Khó khăn với chữ ký số
Chuyện tương tác CA và chấp nhận chứng thư số nước ngoài tiếp tục được bộ Thông tin và truyền thông cùng các nhà cung cấp dịch vụ ngồi lại tính toán.
Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết hiện kết nối với hải quan sử dụng chứng thư số của VNPT-CA.
Một cá nhân A giao dịch ở ngân hàng này đang sử dụng chứng thư số Viettel-CA, khi cần đóng thuế cho hải quan, hồ sơ A được gửi đến ngân hàng này và không thể chuyển thẳng được đến hải quan vì hệ thống hải quan hiện không thể kiểm tra được chứng thư do Viettel-CA cung cấp.
Chưa thông suốt bên trong
Đó là một trong những trở ngại để ứng dụng chữ ký số phổ rộng trong các tổ chức hành chính công, doanh nghiệp và người dân, làm đòn bẩy tạo thị trường để các nhà cung cấp dịch vụ phát triển.
Hiện đã có 5/6 doanh nghiệp đưa ra dịch vụ và dự kiến sẽ có 12 doanh nghiệp được cấp phép ở thị trường này. Tuy nhiên, sau gần hai năm triển khai đã bộc lộ phải có cơ chế đảm bảo sự tương tác lẫn nhau cho dịch vụ này.
Các nhà cung cấp cho cho rằng khó khăn là hiện chưa có nhiều cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công điện tử và dùng chữ ký số công cộng. Hiện nay dịch vụ mới chỉ tập trung vào ngành thuế và hải quan, nhưng hệ thống của hai ngành này lại chưa đồng bộ, khiến các tương tác khó khăn. Trong khi doanh nghiệp thì lo ngại về an toàn bảo mật hay bị giả mạo.
Nhiều yếu tố pháp lý hạn chế như chưa có quy định chữ ký số trong doanh nghiệp tương đương với con dấu hay chữ ký của người đại diện… khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà với dịch vụ này dù họ biết sẽ giúp tiết giảm chi phí và rút ngắn quy trình cho doanh nghiệp mình.
Ông Phùng Huy Tâm, phó giám đốc công nghệ thẻ của nhà cung cấp Nacencomm, tính trung bình gói dịch vụ phổ biến nhất hiện nay có phí duy trì dịch vụ một triệu đồng/năm và 500.000 đồng cho thiết bị ký chữ ký số cá nhân (chưa tính những gói dịch vụ cao cấp hơn).
Đa số doanh nghiệp hiện sử dụng chữ ký số một lần mỗi tháng để nộp thuế qua mạng là lãng phí. Về phía nhà cung cấp, chi phí tiếp thị ban đầu lớn nhưng các dịch vụ công sử dụng chữ ký số lại còn quá ít cũng là một khó khăn để đầu tư ra thị trường.
Tổng cục Thuế là tổ chức đầu tiên đưa ứng dụng chữ ký số vào khai thuế. Tính đến tháng 10 rồi, gần 50.000 doanh nghiệp đã được cấp chứng thư số và nhận nửa triệu lượt khai thuế qua mạng. Dự kiến năm 2012 mở rộng đến 80.000 doanh nghiệp và mục tiêu của ngành thuế đến năm 2015 là tối thiểu 50% doanh nghiệp khai thuế qua mạng, ngành hải quan cũng sẽ có 500.000 doanh nghiệp phải gửi tờ khai, dịch vụ ngân hàng trực tuyến đang phát triển nhanh cũng là đối tượng quan trọng của dịch vụ này... |
Năm ngoái Intel đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên được chấp nhận sử dụng chữ ký số tại Việt Nam do VeriSign (Mỹ) cấp để khai báo hải quan điện tử. Đây là trường hợp ngoại lệ đầu tiên vì các dịch vụ chữ ký số của doanh nghiệp nước ngoài chỉ được công nhận khi nhà cung cấp dịch vụ của họ đã được cấp phép hoạt động trong nước.
Để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, Chính phủ đã chấp nhận để Intel hưởng cơ chế đặc biệt trong các giao dịch đã đăng ký với bộ Tài chính. Trường hợp Intel cho thấy sự bất cập của dịch vụ chữ ký số còn non trẻ ở Việt Nam.
Theo ông Đào Đình Khả, trung tâm Chứng thực chữ ký số quốc gia, thì nhu cầu công nhận chứng thư số nước ngoài có những đặc thù xuất phát từ nhu cầu thực tế như trường hợp Intel. Và có thể các công ty nước ngoài khác cũng sẽ có nhu cầu như Intel. Trong khi các CA Việt Nam hiện nay bị hạn chế vì chữ ký số của Việt Nam chưa được công nhận trên thị trường quốc tế.
Tiêu chuẩn để CA được quốc tế công nhận là ngoài sự chấp nhận của các tổ chức chứng thư quốc tế, các cam kết quốc gia, còn các yêu cầu về nền tảng, trình duyệt tương thích; chứng thư số cho khách hàng phải được bảo hiểm bởi một công ty bảo hiểm… Các CA công cộng Việt Nam hiện chưa sẵn sàng cho các điều kiện này. Chưa kể những loại chứng thư đặc biệt như codesigning và SSL, khi có nhu cầu người dùng Việt Nam thường sử dụng chứng thư nước ngoài vì nhà cung cấp trong nước chưa có khả năng cung cấp.
Ông Cao Đức Độ, trưởng phòng kinh doanh dịch vụ băng rộng và các dịch vụ gia tăng VDC, thì cho rằng phát triển chữ ký số toàn cầu là tất yếu theo lộ trình kết nối với cộng đồng chữ ký số thế giới.
Nếu không có lộ trình cụ thể để chữ ký số Việt Nam được công nhận có giá trị quốc tế, sẽ là một khó khăn cho cả nhà cung cấp lẫn doanh nghiệp.
Theo SGTT
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế 2024- Dự báo 2025: Xuất khẩu thuỷ sản về đích 10 tỷ USD
FPT Nhật Bản đạt danh hiệu nơi làm việc tốt nhất
Quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất