Thị trường

Khó ngăn lách thuế

Thuế thu nhập cá nhân với chuyển nhượng chứng khoán và bất động sản còn nhiều bất cập.

Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), đối với chuyển nhượng BĐS, thuế suất là 25% trên thu nhập (giá bán trừ giá vốn và các chi phí liên quan); hoặc nộp thuế 2% trên giá bán nếu không xác định được giá vốn, các chi phí liên quan và có chứng từ chứng minh. Đối với chuyển nhượng chứng khoán, Luật quy định 2 phương pháp thu thuế theo thuế suất 20% trên thu nhập năm (giá bán - giá mua và các chi phí liên quan), hoặc 0,1% trên giá bán từng lần nếu không xác định được giá vốn, các chi phí liên quan và có chứng từ chứng minh...

 
Bộ Tài chính cho rằng, các quy định nêu trên phát sinh bất cập là không tính đến yếu tố trượt giá của BĐS qua các năm khi thực hiện thu thuế 25% trên thu nhập từ chuyển nhượng BĐS. Hoặc trường hợp thị trường sụt giảm, NĐT chứng khoán bị lỗ nhưng do không đăng ký phương pháp tính thuế từ đầu năm theo quy định nên dù lỗ vẫn phải nộp thuế theo mức 0,1% trên giá trị mỗi lần chuyển nhượng.
 
Để khắc phục bất cập trên, Nghị định 65/2013/NĐ-CP và Thông tư 111/2913/TT-BTC quy định đối với chuyển nhượng chứng khoán, đến cuối năm nếu cá nhân chuyển nhượng chứng khoán có yêu cầu quyết toán thuế theo thuế suất 20% trên thu nhập thì thực hiện khai quyết toán thuế trực tiếp với cơ quan thuế (bỏ quy định phải đăng ký với cơ quan thuế từ đầu năm). Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc quy định như hiện hành nêu trên dẫn đến còn có cách hiểu khác nhau, gây vướng mắc trong quá trình thực hiện. Vì vậy, để minh bạch về chính sách, tránh vướng mắc trong thực hiện, do vậy cần phải sửa đổi, bổ sung các quy định này.
 
Theo thống kê của Bộ Tài chính, thực tế hiện nay số thu của từng phương pháp đã được cụ thể hoá khá rõ. Theo đó, số nộp ngân sách Nhà nước từ chuyển nhượng chứng khoán năm 2012 là 132 tỷ đồng, năm 2013 là 137 tỷ đồng, trong khi số trường hợp áp dụng thuế suất 20% năm 2012 chỉ 2 trường hợp, còn năm 2013 là 11 trường hợp. Số liệu này cho thấy, số thuế TNCN từ chuyển nhượng chứng khoán là không cao và số trường hợp áp dụng thuế suất 20% rất ít.
 
Đối với số thu từ chuyển nhượng BĐS, sự chênh lệch việc lựa chọn hình thức nộp thuế TNCN càng rõ ràng hơn. Theo đó, năm 2012, số nộp ngân sách từ chuyển nhượng BĐS là 3.715 tỷ đồng, trong đó số nộp theo thuế suất 2% chiếm tới 98%, đạt 3.640 tỷ đồng, trong khi nộp với thuế suất 25% chỉ chiếm 2%, đạt 75 tỷ đồng. Năm 2013, tỷ lệ lựa chọn phương pháp tính thuế cũng tương tự khi số nộp ngân sách từ chuyển nhượng BĐS là 3.486 tỷ đồng, trong đó số nộp với thuế suất 2% chiếm tới 98%, đạt 3.416 tỷ đồng, nộp với thuế suất 25% chỉ chiếm 2%, đạt 70 tỷ đồng.
 
Giải thích về việc người nộp thuế chuyển nhượng chứng khoán 20% rất ít, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho biết, lý do vì việc giữ các chứng từ quyết toán rất khó. “Ngay khi chuyển nhượng họ đã nộp 0,1% mỗi lần chuyển nhượng, nhưng để nộp 20% vào cuối năm họ phải giữ tất cả chứng từ thì rất mất công, nên hầu hết người dân mong muốn khấu trừ 0,1% cho xong. Chỉ những người nào ngày xưa họ mua cổ phiếu ngân hàng giá cao mà còn giữ hoá đơn chứng từ, giờ họ bán giá chứng khoán giảm và lỗ quá họ mới bắt buộc làm quyết toán để không phải nộp thuế mà còn lấy lại tiền thuế đã nộp”, bà Cúc nói. Song, câu hỏi đặt ra là lựa chọn này khó có thể lấp được kẽ hở chống lách thuế TNCN hay không?
 
Với BĐS, theo thông lệ thuế TNCN người bán sẽ chịu, lệ phí trước bạ người mua chịu và cả hai mức nộp trong trường hợp này đều dựa trên giá chuyển nhượng. Lệ phí trước bạ được tính bằng 0,5% giá chuyển nhượng và giá này không được thấp hơn giá đất do UBND cấp tỉnh, thành phố quy định áp dụng tại thời điểm trước bạ. Nhưng khi giá chuyển nhượng theo quy định vẫn thấp hơn thực tế, người bán và người mua đều có lợi là đều chỉ phải nộp một số tiền thấp hơn.
 
Giả sử, mua một miếng đất 80 m2 có giá thực tế 4,5 tỷ đồng, nhưng giá thoả thuận chỉ là 800 triệu đồng và giá này phù hợp với quy định của UBND cấp tỉnh, thành phố. Nếu tính theo giá thực tế, thuế TNCN sẽ là 90 triệu đồng, lệ phí trước bạ là 22,5 triệu đồng. Còn tính theo giá hợp đồng mua bán được thỏa thuận nói trên, thuế TNCN chỉ phải đóng 16 triệu đồng và lệ phí trước bạ 4 triệu đồng. Như vậy chênh lệch thuế TNCN giữa thoả thuận và thực tế lên đến 74 triệu đồng và lệ phí trước bạ là 18,5 triệu đồng.
 
Chính vì thế, việc thỏa thuận một giá mua bán thấp hơn thực tế là việc làm rất dễ được thực hiện. Thông thường, giá mua bán thỏa thuận tốt nhất là bằng với giá của UBND tỉnh, thành phố quy định. Nếu mỗi năm có hàng nghìn giao dịch như vậy được thực hiện, số thất thu ngân sách Nhà nước là rất lớn.
Theo TBNH
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo