Khí cầu do thám chống tên lửa hành trình giá hàng tỉ USD
Vừa qua, quân đội Mỹ đã tiến hành phóng lên bầu trời bang Maryland quả khinh khí cầu khổng lồ nằm trong dự án kéo dài 18 năm phục vụ mục đích phòng thủ chống tên lửa hành trình.
Mặc dù được thiết kế nhằm mục đích phát hiện sớm những quả tên lửa của đối phương, song khinh khí cầu do thám cũng có khả năng phát hiện và theo dõi những phương tiện giao thông - một yếu tố gây lo ngại đáng kể về quyền riêng tư công dân từ phía những nhà hoạt động nhân quyền, như là Ginger McCall - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin về quyền riêng tư điện tử (EPIC).
Dự án khinh khí cầu do thám có tên gọi là JLENS do Công ty Hàng không vũ trụ và Quốc phòng Raytheon - trụ sở tại Waltham, bang Massachusetts - xây dựng và được hoạt động cùng lúc 2 chiếc ở trên không.
Cặp đôi khí cầu thử nghiệm bay lượn ở độ cao 10.000 feet, cách Washington DC khoảng 45 dặm về phía đông bắc và cách Baltimore 20 dặm. Điều này có nghĩa là chúng có thể dò xét những gì diễn ra trên mặt đất, từ Bắc Carlina đến Boston hay một khu vực rộng lớn bằng bang Texas!
Trước đây, quân đội Mỹ được cho rằng sở hữu gần 30 khinh khí cầu khổng lồ. Nhưng, sau một số chiến dịch thất bại cũng như chi phí tăng quá cao, chương trình đã gia giảm đáng kể và đến nay chỉ còn giữ lại 2 nguyên mẫu để bay liên tục phía trên căn cứ nghiên cứu Aberdeen trong 3 năm thử nghiệm ngoại trừ thời gian bảo dưỡng hay khi thời tiết xấu. Giới chức quân đội Mỹ tuyên bố họ chỉ quan tâm do thám những quả tên lửa hành trình và có lẽ cả những chiếc tàu trên mặt biển.
Nhưng, Jay Stanley - chuyên gia về quyền riêng tư của công dân ở Liên minh Dân quyền Mỹ (ACLU) - cảnh báo JLENS có thể dò xét nhiều hơn thế nữa.
Theo chuyên gia, các khí cầu như JLENS có khả năng do thám gần như không giới hạn và nếu được trang bị các camera có độ phân giải cực cao, chúng có thể nhìn thấy và ghi hình mọi thứ đến từng chi tiết trong phạm vi rất rộng.
Thiếu tá Beth Smith, người phát ngôn cho chương trình JLENS, cho biết khí cầu thử nghiệm "không có khả năng nhìn thấy con người" và quân đội Mỹ cũng không có kế hoạch theo dõi bất cứ ai hay bất cứ chiếc ôtô nào của người dân.
Trở ngược lại năm 2005, quân đội Mỹ có kế hoạch hợp đồng với Công ty Raytheon cung cấp 32 khinh khí cầu với giá khoảng 180 triệu USD mỗi chiếc.
Nhưng, chi phí tăng cao cùng với việc mất một khinh khí cầu do va chạm đã khiến cho Lầu Năm Góc thu hẹp chương trình lại vào năm 2012, và chỉ tiến hành thử nghiệm những khí cầu nguyên mẫu đã được xây dựng mà không cần những chiếc mới nữa.
Raytheon công bố một số cuộc thử nghiệm thành công, bao gồm cuộc thử nghiệm vào tháng 8/2013 - lúc khí cầu JLENS giúp máy bay chiến đấu F-15 phá hủy một tên lửa hành trình xuất hiện trên bầu trời.
Nhưng, các phân tích nghiêm ngặt từ Cơ quan Đánh giá & Thử nghiệm chiến dịch (OTE) của Lầu Năm Góc về tài khóa năm 2013 tiết lộ cuộc thử nghiệm không đầy đủ và JLENS cần có sự cải tiến tại các khu vực quan trọng, bao gồm khả năng phân biệt rõ giữa bạn bè và đối phương. Báo cáo của OTE cũng cho biết, JLENS thất bại khi phải đáp ứng yêu cầu về độ tin cậy, vì quá phụ thuộc về điều kiện thời tiết.
Công ty Raytheon cố gắng trấn an mối lo ngại về quyền riêng tư công dân khi tuyên bố về JLENS: "Các radar không thể xác định các đặc tính của ôtô, như là kiểu dáng hay màu sắc. Chúng cũng không thể cho biết ai đang lái chiếc xe hay nhìn thấy biển số xe". Còn giới chức quân đội Mỹ nhấn mạnh rằng "JLENS là một hệ thống radar và không có sứ mạng giám sát các mục tiêu trên mặt đất. Nó cũng không lưu trữ bất cứ dữ liệu radar nào".
Tuy nhiên, Jay Stanley cho rằng: những hứa hẹn của quân đội vẫn chưa đủ mà chương trình khí cầu do thám cần có sự giám sát chặt chẽ - yếu tố mà hiện nay vẫn chưa có!
Trong khi đó, người phát ngôn Beth Smith giải thích: "JLENS không hoạt động dưới những quy định về quyền riêng tư. JLENS là hệ thống radar quân sự cho nên không có khả năng giám sát điện tử hay âm thanh cũng như không thể "lắng nghe" những giao tiếp qua điện thoại di động".
Theo Công an Nhân dân
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo