Khi các “ông lớn” ngân hàng tung đòn chí mạng
Giảm lãi suất huy động xuống dưới 14%/năm
Ngân hàng Eximbank công bố biểu lãi suất huy động có hiệu lực từ ngày 01/03. Theo đó lãi suất tiền gửi không kỳ hạn giảm xuống 3,6%/năm; các kỳ hạn từ 1 tháng đến 13 tháng chỉ còn 13,85%/ năm (áp dụng cho nhận lãi cuối kỳ). Các kỳ hạn trên 15 tháng lãi suất được áp dụng ở mức 12%.
Standard Chartered Bank Việt Nam cũng quyết định điều chỉnh lãi suất tiền gửi, với mức lãi suất cao nhất là 13,75% một năm thuộc về các kỳ hạn gửi từ 2 tháng đến 12 tháng, kỳ hạn 1 tháng chỉ được lãi suất 11,5%, còn các khoản tiền gửi trên 18 tháng sẽ được nhận lãi suất 13,25%/ năm. Thời điểm chính thức áp dụng lãi suất mới bắt đầu từ ngày 29/02/2012.
Ngày 02/03/2012, Ngân hàng Shinhan Việt Nam cũng thay đổi lãi suất huy động. Đây là lần điều chỉnh giảm lãi suất lần thứ hai chỉ trong vòng 1 tháng. Mức lãi suất cao nhất mà nhà băng này áp dụng chỉ là 13%/ năm dành cho kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng, các kỳ hạn dài hơn sẽ có mức lãi suất tiền gửi thấp hơn. Cụ thể: 3 tháng là 12,8%; 6 tháng là 12,4%, 9 tháng là 11,5% và các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 10,8%/ năm.
Công bố chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2012
Để khẳng định thế mạnh và vị trí của mình, ngay khi được Ngân hàng Nhà nước xếp nhóm và giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, hầu hết các ngân hàng thuộc nhóm I như VietinBank, Vietcombank, Techcombank, Eximbank, Maritime Bank, MB, VPBank, VIB, MHB, SeaBank, Sacombank, ACB … đều đã công bố chỉ tiêu tín dụng năm 2012 là 17%.
Mới đây nhất, chiều 5/3, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng đã chính thức công bố chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2012 là 17% xoá tan tin đồn SHB là ngân hàng bị xếp vào nhóm II, ứng với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay ở mức 15%.
Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB, cho biết: “Năm 2012, SHB thực hiện tăng trưởng tín dụng 17% so với năm 2011 theo đúng chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước giao và sẽ tập trung đẩy mạnh cho vay các đối tượng khách hàng phục vụ các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, xuất khẩu và phục vụ phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn đặc biệt là đối tượng khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ”.
Đây được xem là “đòn” mà các ngân hàng thuộc nhóm I tung ra nhằm làm phép loại trừ sao cho những ngân hàng thuộc nhóm IV dần lộ diện.
Không chỉ thế, các ngân hàng thuộc nhóm II như Nam Á, Đại Á, Phương Nam, Phương Đông, Liên Việt Post, Bảo Việt, Kiên Long, Nam Việt, Mê Kông, An Bình, PG Bank, Đông Á, Đại Dương, Phương Tây … cũng đã công bố chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay là 15% để tự loại mình ra khỏi nhóm các ngân hàng yếu kém, có nguy cơ bị phá sản hoặc phải sáp nhập.
Trong số các ngân hàng thuộc nhóm III, hiện mới chỉ có Habubank “dũng cảm” chính thức công bố nhận chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 8% trong năm nay. Còn lại các ngân hàng khác vẫn “im hơi lặng tiếng” gây nhiễu sóng dư luận.
Hiện tại, tính đến hết ngày 1/3, mới chỉ có 27 trong số 38 ngân hàng cổ phần công bố “trát” của Ngân hàng Nhà nước về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Các ngân hàng sau chưa có thông tin chính thức về chỉ tiêu tín dụng năm 2012: TienPhongBank, SaigonBank, TrustBank, GPBank, NASB (Bắc Á), OceanBank, VietABank, Vietbank, HDBank, SCB, VietCapitalBak (Bản Việt).
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
Một mặt hàng xuất sang Philippines tăng mạnh, đạt 2,6 tỷ USD
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024