Khi chúng ta "tiếp tay" cho ăn xin lừa đảo
Hàng loạt vụ ăn xin, đặc biệt mang cả trẻ nhỏ ra làm "đạo cụ" để diễn bị phanh phui. Nhưng ăn xin vẫn có đất sống, do sự "tốt đều còn hơn xấu cả" của chính chúng ta.
Biết mình bị lợi dụng, sao vẫn “tiếp tay” cho ăn xin?
Những vụ ăn xin lừa đảo hoặc các mánh lới chăn dắt, bắt trẻ em đi ăn xin luôn khiến dư luận bức xúc. Trước đây, dư luận đã dậy sóng với trường hợp bà ngoại đem cháu đi ăn xin ở thành phố Hồ Chí Minh với hoàn cảnh được vẽ lên hết sức thương tâm: không nhà cửa, phải lay lắt trên vỉa hè trong khi thân mang trọng bệnh, con gái bỏ đi, để lại cô cháu ngoại mới 2 tuổi, thực chất là một đối tượng “anh chị”, con gái bà bị đưa vào trại cải tạo vì nghiện ma túy.
Người ta cũng chưa hết bức xúc khi một bà mẹ ở Đà Nẵng có con trai nhỏ 7 tháng tuổi bị bệnh tim bẩm sinh, tính mạng đang bị đe dọa lên mạng kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người, rồi khi những nhà hảo tâm thấy số tiền ủng hộ chuyển vào tài khoản người mẹ đã quá lớn (khoảng 200 triệu đồng), vượt xa với tiêu chuẩn cần để phẫu thuật cho em bé, yêu cầu ngưng nhận tiền ủng hộ, người mẹ này đã phủ nhận tất cả và tiếp tục lên mạng kêu gọi sự giúp đỡ.
Mới đây, một lần nữa người ta lại choáng váng trước thông tin các nhóm chăn dắt đã chuốc thuốc mê, ma túy cho những đứa trẻ ăn xin để chúng ngủ li bì.
Khi nghĩ đến những đứa trẻ ăn xin, nhiều người có chung một ý nghĩ: chúng đi ăn xin vì mồ côi, bị bỏ rơi, không nơi nương tựa. Những đứa trẻ còn đang ẵm ngửa, chưa biết nói cười theo chân “mẹ” lê la đi khắp nẻo đường, chịu sương gió cuộc đời là bởi mẹ chúng có một hoàn cảnh éo le, hoặc không có công ăn việc làm, hoặc bị cưỡng bức đến mang thai, bị lừa gạt, bị phụ tình, không có nhà cửa, không có gia đình…
Tuy nhiên, nhiều trẻ em đang ăn xin trên đường phố thực chất là các “con rối” trong các đường dây chăn dắt trẻ ăn xin. Để trở thành “cái bang”, chúng sẽ được các ông bà chủ gom nhặt và trải qua những khóa “huấn luyện” kinh hoàng, được dạy cho các mánh lới kiếm tiền hoặc bị làm cho tàn tật, để rồi bị lạm dụng cả về tinh thần lẫn thể chất. Nhiều trẻ nhũ nhi (thường là con của những gia đình có cha mẹ nghèo hoặc dính dáng đến các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm), hoặc được mua “đứt”, hoặc được thuê để làm “công cụ” kiếm tiền cho những đường dây chăn dắt.
Ở Hải Phòng, thậm chí còn có một nhóm trẻ trong độ tuổi từ 1 – 10 tuổi phải trở thành người nuôi dưỡng cho những cha mẹ ruột sống “ký sinh” trên thân xác mình, chúng bị bỏ đói, chịu rét, bị đánh đập dã man và lúc nào cũng nhem nhuốc để dễ lấy được lòng thương cảm của người đời. Tại một số thành phố lớn khác, cũng không khó để tìm thấy những đứa trẻ “tàn tật” ngồi bất động trên xe lăn, được “mẹ” đẩy đi hoặc được địu cheo veo trước ngực “mẹ” để đi bán rong kẹo, tăm, hàng xén, băng đĩa… - những món hàng có giá trị nhỏ nhưng được bán với giá cắt cổ vì chạm vào lòng thương của người khác. Đó có lẽ cũng là một kiểu ăn xin trá hình.
Không bàn đến những trường hợp người ăn xin thật (mà thực ra cũng khó biết, thế nào là thật), nguyên nhân của những chuyện này phải chăng là sự nghèo đói? Phải chăng, tội lỗi đến từ những cái dạ dày trống rỗng? Cái đói, cái nghèo phải chăng đã ăn mòn lương tâm của những con người này, để họ bán rẻ sự tự trọng mà đi xin người dưng mấy đồng lẻ, để họ đem những đứa trẻ, là con mình hoặc đáng tuổi con mình ra đường kiếm tiền nuôi thân?
Có lẽ, cái nghèo, ngay cả sự cùng quẫn đến tột cùng chưa chắc đã xúi bẩy họ, mà là sự không tự trọng, vô liêm sỉ khi lợi dụng lòng trắc ẩn của người khác. Lòng trắc ẩn và tinh thần “lá lành đùm lá rách”, thời nào cũng có, nhất là với những đối tượng dễ động chạm đến tình thương con người như người già và trẻ nhỏ.
Nếu đang có con nhỏ, đi ngang nhìn mấy đứa nhóc cũng cỡ tuổi con mình, có đứa còn ẵm ngửa nhưng đã phải lê la đầu đường xó chợ xin tiền, bạn khó mà không động lòng. Thấy chúng ngủ vật ngủ vờ, oặt đầu oặt cổ bên này, bên kia cái địu hoặc nằm lăn lóc nơi vỉa hè, quần áo mặt mũi lem luốc, bình sữa (nếu có) cũng để cả ngày nguội lạnh, ruồi bâu kiến đậu… và nghĩ đến con mình ở nhà quần này áo nọ, chăn ấm nệm êm, được bố mẹ chăm sóc từng li từng tí, làm sao mà không xót xa. Ngay cả khi bạn chưa có con, chỉ cần nghĩ về tuổi thơ của mình, nghĩ về những đứa con tương lai của mình, hình ảnh ấy cũng đủ làm trái tim bạn tan chảy. Và thế nghĩa là, bạn đã lọt vào “bẫy” của những kẻ chăn dắt.
Cũng phải nói thêm, ngoài lòng trắc ẩn, ngoài ý muốn chân thành muốn giúp những người mẹ, những đứa trẻ ăn xin, nói rộng ra là những người ăn xin bớt khó khăn, một trong những lý do để bạn cho tiền người ăn xin, đó là vì bạn… nghĩ đến chính mình. Cho tiền kẻ hành khất, ngoài sự yên tâm và niềm vui được cho đi, trong ta còn nảy nở một có “khoái cảm” rất đỗi dễ chịu bởi ta đã “nhón tay làm phúc”, bởi ta đã làm công đức, đã bố thí cho kẻ nghèo khổ hơn mình và ta tin rằng mình sẽ gặp may mắn.
Thế nên, như anh Trần Thái An quan niệm: “Tôi nghĩ tiền tiêu mấy cũng hết, đó chỉ là một chút tiền lẻ, mình cứ xởi lởi rồi trời cho. Nếu giúp đúng người thì coi như mình làm một việc tốt, tích phúc về sau, nếu giúp phải kẻ lừa đảo thì mình vẫn coi là làm việc tốt và kẻ lừa đảo kia sẽ phải chịu hậu quả về sau, mình đâu có tội gì”, nhiều người vẫn sẵn lòng bố thí để lấy phúc đức. Cái sự “ích kỷ” và khoái cảm rất đỗi hồn nhiên ấy, một lần nữa, đã khiến chúng ta “vào tròng” những kẻ ăn xin, dù không phải ta không biết, phần nhiều trong đó là lừa đảo.
Cho tiền ăn xin: làm phúc hay rước tội?
Giúp đỡ người yếu hơn, nghèo hơn mình là việc tốt, nhưng khi sự giúp đỡ ấy được “rót” không đúng đối tượng, đó là một sự lãng phí, và chúng ta nhiều khi chính là kẻ “tiếp tay” cho tội ác. Hãy thử nghĩ, khi ở nhiều thành phố lớn có những đường dây cung cấp, môi giới và sử dụng trẻ em đi ăn xin, kẻ chỉ nhăm nhe đem bán hoặc cho thuê những đứa bé mình rứt ruột đẻ ra, kẻ chuốc thuốc mê, ma túy cho lũ trẻ “phê” để ngủ li bì suốt ngày, vừa không quấy khóc vừa đỡ phải cho ăn, kẻ thu tiền “hoa hồng” từ những đồng tiền từ thiện của các nhà hảo tâm, việc ta cho tiền ăn xin chẳng khác nào gián tiếp tiếp tay cho “công nghệ cái bang” có đất sống.
Đừng hão huyền nghĩ rằng, cuộc đời các em bé kia sẽ bớt khổ sở bởi những đồng tiền ấy, vì chúng càng “kiếm” ra tiền nhiều chừng nào, chúng sẽ càng bị bóc lột nhiều chừng ấy, càng “có giá” chừng ấy, nên những kẻ chăn dắt sẽ không để chúng nghỉ ngơi hay chăm sóc chúng. Rất đơn giản thôi, nếu chúng không gầy gò ốm yếu, không xanh xao, không nhem nhuốc, không ăn mặc phong phanh, liệu ta có móc hầu bao cho chúng không? Cứ thử đem cho chúng một cái bánh, một hộp sữa, một ít quần áo, chăn màn mà xem, “người mẹ” kia sẽ nhìn bạn bằng ánh mắt hàm ơn hay làu nhàu chửi bạn, bạn sẽ biết họ thực sự muốn gì từ mình.
Không phải không có những mảnh đời đau khổ, cần giúp đỡ thật sự, nhưng giữa thời mà ăn xin quá nhiều “mánh lới” để moi những đồng tiền mồ hôi nước mắt của chúng ta, nhiều người đã thẳng thừng nói không với hành khất, bất kể đó là trẻ em hay người già. Chị Nguyễn Lan Anh chia sẻ: “Mình nhất định không cho ăn xin, vì kể cả có nghèo thật, người ta xin được là cứ xin mãi, từ ngày này qua ngày khác. Chưa cần biết là họ có làm giàu được không hay đồng tiền xin được chỉ đủ ăn, nhưng thái độ đấy là ỷ lại sự thương hại của người khác, là không có tự trọng. Người lười biếng như thế mình không thương. Chưa kể là cho ăn xin sẽ làm lực lượng ăn xin tăng lên, làm xấu đi hình ảnh xã hội văn minh”.
Cùng đồng tình với quan điểm đó, chị Đỗ Mai Hương tâm sự: “Là một người mẹ, tôi luôn xót xa trước cảnh một phụ nữ ôm con đi ăn xin. Tôi thương cho họ và nghĩ, chắc là con nhỏ quá, trình độ không có, họ phải bế con đi ăn xin. Tôi thương họ thì ít mà thương đứa trẻ thì nhiều nên thường bố thí hậu hĩnh hơn. Nhưng đến khi biết bí ẩn kinh hoàng đằng sau hình ảnh những bà mẹ bế con ăn xin, tôi thấy đắng cả miệng. Giờ mới nhớ, hình như rất ít khi mình bắt gặp đứa bé nào tỉnh táo, lúc nào cũng thấy nó ngủ, hóa ra là người ta cho trẻ con hít ma túy và nốc rượu để ngủ li bì suốt cả ngày, để ngồi cùng một chỗ với họ suốt cả ngày. Xót xa hơn là nếu đứa nào chết vì sốc rượu và ma túy, ngày mai người ta thay đứa mới... Tôi thấy niềm tin và lòng thương của tôi bị lợi dụng. Tôi không muốn là kẻ thờ ơ và vô cảm, nhưng cũng không muốn lòng thương hại của mình sẽ giết hại những em bé như vậy”.
Tuy nhiên, vẫn có người cho rằng, không nên đo đếm lòng tốt, dù có đầy rẫy những trò lừa đảo. Họ biện luận: “Làm sao biết được đâu là giả, đâu là thật? Lòng thương yêu, nếu cứ phải đem ra so đo, lâu dần nó cũng sẽ chai sạn. Dẫu sao cũng không nên vô cảm trước cuộc sống. Nếu gặp người có hoàn cảnh khó khăn mà không giúp đỡ, tôi thấy rất áy náy. Dù biết có thể mình giúp đỡ cho kẻ lừa đảo, nhưng thà giúp nhầm còn hơn bỏ sót; nếu mình chỉ lo bị lừa mà không tương trợ những trường hợp thực sự khó khăn thì quả là tội nghiệp, và mang tội với họ”.
Cho hay không cho tiền ăn xin, đó là chọn lựa của bạn, nhưng đừng quên, khi ta nghĩ mình đang làm phúc, rất có thể ta đang rước tội.
Theo Pháp luật Xã hội /Afamily
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Cột tin quảng cáo