Khó cân bằng bài toán lãi suất, lạm phát và vốn
Để giảm tiếp lãi suất, điều kiện tiên quyết là phải kiềm chế lạm phát ở mức thấp. Thế nhưng, bài toán lạm phát của Việt Nam hiện nay vấn đề không chỉ là ở tiền tệ mà còn là giá cả.
Theo phản ánh của các ngân hàng, “trong khi hệ thống ngân hàng tiết kiệm từng đồng, thắt lưng buộc bụng để giúp cho lạm phát không tăng… Nhưng chỉ cần chính sách giá cả một bộ, ngành nào đó tăng là phá vỡ tất cả.
Chuyện lãi suất, vốn
Tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đến tháng 3/2013 đã tăng trở lại, tăng tới 0,81% so với tháng trước đó, sau hai tháng giảm liên tiếp (tháng 1/2013 giảm 0,01%, tháng 2/2013 giảm 0,53%). Tính đến 31/3/2013 tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt 857.700 tỷ đồng, tăng 0,26% so với cuối năm 2012.
Đặc biệt, theo ông Tô Duy Lâm - Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, dòng vốn tín dụng vẫn tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Trong những tháng đầu năm 2013 bình quân lãi suất huy động và cho vay giảm ở mức 1,5- 2%/năm so với cuối năm 2012.
Riêng đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay chỉ còn 11%/năm, thậm chí, nhiều TCTD còn áp dụng mức lãi suất ưu đãi chỉ 8-11%/năm đối với khách hàng truyền thống và các khách hàng có hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Trên bình diện cả nước, tính đến cuối tháng 3 tín dụng tăng khoảng 0,1% so với cuối năm 2012. Mặc dù vậy mức tăng này vẫn còn tốt hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2012. Năm 2012 tăng trưởng tín dụng đến tháng 6 vẫn âm. Mặc dù lãi suất cho vay ra hiện nay đang ở mức bình quân 11-13%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay năm 2007 nhưng vốn lại không ra được, trong khi đó tín dụng năm 2007 tăng tới trên 53%.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết: “lúc đó DN không kêu lãi suất cho vay cao mà rất phấn khởi; ngân hàng cũng vui vẻ, đưa tín dụng ra ồ ạt”. Nguyên nhân khiến tín dụng gặp khó cũng đã được phân tích nhiều. Về phía DN, một phần do không đáp ứng điều kiện vay vốn, một phần do không dám vay vì triển vọng kinh doanh còn khó khăn, tồn kho lớn. Về phía ngân hàng do nợ xấu tăng cao cũng khiến các ngân hàng có xu hướng thắt chặt điều kiện tín dụng để ngăn ngừa rủi ro. Bởi vậy, nhu cầu vốn chỉ có thể tăng cao trở lại khi nền kinh tế khởi sắc hơn.
Theo Thống đốc NHNN, kinh tế một số nước lớn trên thế giới đang hồi phục như Mỹ, Nhật… sẽ tạo điều kiện cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Quý I/2013, Việt Nam đã xuất siêu 482 triệu USD, nhiều đơn vị đã có đơn đặt hàng đến tận cuối năm. Nhưng nhìn chung, nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều thách thức.
Cũng có cái nhìn như vậy, ông Trương Văn Phước – Tổng giám đốc Eximbank cho rằng, vấn đề của nền kinh tế hiện không còn là lãi suất nữa. Lãi suất thấp mà vốn không “ra” được đang là vấn đề lớn của nền kinh tế, mà nguyên nhân chính là nợ xấu và tồn kho. Vì ngay như các ngân hàng nước ngoài (tại TP. Hồ Chí Minh) hiện nay cũng mắc phải nợ xấu đang tăng rất cao, lên trên 2%/tổng dư nợ.
Cũng đồng quan điểm này, ông Đỗ Minh Toàn – Tổng giám đốc ACB cho biết, lãi suất cho vay đã giảm từ 15%/năm xuống còn 11-12%/năm như hiện nay và ACB cũng đang có những khoản vay chỉ 8-9%/năm. Từ đó cho thấy, vấn đề lãi suất không còn lớn mà chủ yếu là vấn đề kích cầu tiêu dùng từ đó giúp đẩy mạnh nhu cầu vay vốn cho sản xuất, kinh doanh.
Lạm phát, tiền và giá
Bên cạnh đó, để giảm tiếp lãi suất, điều kiện tiên quyết là phải kiềm chế lạm phát ở mức thấp. Thế nhưng, bài toán lạm phát của Việt Nam hiện nay vấn đề không chỉ là ở tiền tệ mà còn là giá cả. Theo phản ánh của các ngân hàng, “trong khi hệ thống ngân hàng tiết kiệm từng đồng, thắt lưng buộc bụng để giúp cho lạm phát không tăng… Nhưng chỉ cần chính sách giá cả một bộ, ngành nào đó tăng là phá vỡ tất cả.
Chẳng hạn, tháng 9/2012 CPI tăng tới 2,2%/tháng là do ngành y tế tăng viện phí (đóng góp vào tăng CPI là 0,95%), giáo dục vào mùa cũng tăng giá sách giáo khoa (đóng góp vào tăng CPI là 0,6%). Như vậy, CPI tính trong cả năm là 6,8%, nếu trừ đi yếu tố tăng giá của riêng hai ngành này là 1,55% thì CPI cả năm chỉ còn 5,25%. Điều đó cho thấy, nếu điều hành giá không tốt thì sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy.
Về lý thuyết, có hai yếu tố là tiền tệ và giá cả đều tác động tới CPI. Vì nếu bơm nhiều tiền ra quá thì giá phải lên, đấy là lạm phát do tiền tệ. Minh chứng là năm 2007, việc đưa quá nhiều tiền ra nền kinh tế khiến lạm phát tăng cao trong năm 2008, lên tới gần 23%. Còn ngược lại, bỗng dưng giá lên buộc ngân hàng phải in thêm tiền. Chẳng hạn, giá một cái chén đang là 2 đồng, hai cái là 4 đồng, nhưng giá chén lại tăng lên thêm 1 đồng/cái, 2 cái là 6 đồng, để đảm bảo lưu thông thì ngân hàng phải đưa ra 6 đồng.
Không thể phủ nhận một thực tế là thời gian qua NHNN đã kiểm soát khá tốt lượng tiền cung ứng, góp phần tích cực vào việc kiềm chế lạm phát. Song cũng công bằng mà nói việc điều hành giá cả còn nhiều bất cập, đặc biệt là trong dịp Tết vừa rồi. Cũng may là Chính phủ đã liên tục có công điện đề nghị các địa phương phải bình ổn giá. “Nếu năm 2012, lạm phát ở mức 8% thì bây giờ chúng ta không thể có mức lãi suất tiết kiệm chỉ 7,5%/năm như hiện nay”, người đứng đầu ngành Ngân hàng nhấn mạnh.
Công Duy
Theo TBNH
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024
Cột tin quảng cáo