Tin tức - Sự kiện

Khi nông dân … chán ruộng

Khoảng 10 năm trở lại đây, diện tích đất nông nghiệp khu vực ngoại thành Hà Nội liên tục giảm mạnh. Trong khi những người nông dân giữ đất canh tác “không phải vì tình yêu cây lúa mà vì mối lo lắng bản năng về sự thiếu đói khi cơ nhỡ và cái lợi trước mắt chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi vẫn còn ràng buộc, họ tạm thời giữ lại ruộng đất trong cơn lốc đô thị hóa”, Tiến sĩ Phạm Ngọc Long – Viện trưởng viện Khoa học quản trị Doanh nghiệp nhỏ và vừa nói.

Nhiều diện tích đất bị bỏ hoang

Sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, diện tích đất nông nghiệp Hà Nội mới khoảng trên 192 nghìn hecta, chiếm 57.4% diện tích chung. Trong đó đất sản xuất nông nghiệp trên 160 nghìn hecta. Với diện tích lớn như vậy, về góc độ đất đai canh tác, sản xuất nông nghiệp, nông thôn vẫn có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở thủ đô.

Thế nhưng, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích đất trồng lúa trên cả nước năm 2010 đã giảm 378.000 ha so với năm 2000. Bình quân 3 năm gần đây, riêng Hà Nội đã giảm gần 2.000 ha.

Diện tích đất trồng lúa trên cả nước năm 2010 đã giảm 378.000 ha so với năm 2000. Bình quân 3 năm gần đây, riêng Hà Nội đã giảm gần 2.000 ha.

Nhiều diện tích đất nông nghiệp ở các huyện ngoại thành Hà Nội như: Thanh Oai, Quốc Oai, Hà Đông, Phúc Thọ… đang trong tình trạng bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm.

Một số khu ruộng người dân bỏ ruộng do ngập úng, không thể sản xuất được nhưng cũng không ít người dân bỏ ruộng vì … chán.

Chị Lê Thị Soạn, người dân xã Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội cho hay: “Nhà tôi có mấy sào đất trồng lúa nhưng bỏ không 2 năm nay rồi. Nhà neo người nên tất cả các công đoạn trồng lúa đều phải đi thuê từ việc cày bừa, gieo cấy đến gặt hái. Tính ra cũng chẳng được bao nhiêu mà bỏ ra quá nhiều công sức nên tôi bỏ ruộng, đi trông con thuê cho một gia đình ở gần nhà”.

Khi người nông dân bỏ ra quá nhiều công sức, lam lũ, vất vả, cực nhọc trăm bề nhưng lợi nhuận họ được nhận về chưa tương xứng thì tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng chán ruộng đồng, bỏ đất hoang.

Người dân giữ lại đất không phải vì tình yêu cây lúa

Tiến sĩ Phạm Ngọc Long – viện trưởng viện Khoa học quản trị Doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận định, đất canh tác đang bị teo tóp, hoặc bị hoang hóa nhiều. Sự bất cập triển khai quy hoạch và phát triển thiếu lành mạnh của thị trường bất động sản khiến tốc độ phát triển của các khu đô thị, khu công nghiệp sau khi có quyết định thu hồi đất thường rất chậm. Nhiều dự án vẫn “án binh bất động”, nhiều diện tích đất canh tác màu mỡ, nằm ở vị trí “gà đẻ trứng vàng” sau khi chuyển đổi mục đích trở thành hoang hóa nhiều năm, lãng phí lớn tài nguyên đất đai.

Người dân giữ lại đất không phải vì yêu cây lúa. Đô thị hóa một cách cẩu thả và tham lam đã làm méo mó tình yêu ngàn đời của người nông dân với đất đai. Lý do người nông dân tạm thời giữ lại ruộng đất là bởi mối lo lắng bản năng về sự thiếu đói khi cơ nhỡ và cái lợi trước mắt chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi vẫn còn ràng buộc.

Theo chị Nguyễn Thị Lan, làng Nghĩa Lộ, xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội cho hay: “Ở xã tôi, nhiều người không còn mặn mà với cây lúa nữa. Nhiều nhà trồng lúa chỉ để đủ gạo ăn. Những gia đình nào chăn nuôi gia súc, gia cầm mới làm nhiều diện tích hơn lúa để cung cấp thức ăn cho vật nuôi. Chi phí bỏ ra để trồng lúa bây giờ lên quá cao. Nhờ có máy móc, người nông dân đỡ khổ đi nhưng lại phải bỏ một khoản chi phí rất lớn để mua giống, phân bón, thuê máy cày bừa, máy cấy, rồi cả máy cắt lúa, máy tuốt lúa liên hoàn… Nếu như trước đây, không phải mất công đi thuê nhiều máy móc như vậy, lấy công làm lãi nên nhiều gia đình còn trồng nhiều lúa để có thêm thu nhập nhưng bây giờ, phải mất quá nhiều chi phí để có được lúa ăn nên chúng tôi hầu hết đều trả bớt ruộng, chỉ làm ít đủ để ăn trong một vụ".

Chị Hoa, một nông dân khác cũng ngao ngán: “Nhẩm tính chi phí cho một sào ruộng trồng lúa, tiền giống, phân bón, thuê cày máy, thuê gặt, thuê tuốt lúa… có khi lên đến cả tiền triệu. May mắn mưa thuận gió hòa được mùa thì còn vớt vát chút gọi là lấy công làm lãi nhưng nếu không may mất mùa thì coi như mất trắng. Đa số người dân quê tôi trồng lúa chỉ để phục vụ nhu cầu trong gia đình chứ không có lúa gạo bán”.

Ruộng đồng gắn bó với người nông dân từ ngàn đời nay, ấy vậy mà giờ đây, người nông dân lại tỏ ra không mặn mà với đồng áng. Nếu số lượng nông dân bỏ ruộng ngày một tăng, Hà Nội sẽ đứng trước nguy cơ mất an ninh lương thực và đồng nghĩa với đó là sẽ mất nguồn kinh phí không nhỏ để nhập lương thực, thực phẩm. Vì vậy, làm thế nào để người dân yên tâm bám ruộng là một bài toán còn để ngỏ lời giải cho lãnh đạo chính quyền địa phương và các Bộ, ngành liên quan.

Kiều Luyến
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo