Khi lãi vay chiếm hơn 10% GDP
Theo TS Trần Du Lịch, với dư nợ của toàn hệ thống là 2,7 triệu tỷ đồng, lãi suất bình quân 15%/năm, nền kinh tế Việt Nam đang trả lãi cho ngân hàng khoảng 20 tỷ USD/năm.
Chi phí lãi vay này chiếm tới 1/6 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm qua. Còn theo tính toán của ông Phạm Xuân Hòe, Vụ phó Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), tiền lãi trả cho ngân hàng tính theo phương pháp bình quân gia quyền năm 2012 chỉ khoảng 260.556 tỷ đồng, tương đương 13 tỷ USD.
TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “13 tỷ USD hay 20 tỷ USD chưa phải là con số chính xác vì chưa có tính toán cụ thể. Nhưng dù là con số nào, thì đây cũng là mức chi phí vốn tương đối lớn so với quy mô nền kinh tế”.
Năm 2012, GDP Việt Nam là 123,96 tỷ USD, thì chi phí lãi vay chiếm trên 10%. Điều này cho thấy, nền kinh tế đang phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng.
Theo ông Hiếu, GDP được phát sinh từ nhiều nguồn, trong đó có phần lợi tức từ hệ thống ngân hàng. Nhưng ở Việt Nam, khoảng 90% lợi tức của ngân hàng là từ hoạt động cho vay.
Đây là rủi ro rất lớn cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế, nhất là trong điều kiện tín dụng bị đóng băng như hiện nay. Năm qua, lợi nhuận của hệ thống ngân hàng đã giảm tới 50% do tín dụng không đẩy ra được, phải tăng trích dự phòng rủi ro…
Đồng quan điểm này, TS Cấn Văn Lực, Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ BIDV, cho rằng, quy mô tín dụng lớn thì trả lãi vay nhiều. Mỗi năm, Trung Quốc phải trả hàng trăm tỷ USD tiền lãi vay cho ngân hàng. Hiện, quy mô tín dụng của Việt Nam đã “phình” quá to, chiếm 120% GDP, nên chi phí lãi vay lớn là đương nhiên.
Chi phí lãi vay cao, dẫn tới hiệu quả của doanh nghiệp thấp. Hai năm qua, với lãi vay từ 15-25%, phần lớn doanh nghiệp có chỉ đủ trả lãi vay, thậm chí âm so với lãi vay vốn ngân hàng.
Kéo theo đó, hiệu quả nền kinh tế thấp. Để giảm gánh nặng lãi vay, TS Nguyễn Trí Hiếu đưa ra công thức lý tưởng: lãi suất cho vay 10%/năm, lãi suất tiền gửi 7%/năm, lạm phát ở mức 5%. “Tiền đề giảm lãi suất là lạm phát giảm xuống 5%. Nhưng xem ra là rất khó”, ông Hiếu nói.
Gia Huy
Theo TPO
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo