"Quái vật chimera" nửa người, nửa khỉ hoài thai thành công, sống được 20 ngày
Hàng loạt thiên thể đỏ biến thành màu xanh trong "quái vật" chứa Trái Đất / 'Lời cảnh báo' cho Trái Đất từ hàng loạt hành tinh khác gần lỗ đen quái vật
Tờ Independent gọi sinh vật vừa được hoài thai này là "chimera", danh từ mà thần thoại Hy Lạp dùng để chỉ những quái vật lai tạo giữa 2 loài trở lên. Theo Independent, nghiên cứu này đã gây một cuộc tranh cãi lớn về đạo đức.
Theo Live Science, nhóm khoa học gia đã thí nghiệm bằng cách tiêm 25 tế bào gốc của người vào phôi khỉ đang phát triển, và kết quả là những đứa con lai đã sống sót được 20 ngày dưới dạng phôi rong các đĩa thí nghiệm. Thí nghiệm này không chỉ nhằm tạo ra một con khỉ mang tế bào người, mà còn gia tăng sự tương tác của tế bào người và động vật trong phôi, từ đó tạo ra một con khỉ sống mang nhiều nội tạng của con người.
Phôi thai "chimera" khỉ - người - Ảnh: Đại học Khoa học và công nghệ Côn Minh
Tờ Science Magazine cho biết trước đây các nhà khoa học đã cố gắng kết hợp các tế bào gốc của con người vào phôi thai heo và cừu, cũng với mục tiêu cuối cùng là phát triển các cơ quan nội tạng của con người trong vật nuôi để sử dụng trong các ca phẫu thuật cấy ghép, tuy nhiên sau đó rất ít tế bào con người sống sót được trong cơ thể vật thí nghiệm.
Tác giả cấp cao Juan Carlos Izpisúa Belmonte, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Sinh học Salk ở La Jolla, California (Mỹ) trao đổi với Live Science qua e-mail rằng tỷ lệ sống thấp có thể là do heo và cừu không có quan hệ mật thiết với con người. Ví dụ như heo và người đã tách nhau ra khỏi tổ tiên chung tận 90 triệu năm trên cây sự sống.
Tuy nhiên khoảng cách tiến hóa giữa người và khỉ nhỏ hơn nhiều nên hiệu quả của việc tích hợp các tế bào gốc của con người trong chimera tương đối cao.
Trong thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã chuyển phôi nang khỉ đang phát triển vào các đĩa trong phòng thí nghiệm và sử dụng tia laser để loại bỏ lớp phủ bên ngoài trong suốt của chúng, được gọi là zona pellucida. Nếu không có zona pellucida nguyên vẹn, các phôi nang bám vào đĩa thí nghiệm mà chúng được đặt vào, phần nào bắt chước cách chúng cấy vào thành tử cung. Sau đó, nhóm áp dụng kỹ thuật phát triển bởi nhà khoa học Weizhi Ji (Đại học Khoa học và công nghệ Côn Minh, Trung Quốc, đồng tác giả), giúp phôi khỉ tồn tại trong 20 ngày ngoài cơ thể mẹ, nhờ việc điều chỉnh các dung dịch nuôi cấy bao quanh tế bào.
Trong số 132 phôi được thí nghiệm, 111 phôi đã làm tổ thành công vào đĩa thí nghiệm, 103 phôi sống được 10 ngày, đến ngày thứ 20 còn 3 phôi sống sót. Chưa kể, một nửa phôi sống sót ở ngày thứ 9 vẫn chứa tế bào người, ở ngày thứ 13 vẫn có 1/3 còn chứa tế bào người. Trong các thí nghiệm tạo chimera trước đó, thường tế bào người sẽ bị phôi động vật đào thải, vì thế có thể nói các sinh vật người – khỉ sống được đến ngày thứ 20 ở dạng phôi là một đột phá lớn.
Các tác giả phát hiện ra rằng khác với các phôi "thuần chủng", phôi chimera đã "bật" các gene bổ sung, tạo ra một bộ protein khác, tham gia vào quá trình "giao tiếp" giữa tế bào khỉ và người, giúp tế bào người tồn tại bền vững. Nghiên cứu sâu hơn con đường "giao tiếp" này là chìa khóa giúp khỉ - người thực sự được ra đời trong tương lai.
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học bày tỏ mối lo ngại. Nhà sinh học tế bào Alejandro De Los Angeles từ trường Y khoa thuộc Đại học Yale (Mỹ), người không tham gia nghiên cứu, nói với Live Science rằng nghiên cứu này có thể dẫn đến những tiến bộ thú vị trong khoa học y tế, nhưng vẫn có những lo ngại về đạo đức cần giải quyết: liệu điều này có dẫn đến việc "nhân hóa" chimera hay không? Các chimera khi ra đời có thể nhận thức như con người hay không?
End of content
Không có tin nào tiếp theo