên tường nhà. Một số khác lại tận dụng mái hiên của khu tập thể làm nơi lắp thiết bị. Nhiều gia đình còn cơi nới thêm “chuồng cọp” làm nơi đặt máy bơm, khu vệ sinh và bể chứa nước.
Các đường ống lắp đặt chằng chịt, vỡ, mục nát khiến mỗi khi máy bơm hoạt động, nước rò rỉ chảy theo bờ tường ra cả khu nhà. Anh Nguyễn Đức Nghiệp, người sống tại khu tập thể này cho biết: “Hệ thống máy bơm ở đây đã có từ rất lâu, ít cũng từ 8-10 năm, có những chiếc còn không rõ được sử dụng từ khi nào. Việc chập cháy do máy bơm rỉ sét, cũ hỏng đã xảy ra rất nhiều lần. Mùa hè lại đến, không biết sống thế nào đây?”.
Sự nhôm nhoam mà mỗi lần nhắc đến người người ta phải rùng mình là việc dùng nước ở khu nhà E4 khu tập thể Đại học Y Hà Nội. Một rừng ống nước chẳng phân biệt được đâu là nước ăn, đâu là nước thải chạy… ngay trên đầu người đi đường. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong số rất nhiều đường ống ấy có đường ống dẫn nước thải mà không thể tưởng tượng rằng, trong đó có cả phân người của các hộ gia đình sống trên đó. 100% đường ống chất thải ấy không hề qua bể phốt lắng đọng mà “phi” thẳng ra mương. Kinh hoàng hơn, có những đường ống bị gãy giữa chừng trơ trơ ngang… mặt người, chỉ cách đó vài bước chân là đường ống nước ăn của các hộ gia đình sống ở tầng 1.
Ngoài ra, vấn đề nhức nhối nữa là hàng trăm con người ở đây vẫn phải ăn nước giếng khoan. Bà Phạm Thị Thu, Tổ phó tổ dân phố ở E4 cho hay: “Trước đây, dân E4 dùng nước máy của thành phố. Nhưng mới đây, đường nước máy bỗng dưng bị tịt lại phía đầu đường. Chúng tôi điều tra nguyên nhân thì do hai công trình xây dựng tòa nhà A5 Đại học Y và tổ xây dựng cống hóa bê tông. May còn đường nước giếng khoan của Trường Đại học Y, không thì dân chúng tôi chết”.
Nhìn cảnh nhà vệ sinh với phân tươi và nước thải đổ thẳng ra mương, sau đó các hộ dân ở đây lại dùng nước giếng khoan lên từ lòng đất, nơi rất có thể những uế tạp đó sẽ ngấm sâu xuống mà chúng tôi sởn cả gai ốc. Không chỉ những con người sống ở khu E4 mà hàng chục khu tập thể khác ở Hà Nội như Thành Công, Giảng Võ, Tân Mai, Thanh Nhàn, Lò Đúc… cũng đều “sởn gai ốc” khi nhắc đến câu chuyện nước sạch.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dự báo thời tiết ngày mai 8/11 trên cả nước: Hà Nội chuyển rét, có nơi 19 độ, TP Hồ Chí Minh xuất hiện mưa rào
PC Đà Nẵng: Xử lý kịp thời các trường hợp sản lượng điện tăng bất thường
Đà Nẵng: Cấm một số loại ô tô trên Quốc lộ 1 giờ cao điểm
Nhiều hoạt động mới lạ, hấp dẫn tại Festival Hoa Đà Lạt năm 2024
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Phân cấp triệt để trong mua sắm, đấu thầu thiết bị y tế