Thị trường

Khó khăn về tài chính làm doanh nghiệp vừa và nhỏ khó phát triển công nghệ

Các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu phát triển trên cơ sở các công nghệ sẵn có ở nơi khác mà ít đầu tư vào nghiên cứu và triển khai công nghệ từ cơ bản. Đây là một trong những nội dung được công bố trong báo cáo “Năng lực cạnh tranh và công nghệ ở cấp độ doanh nghiệp tại Việt Nam: Kết quả điều tra năm 2013”.

 Báo cáo là tổng hợp các phát hiện từ cuộc Điều tra năng lực cạnh tranh và công nghệ năm 2013. Trên cơ sở mẫu điều tra lớn gồm khoảng 8.000 quan sát và thông tin chi tiết ở cấp độ doanh nghiệp, báo cáo phản ánh cụ thể nhiều khía cạnh của môi trường kinh doanh, cung cấp thông tin chi tiết về mức độ cạnh tranh, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam.

Từ kết quả điều tra, các doanh nghiệp nhận thức được lợi ích của việc đầu tư, chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó là nhiều trở ngại đang tồn tại có thể cản trở doanh nghiệp đầu tư ở mức thu lại được lợi ích thực sự. 
 
Nhìn chung, kết quả điều tra năm 2013 cũng tương tự như kết quả năm 2012. Điều đó cho thấy môi trường kinh doanh và hoàn cảnh các doanh nghiệp hiên nay vẫn trong tình trạng trì trệ. Điều quan trọng ở đây là các chính sách phải được ban hành để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển. Đặc biệt, cần tập trung vào việc tháo gỡ dứt điểm những hạn chế được phân tích chi tiết trong báo cáo. Và chính sách công nghệ hiện tại là không đủ để đối phó với những vấn đề này.
 
Bằng chứng về lợi ích của đầu tư trực tiếp nước ngoài và mối quan hệ với khách hàng và nhà cung cấp quốc tế cũng được phản ánh trong báo cáo. Sự tương tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước được kỳ vọng sẽ dẫn tới chuyển giao công nghệ thông qua tác động lan tỏa. Chuyển giao có thể xảy ra từ tác động lan tỏa ngang (mối quan hệ giữa các doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực), liên kết ngược (tương tác giữa các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước) và cuối cùng là từ liên kết xuôi, khi các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp đầu vào trung gian cho các doanh nghiệp trong nước.
 
Khó khăn về tài chính làm doanh nghiệp vừa và nhỏ khó phát triển công nghệ. Ảnh: nguồn Internet
 
Báo cáo cũng chỉ ra nhiều trở ngại đối với các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hiện nay nhất là ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ như: Nguồn lao động có kỹ năng, trình độ còn thiếu. Máy móc thiết bị hạ tầng cơ bản, hệ thống thông tin liên lạc chưa theo kịp các công nghệ tiên tiến dẫn tới năng lực sản xuất chưa cao. Cụ thể, có tới 90% số doanh nghiệp được điều tra hiện chưa có chiến lược cải tiến công nghệ trong khi công nghệ tiên tiến hơn có thể mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.
 
Một phương pháp để cải tiến công nghệ là điều chỉnh công nghệ mới. Nhưng các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu phát triển trên cơ sở các công nghệ sẵn có ở nơi khác mà ít đầu tư vào nghiên cứu và triển khai công nghệ từ cơ bản. Điều này được lý giải do xác suất thất bại cao của đầu tư nghiên cứu và chi phí tốn kém, sẽ có lợi hơn cho các doanh nghiệp khi tiếp nhận và điều chỉnh công nghệ sẵn có thay vì đầu tư vào nghiên cứu. Điều chỉnh công nghệ cũng mang lại nhiều lợi ích hơn là nhận chuyển giao, do doanh nghiệp có thể tìm công nghệ phù hợp với điều kiện của mình, trong khi nhận chuyển giao bị giới hạn bởi trình độ công nghệ của doanh nghiệp chuyển giao và việc chuyển giao có thể còn không xảy ra. Do năng suất tăng lên nhờ điều chỉnh công nghệ, các chính sách để thúc đẩy loại hình đầu tư này cần được xem xét nghiêm túc và nên bao gồm việc gỡ khó cho doanh nghiệp.
 
Một trở ngại lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuyển giao công nghệ là khó khăn về đồng vốn. Phần lớn các doanh nghiệp này dựa vào vốn tự có để cải tiến công nghệ, điều đó cho thấy khả năng đầu tư của doanh nghiệp bị hạn chế nguồn vốn có sẵn thí dụ như lợi nhuận giữ lại. Bên cạnh đó, xu hướng tham gia vào các thị trường quốc tế của doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa nhiều, do vậy giá trị xuất khẩu hiện nay chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp lớn nắm giữu. Đồng thời sự chuyển giao công nghệ chủ yếu giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau là chính, chưa có sự liên kết nhiều với các doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, các công nghệ sản xuất mới, tiên tiến cũng chậm được áp dụng hơn so với quốc tế.
 
Cuối cùng, khi nền kinh tế Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn, áp lực có thể gia tăng lên các doanh nghiệp khiến họ giảm bớt cam kết trách nhiệm xã hội nhằm theo đuổi lợi nhuận cao hơn. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay hầu như mới để đáp ứng các nghĩa vụ trong doanh nghiệp và phù hợp với những yêu cầu pháp lý bắt buộc. Cần chú ý rằng lợi ích từ trách nhiệm xã hội gần như chỉ xuất hiện trong các công ty áp dụng chiến lược trách nhiệm xã hội rộng hơn và có sự tương tác tới cộng đồng bên ngoài và các bên liên quan khác. Do đó sẽ khó mong đợi các lợi ích cụ thể cho doanh nghiệp Việt từ chính sách với xã hội hiện tại của họ. Chính sách hỗ trợ chiến lược trách nhiệm xã hội "trên mức tuân thủ" có khả năng giúp cải thiện điều này.
 
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đóng góp một số ý kiến về nội dung báo cáo. Ảnh: Hoàng Tuấn
 
Với tư cách là chuyên gia bình luận cho báo cáo lần này, bà Phạm Chi Lan cho rằng cuộc điều tra đã cung cấp bộ công cụ có giá trị và độc đáo cho cả các nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách. Đây là cuộc điều tra duy nhất ở Việt Nam tìm hiểu sâu các vấn đề như sự phát triển năng lực công nghệ của doanh nghiệp, vai trò của đầu tư nước ngoài trong việc phổ biến các lợi thế công nghệ cho doanh nghiệp trong nước, rộng hơn là bối cảnh xã hội của môi trường kinh doanh.
 
Tuy vậy, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng đưa ra một số hạn chế của báo cáo như trong 4 năm vừa qua doanh nghiệp bị chấn động mạnh về kinh tế vĩ mô nên tỷ lệ doanh nghiệp phải ngưng hoạt động tăng cao, thì báo cáo này nên đưa ra con số bao nhiêu phần trăm doanh nghiệp doanh nghiệp bị loại ra khỏi thị trường hay là những doanh nghiệp áp dụng công nghệ thì khả năng chống đỡ tốt hơn. 
 
Báo cáo có điểm lại về chính sách đổi mới công nghệ và sáng tạo của Việt Nam nhưng kết quả mới nhất thì chưa được cập nhật. Cụ thể là báo cáo mới đưa ra số doanh nghiệp đăng ký chuyển giao công nghệ còn số doanh nghiệp đã thực hiện sau đăng ký thì chưa được nhắc tới.
 
Báo cáo cũng nhấn mạnh tài chính là rào cản chính năng lực cạnh tranh công nghệ nhưng theo bà Lan, đó chủ yếu là trở ngại đầu vào còn trở ngại đầu ra thì không được đề cập. Trong khi doanh nghiêp nếu không đánh giá được hiệu quả đầu ra tức là doanh thu có tăng lên hay không thì sẽ khó quan tâm, tập trung vào lĩnh vực công nghệ.
 
“Báo cáo cần xem thêm khi cho rằng cần ưu tiên phát triển công nghệ cho các doanh nghiệp lớn trong khi thực tế hiện nay là doanh nghiệp vừa và nhỏ mới là đối tượng gặp nhiều khó khăn hơn. Đổi mới khoa học công nghệ ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ giúp họ tránh được nguy cơ giải thể, phá sản. Đồng thời cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ vì tài chính của họ hiện còn hạn chế”, bà Lan nhận xét./.
 
Hoàng Tuấn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo