Chất lượng công bố quốc tế về nghiên cứu cơ bản của nhà khoa học Việt còn thấp
Nghiên cứu thành công phương pháp phát hiện nhanh methanol bằng thiết bị cảm biến / 20 triệu USD đầu tư Trung tâm Nghiên cứu và lưu trữ mô - tế bào gốc tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, tại Việt Nam, từ đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, Đảng và Nhà nước đã sớm nhận thức về tầm quan trọng của việc đầu tư cho nghiên cứu cơ bản.
Trong hơn 10 năm gần đây, nhất là từ khi Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) ra đời và đi vào hoạt động, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam ngày càng tăng mạnh, nâng cao rõ rệt vị trí xếp hạng của khoa học Việt Nam trên thế giới.
“Năm 2009, Việt Nam công bố 1.768 bài báo khoa học, xếp thứ 65 trên thế giới. Năm 2021, Việt Nam đã vươn lên vị trí 45 trên thế giới, với 18.381 bài báo được công bố. Số lượng công trình công bố quốc tế của các nhà khoa học Việt Nam tăng trung bình trên 20%/năm”, ông Đạt cho biết.
Đến nay, phần lớn kết quả nghiên cứu cơ bản của Việt Nam đã được công bố theo thông lệ quốc tế, nhiều kết quả đã vượt qua các đánh giá phản biện quốc tế độc lập khắt khe, có tính cạnh tranh cao đề được đăng tải trên những tạp chí khoa học uy tín nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, bên cạnh những tiến bộ đạt được rất đáng khích lệ, nghiên cứu cơ bản ở Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức và hạn chế.
Đó là hoạt động đầu tư kinh phí cho nghiên cứu chưa thỏa đáng và còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm.
“Kết cấu hạ tầng phục vụ nghiên cứu mới chỉ ở mức trung bình. Năng suất và chất lượng công bố quốc tế chung của các nhà khoa học Việt Nam còn thấp. Tỷ lệ nhà khoa học có bằng tiến sĩ trong tổng số cán bộ nghiên cứu toàn thời gian tại các cơ sở nghiên cứu, giáo dục đại học còn thấp.
Hiện còn thiếu các cán bộ đầu ngành đủ năng lực chủ trì các nhiệm vụ nghiên cứu ở tầm quốc tế, quy mô lớn”, ông Đạt chỉ rõ.
Thực trạng này đặt ra các thách thức rất lớn cho lực lượng khoa học và công nghệ, trong đó có lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, hội nhập và cạnh tranh quốc tế khắc nghiệt; năng lực quốc gia đang phụ thuộc lớn về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 569/QĐ-TTg ban hành “Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030”.
Quyết định đã xác định cần xây dựng nền khoa học cơ bản hiện đại, chú trọng nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng để tiến tới sáng tạo, tự chủ và cạnh tranh về công nghệ ở những lĩnh vực then chốt mà Việt Nam có nhu cầu, tiềm năng và lợi thế.
Đây chính là giải pháp quan trọng để thúc đẩy sự phát triển đồng bộ các ngành khoa học và công nghệ nói chung và hoạt động nghiên cứu cơ bản nói riêng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo