Khi nhà sư nhập thế thái quá!
Trong mắt nhiều người trần tục, đi tu cũng là một nghề.
Ngày xưa, các nhà sư thường tìm đến các nơi thâm sơn cùng cốc hoặc núi cao đèo sâu lập chùa, dùng làm nơi tu hành. Đó là kiểu tu xuất thế, tránh xa trần tục, chỉ còn ta với thiên nhiên, cây cỏ. Ngày nay, ngược lại, chùa thường được làm ở những vùng dân cư sầm uất, thành thị rộn ràng. Các nhà sư nhập thế để tu. Sự tôn kính và xa cách mất đi, thay vào đó là sự gần gũi, suồng sã; nhiều nhà sư còn trần tục hơn những con người trần tục. Khiến trong mắt nhiều người trần tục, đi tu cũng là một nghề.
Ai đi qua đường Âu Cơ (quận Tân Bình, TP.HCM) cũng vô cùng thắc mắc, khi thấy trước cổng chùa có cái bảng ghi số điện thoại của trụ trì một chùa. Bởi, trong tâm thức nhiều người, nhà sư không phải là người của công chúng, không thể tùy tiện gặp lúc nào là gặp. Thế mà, nhà sư này, không những loan báo cho mọi người rằng: muốn gặp mình khi nào cũng được, thậm chí còn để cả số điện thoại. Trụ trì này không hề sợ bị quấy rầy đến chuyện tu tập hay là không cần tu tập?.
Chúng tôi mang thắc mắc này đến hỏi người đàn ông Bình, đang ngồi trên chiếc xe ôm trước cổng chùa, thì được trả lời: “Sư trụ trì đang ở trong chùa, nhưng vì bệnh ít xuống dưới. Ai đến, muốn gặp cứ gọi điện trụ trì sẽ xuống”.
Khi nhìn vào trong chùa, chúng tôi thấy nhà chùa đang trong quá trình quyên góp tiền; dường như có ý định xây chùa mới, mặc dù tình trạng chùa hiện tại đã tương đối khang trang. Nhiều người cho rằng, có lẽ sư trụ trì không muốn các nhà hảo tâm đến cúng dường không gặp được trụ trì nên mới công khai số điện thoại của mình trước cổng chùa.
Cũng trong tâm thế "tất cả vì phật pháp" là hai sư thầy "sành điệu", thích sơn xe và biến đồ dùng của mình thành màu vàng chóe. Các thầy không những mặc áo vàng còn đi giày vàng, xe vàng, túi vàng, nón bảo hiểm vàng. Nhìn theo khía cạnh thời trang của người trần tục, thì vô cùng sành điệu, gây nhạc nhiên, thú vị.
Trong Phật giáo, màu vàng có ý nghĩa tương đối đặc biệt. Nó là màu pháp phục (y phục mặc trong lúc làm lễ) của các nhà sư. Màu vàng biểu trưng cho năng lực, chánh niệm làm nền tảng để thành định tuệ. Màu vàng còn là màu của tuệ giác, tượng trưng cho sự siêu việt của thế giới; buông bỏ, xả ly, không chấp nhặt và giải thoát.
Người ngoài nhìn vào, ai cũng cảm thấy thú vị với những vị sư nổi bật này. Nhưng cũng không ít người nghĩ các thầy vẫn còn sân si với thế gian, muốn mình nổi bật hơn kẻ khác.
Có thể khẳng định đó không hề là mong muốn của những nhà tu hành ấy. Nhưng vì nguyên nhân này hay lý do khác, họ đã bất đắc dĩ trở thành tâm điểm để dư luận săm soi.
Chuyện ầm ĩ nhất về việc nhà sư làm quá việc nhập thế của mình, có thể kể đến sư Thích Pháp Định của thiền viện Phước Sơn (xã Phước Tân, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), năm 2012.
Có thể vì quá trẻ, Thích Pháp Định mới 25 tuổi, nhà sư không thể chống lại cái cám dỗ được gọi là “hư danh”, muốn được qua lại với người nổi tiếng. Thế nên, mới có chuyện, nhà sư trẻ này vào phòng trà Không Tên tham gia buổi đấu giá từ thiện của Đàm Vĩnh Hưng. Rồi mới có chuyện, ca sỹ họ Đàm hôn môi sư thầy để cảm ơn và cái giá mà Thích Pháp Định trả là phải chấm dứt con đường tu hành, trở thành người phàm tục trước búa rìu dư luận. Ngoài Đàm Vĩnh Hưng, Thích Pháp Định từng chụp ảnh chung với Phi Thanh Vân, một ca sỹ - diễn viên.
Ầm ĩ không kém là chú tiểu Trần Trí, quê ở Quy Nhơn (Bình Định). Tại vòng chung khảo khu vực phía Nam cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, từ ban tổ chức, phóng viên, khán giả, giám khảo,… cho đến người nhà các thí sinh đều kinh ngạc khi thấy một người đàn ông đầu trọc, mặc trang phục của nhà chùa xuất hiện với vai trò làm đẹp cho các thí sinh, từ việc tô son môi, làm tóc cho đến chỉnh sửa váy đầm, áo dài; thậm chí là sửa trang phục đi biển (bikini) cho một số thí sinh.
Chú tiểu ngay sau đó đã có lời giải thích rằng: "Tôi tin tưởng hoàn toàn vào sự màu nhiệm của Phật pháp nhưng đường đi của tôi là cách tôi chọn và tất nhiên sẽ có người ủng hộ, cũng sẽ có người không ủng hộ, nhưng không sao, quan trọng là cái đích để đến, tôi luôn ngủ ngon giấc bởi lẽ tôi tin rằng tôi đang đi trên đoạn đường rất khó khăn nhưng tôi hoàn toàn có thể vượt qua..."
Tuy nhiên, trước sóng gió dư luận chú tiểu Trần Trí đã đăng lời sám hối trên facebook và xin nhận hình phạt rời khỏi tăng đoàn.
Ngày nay, không thiếu sư thầy, ni cô đi xe máy đẹp, xài điện thoại xịn gấp trăm ngàn lần người dân bình thường. Ở họ, toát ra sự sang cả của một người có tiền, đi đâu cũng được đưa rước, cơm bưng nước rót. Ra đường, các ni cô cũng bao bịt từ đầu đến chân như bất cứ phụ nữ nào trên đất nước Việt Nam dù trời không nắng lắm. Ngoài việc chống khói bụi, âu là họ cũng sợ bị đen da, không đẹp. Có hay không việc chuộng hình thức ở ngoài xã hội cũng đã tiến vào chùa chiền?.
Văn hóa truyền thống dạy cho người Việt chúng ta kính trọng các bậc tu hành, vì những vị tu hành là những người đã dứt khoát trần tục, từ bỏ giàu sang danh vọng phú quý để tìm con đường tu thân, và từ đó, dẫn dắt người đời đến một cuộc sống thánh thiện, chân thiện mỹ…Một người xuất gia cần phải thể hiện được sự oai nghi tế hạnh để toát lên sự trang nghiêm của một người thầy được xã hội, người dân kính trọng.
Bên cạnh những sở thích "nổi bật", "diện thời trang" dạo phố,...tuy không gây ảnh hưởng, nhưng cũng có ít nhiều cái nhìn không đẹp về nhà Phật. Nghiêm trọng hơn, nhiều thầy tu, có lẽ chưa hiểu rõ giới luật nên đã phạm phải sai lầm, đánh mất oai nghi giới hạnh của người tu?.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo