Tin tức - Sự kiện

Khi “thần chết” ở ngay... bờ dậu

Nhiều loại thực vật là nguồn thức ăn, là cơ sở tồn tại của loài người chúng ta nhưng cũng có nhiều loại cây cỏ lại có thể kết thúc cuộc sống của những ai vô tình hay cố ý ăn phải, dù chỉ là một vài lá. Lá ngón là một trong số những loài cây như vậy.

Lá ngón và “khả năng”…  giết người

Lá ngón, còn được gọi là cỏ ngón, cây rút ruột, ồ mạn trường, hồ mạn trường, đại trà  đằng, đoạn trường thảo… có tên khoa học là Gelsemium elegans Benth, trước đây được phân loại trong họ Mã tiền (Logania-ceae), nhưng từ năm 1994 đến nay được cho là thuộc họ mới là họ Hoàng đằng (Gelsemia-ceae).

Loại cây này mọc hoang rất nhiều ở các tỉnh vùng núi như Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Lạng Sơn, Hà Giang… trong rừng, ven suối, thậm chí mọc leo ở bờ rào, chỗ đất trống... Thân cây có khía. Cành non màu xanh lục nhạt không có lông. Cành già màu xám nâu nhạt. Lá mọc đối, không lông, hình trứng hay hình trứng mũi mác, đầu nhọn, mép nguyên, xanh nhẵn bóng, mép lá nguyên, dài 7 - 12 cm. Hoa mọc thành xim đầu cành hay kẽ lá. Năm cánh hoa màu vàng, tràng hoa hình phễu, ra hoa trong khoảng từ tháng 5 - 12. Quả là dạng quả nang, hình thon elíp hay hình trứng, nhẵn, không có lông, màu nâu. Hạt nhỏ cỡ 0,5 cm, dạng từ hình elíp tới hình thận, màu nâu nhạt, phần giữa có lông, có diềm cánh mỏng xung quanh giúp phát tán theo gió.

Theo nghiên cứu, có tới 15 - 17 loại ancaloit được chiết xuất từ cây lá ngón như koumin, gelsemin, kaunid, gelsamydin I, gelsemoxonin, kouminidin, 19α-hydroxygelsamydin… nhưng độc tính chủ yếu vẫn là gelsenicin (có nhiều ở rễ) và koumin (có nhiều trong rễ).

Gelsemin có độc tính rất mạnh giống như mã tiền (strycnin) trong khi các ancaloit khác có độc tính gây yếu cơ. Trên thực nghiệm ở chuột, liều chết một nửa của nước sắc lá tươi lá ngón là 450mg/kg và của nước sắc trong cồn là 98mg/kg.

Biểu hiện của nhiễm độc cấp lá ngón

Lá ngón được liệt vào 1 trong 4 loại dược thảo có độc tính cao nhất tại Việt Nam và Trung Quốc. Chỉ cần ăn vài lá là có thể tử vong. Các triệu chứng của ngộ độc lá ngón bao gồm các  biểu hiện sớm như hoa mắt, chóng mặt, đau đầu; buồn nôn, nôn; đau họng, khát nước; co cứng, co giật cơ hàm và các cơ toàn thân, kích thích giãy giụa, rối loạn ý thức. Sau đó, các triệu chứng tiến triển nặng lên, bệnh nhân hôn mê, suy hô hấp; co giật, đồng tử dãn; thiểu niệu, vô niệu; rối loạn đông máu, mạch chậm, huyết áp tụt; rối loạn thân nhiệt và tử vong.

Xử trí thế nào?

Trước một bệnh nhân có biểu hiện của ngộ độc lá ngón, việc đầu tiên là phải kiểm soát ngay các chức năng sống như hô hấp: Cho bệnh nhân nằm nghiêng, dẫn lưu tư thế, hút đờm rãi và các biện pháp làm thông thoáng đường thở, liệu pháp ôxy, đặt ống nội khí quản, thở máy nếu cần. Duy trì mạch, huyết áp bằng truyền dịch và thuốc vận mạch (dopamin, adrenalin, noradrenalin). Sau đó tìm cách loại bỏ chất độc khỏi cơ thể bằng  các biện pháp như gây nôn (nếu bệnh nhân tỉnh và hợp tác tốt), rửa dạ dày (nếu bệnh nhân hôn mê thì phải đặt ống nội khí quản có bóng chèn để tránh sặc phổi). Sau đó có thể cho than hoạt tính để hấp phụ chất độc còn tồn tại trong đường tiêu hóa.

Các cơn co giật là nguyên nhân gây nên suy hô hấp, tiêu cơ vân cấp, rối loạn nước điện giải và thăng bằng kiềm toan nên phải được khống chế bằng mọi cách. Các thuốc được sử dụng là các thuốc như seduxen, thiopental, thuốc dãn cơ. Khi dùng thuốc an thần và dãn cơ phải đảm bảo hô hấp cho bệnh nhân, nếu cần phải đặt ống nội khí quản, bóp bóng hoặc cho thở máy.

 


Điều trị cho bệnh nhân bị ngộ độc lá ngón tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên. Ảnh: L.D

 

Bên cạnh đó, các biện pháp hồi sức chung cũng cần được tiến hành như hồi sức hô hấp: thở ôxy hoặc thở máy qua ống nội khí quản; hồi sức tuần hoàn: truyền dịch (NaCl 0,9%, ringer lactate, dịch cao phân tử…). Có thể đặt ống thông tĩnh mạch trung tâm nếu có thể. Cho các thuốc nâng huyết áp (dopamin, adrenalin, noradrenalin), điều trị các rối loạn nhịp tim; chống suy thận cấp bằng truyền dịch và lợi tiểu liều cao: lasix tiêm, truyền tĩnh mạch liều tối đa 1000mg/ngày. Lọc máu ngắt quãng hoặc lọc máu liên tục; bồi phụ đủ nước, điện giải và thăng bằng kiềm toan; điều chỉnh các rối loạn khác như rối loạn đông máu (nếu có) cũng như đảm bảo nuôi dưỡng, săn sóc chống loét, kháng sinh chống nhiễm khuẩn.

Những điều nên làm trước khi bệnh nhân xuất viện

Đa số bệnh nhân ngộ độc lá ngón là do cố ý ăn lá ngón để tự tử. Vì vậy, sau khi bệnh nhân đã được cứu sống, nhất thiết phải tiến hành các liệu pháp tâm lý như an ủi động viên, chia sẻ và giải quyết những khúc mắc là lý do khiến bệnh nhân tự tử để tránh bệnh nhân nung nấu ý định tiếp tục tự tử. Đối với những người có nhân cách yếu hoặc có dấu hiệu trầm cảm, hoang tưởng tự sát… phải được theo dõi điều trị về tâm thần. Chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể và cán bộ y tế địa phương cần tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về độc tính và hậu quả khôn lường khi sử dụng lá ngón dù là vô tình hay cố ý.

 

 

Thảo An (Theo SK&ĐS)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo