Khô khát Tây Nguyên: Hồ cạn, giếng trơ, cây cháy
Đặc điểm khí hậu nhiệt đới xavan của Tây Nguyên xưa nay vẫn tách biệt rõ rệt hai mùa mưa nắng, nóng khô nhất vào hai tháng ba, tư. Tuy nhiên, sự đối lập mưa - nắng hai mùa đang ngày càng nghiệt ngã.
Hệ quả khốc liệt của biến đổi khí hậu, suy giảm vốn rừng, tăng dân số quá nhanh cho thấy cần có những giải pháp cấp bách để chống hạn, bảo đảm cho Tây Nguyên phát triển theo hướng bền vững, cân bằng.
Kỳ I: Khô khát từ nội đến ngoại thành
Nửa đêm canh nước!
Hàng trăm hồ đập, sông suối khô cạn; lượng nước ngầm sụt giảm nghiêm trọng không chỉ làm cho hàng chục nghìn héc ta cây trồng khô hạn, chết cháy mà còn đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống người dân khi lượng nước sinh hoạt ngày càng thiếu.
Nhiều tuyến phố nội thành Buôn Ma Thuột - đô thị sầm uất nhất Tây Nguyên đang chịu cảnh cúp nước luân phiên. Có nơi, ngày không cúp nhưng nước vẫn chảy yếu, thậm chí nhỏ giọt. Chị Nguyễn Thị Ngọc Lan ở phường Tân Tiến than: Nước máy cúp liên tục khiến sinh hoạt gia đình tôi bị đảo lộn. Ăn uống, giặt giũ phải tằn tiện hết mức, thậm chí tắm chỉ dội qua qua. Nhà sát bên, chị Lê Ngọc Ân kể: Cả tháng nay, tôi thường xuyên dậy từ 2 giờ sáng để hứng nước dùng. Nhà có bồn nhưng nước máy yếu quá, không bơm lên nổi nên tôi phải mua thùng nhựa 200 lít để đựng.
Nước dùng cho sinh hoạt gia đình đã thiếu, nước phục vụ kinh doanh lại càng khan hiếm. Chị Nguyễn Thị Thu, chủ tiệm tóc trên đường Y Moan Enuôl, phường Tân Lợi buồn bã : Mấy tháng nay tôi chẳng làm ăn gì được vì thiếu nước. Mùa nắng, khách đến gội đầu nhiều nhưng nước cúp liên tục. Muốn uốn, ép, nhuộm, duỗi gì cũng cần nước, nên tiệm cứ làm được một ngày lại nghỉ một ngày, theo y như lịch cúp nước vậy.
Bà Trần Thu Trang, chủ quán cơm cùng phường Tân Lợi bày tỏ: Nhà tôi bán cơm nhưng mấy tháng nay phải tiết kiệm từng ca nước. Hôm nào tôi cũng phải dậy từ đêm rửa thịt, rau củ, nấu cơm trước chứ đến sáng nước chảy yếu nấu không kịp bữa. Nhà có bao nhiêu thau, chậu, xô tôi tận dụng đựng hết. Phục vụ quán cơm nên quần áo, bát đũa ở nhà toàn để dồn lại, chờ đến ngày không bị cúp nước mới giặt, rửa.
Giếng cạn, nguồn khô!
Ngoại thành Buôn Ma Thuột, vấn nạn khô khát đang đà cao điểm. Trong làng, phần lớn các giếng cạn khô nên nhiều nơi đồng bào tản ra những đoạn suối còn bóng cây xanh. Mới sáng sớm, nhưng con suối nhỏ trong buôn Kbu, xã Hòa Khánh chật kín người đến lấy nước, giặt giũ, chờ đến lượt.
Vừa tắm cho đứa con nhỏ, chị H’Im Êban góp chuyện: Trước đây nhà tôi thoải mái xài nước vì có giếng sâu 20 m rất nhiều nước. Nhưng mùa khô năm nay, lần đầu tiên thấy giếng cạn trơ đáy. Hằng ngày mấy mẹ con thay nhau ra đây tắm, giặt rồi gùi nước về để dùng.
Không chỉ người dân thành phố thiếu nước mà các huyện trên địa bàn tỉnh cũng oằn mình chống chọi với cơn đại hạn. Đánh chiếc máy cày chở theo 4 thùng nhựa đi lấy nước, chị H’ Luyt Niê ở buôn Ea Na, huyện Krông Ana thở dài: Ngày nào vợ chồng tôi cũng phải đi hơn 5 cây số xin nước về sinh hoạt. Cả nhà 8 người phải tiết kiệm lắm mới đủ dùng. Nhà có 2 sào cà phê đành bỏ cháy vì không có nước tưới.
Tình cảnh của bác Trần Văn An ở xã Dray Sáp không hơn gì, khi vừa phải tìm nước sinh hoạt, vừa lo nước cứu 2 ha cà phê có nguy cơ chết khô. Bác cho biết: Đây là cái giếng thứ 8 tôi thuê người khoan tìm nguồn nước nhưng bất lực. Những năm trước, khoan 60m là có nước dùng nhưng năm nay khoan đến 90m vẫn không có. Cực chẳng đã, tôi lặn lội gần trăm cây số xuống thị xã Buôn Hồ mời thầy địa lý về chọn vị trí để khoan. Hiện tại, đã khoan được 50m vẫn toàn gặp đá xanh. Thầy bảo cứ tiếp tục khoan sẽ có nước. Mệt quá rồi nhưng phải cố, hy vọng lần này sẽ gặp may (!?)
Hàng trăm hộ dân buôn Tơ Lơ, buôn Cuãh khát nước không kém. “Cả 2 buôn có 396 hộ gia đình đều thiếu nước sinh hoạt. Mặc dù, buôn Cuãh có công trình nước sạch đầu tư cả tỷ đồng nhưng chỉ đáp ứng được 69/149 hộ. “ Hai tháng nay, các hộ dân này cũng phải ra bến lấy nước vì giếng khoan đã cạn từ lâu khiến công trình nước sạch phải ngừng hoạt động”- ông Y Bom Niê, Bí thư chi bộ buôn Cuãh cho biết.
Tương tự, tại huyện Krông Bông cũng có hơn 1.400 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, tập trung ở các xã Yang Reh, Hòa Lễ, Khuê Ngọc Điền, Ea Trul, Hòa Thành và Cư Kty. Ngày ngày, hàng trăm hộ ở các xã phải dùng máy cày, xe trâu, gùi, gánh đi hàng mấy cây số để xin hoặc mua nước về dùng. Ông Nguyễn Văn Bình (xã Yang Reh) kể: Cả tháng nay, trong buôn chia nhau cử người đi tìm nguồn nước nhưng khan hiếm lắm. Nhà tôi phải đi mua nước về dùng, giá một can 10 nghìn đồng. Ngày tiết kiệm nhất cũng hết 5 can. Tốn kém mà đi lại vất vả, nhiều hôm tôi nhịn tắm luôn!
Thời tiết nóng nực, hanh khô song cả người lớn lẫn trẻ em đều phải hạn chế tắm, bát đũa, quần áo nhà nào cũng chất đầy chậu chờ nước.
Hối hả cứu cây
Trong cái nắng như thiêu đốt, hàng nghìn nông dân vẫn gồng mình chống hạn bằng nhiều cách có thể như: tận dụng nước hồ, đập, khe suối, đào giếng… nhưng nguồn nước cứ vơi dần. Nhiều hộ không quản ngày đêm để tranh thủ chắt chiu từng giọt nước tưới cây.
Mới đầu tháng tư, hồ Ia Mơ Nông ( xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah tỉnh Gia Lai), rộng gần 70 ha, vốn nổi tiếng với nguồn nước mênh mông “không bao giờ cạn”, nay trơ đáy, có thể chạy xe máy dưới lòng hồ mà không dính một tí bùn đất. Chị H’rin ở làng A ngỡ ngàng: “Mình ở đây đã nhiều năm, chưa bao giờ thấy hồ khô nước. Hàng chục hộ trồng cà phê quanh đây đều chuyển sang đào giếng mới có nước tưới cây. Giếng nhà mình sâu hơn chục mét cũng cạn, phải xin tưới nhờ nước nhà hàng xóm, mỗi lần tưới khoảng 15 phút là cạn. Mình có 2 sào cà phê mà tưới gần 10 ngày chưa xong”.
Hộ anh Ayil rơi vào tình cảnh éo le hơn, gần 1 ha cà phê thiếu nước đành phó mặc cho trời. Ayil bảo: “Do nước không đủ nên lâu nay mới tưới 2 đợt, đào giếng thì gặp đá. Nếu hết nước, không gặp mưa xuống chắc là bỏ vườn cà phê chết khô”.
Cách đó không xa, hơn 12 giờ trưa, Rơ Châm Khúc cùng 5 thanh niên trong làng vẫn hì hục đào giếng. “Tính cả cái giếng này thì năm nay mình đã đào 3 cái, nếu không nhanh chóng thì cà phê khô lá, chết cành hết ”.
Theo chị Trần Thị Thùy Dung - Cán bộ địa chính nông nghiệp xã Ia Mơ Nông: toàn xã đang bị thiếu nước trầm trọng, các kênh mương đào dẫn nước đều đã khô cạn. Nhiều vùng lúa như Ia Phun, Ia Dao, Ia An Nhôn… đều bị khô cháy, thả cho bò ăn, thiệt hại gần 70ha. Giếng đào trên địa bàn 100% bị cạn nước, nhiều hộ chuyển sang đào giếng khoan mới đủ nước tưới. Hiện chỉ khuyến cáo cho bà con tưới nước “chống cháy” để nuôi cây qua mùa hạn.
Tại huyện Krông Pa – nơi được xem là “rốn hạn” của tỉnh Gia Lai, nắng hạn vẫn diễn ra khốc liệt. Thiệt hại nặng nhất rơi vào những cánh đồng như: Ia R’mok, Uar, Đất Bằng, Chư Drăng… chưa được đầu tư hệ thống thủy lợi với diện tích gần 60 ha lúa bị thiệt hại.
Ở Kon Tum, tình trạng hạn có vẻ nhẹ hơn, cũng nhờ độ che phủ của rừng lớn hơn những tỉnh lân cận. Tuy nhiên, ông Đinh Quang Hiền - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão Kon Tum vẫn khẳng định, nếu đến hết tháng 4/2015 không có mưa thì diện tích bị thiệt hại có thể lên đến hơn 1.000 ha.
(Còn nữa)
Theo thống kê sơ bộ của Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, hiện toàn tỉnh có gần 32.000 ha đất canh tác bị khô hạn, trong đó trên 6.000 ha lúa nước, hơn 23.000 ha cà phê và các loại cây trồng khác, hơn 3.000 hộ dân ở thành phố, các huyện trên địa bàn tỉnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Còn Sở NN&PTNT Gia Lai xác nhận toàn tỉnh có hơn 8.300 ha cây trồng bị hạn nặng. Trong đó, diện tích cà phê chiếm hơn 5.000 ha, lúa hơn 2.500 ha. Thiệt hại riêng về nông nghiệp quy ra tiền riêng ở 2 tỉnh này tới nay đã trên 1.100 tỷ đồng.
Theo Tiền phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo