Chuyên gia dịch tễ khuyến cáo Hà Nội cần nhanh chóng tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người trên 65 tuổi
Cần Thơ đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ ký kết hợp tác giai đoạn 2021-2025 / Windows 11 sẽ ra mắt ngày 5/10, có hàng chục tính năng nổi bật
Ngày 3/9/2021, UBND Hà Nội công bố phân vùng chống dịch COVID-19 theo mức độ nguy cơ. Thời gian thực hiện từ 6h ngày 6/9 đến 6h ngày 21/9. Hầu hết khu vực nội thành Hà Nội nằm trong vùng nguy cơ cao nên phải tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân, chuyên gia dịch tễ học Nguyễn Thu Anh cho rằng, với diễn biến dịch bệnh phức tạp có nguy cơ lan rộng Hà Nội cần chủ động thay đổi chiến thuật chống dịch. Nữ chuyên gia nhấn mạnh điều nhanh nhất và hiệu quả nhất đó là: Hà Nội cần nhanh chóng chỉ tiêm vaccine cho những người trên 65 tuổi, bao phủ hết nhóm người lớn tuổi xong mới tiêm cho nhóm khác.
Chuyên gia dịch tễ khuyến cáo Hà Nội nên nhanh chóng tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người trên 65 tuổi. Nguồn ảnh: Internet
Cùng với đó là chuẩn bị hệ thống điều trị, đưa toàn bộ hệ thống y tế vào cuộc, đưa các tiêu chuẩn vào viện theo phân chia từng tuyến, kiên quyết không đưa bệnh nhân không cần oxy vào viện, lập cả tổ y tế kết hợp với xã phường chăm sóc tại nhà cho các F0 chưa cần oxy. Lập mạng lưới điều trị với sự tham gia của toàn bộ hệ thống không phân biệt công - tư. Tránh tất cả các loại bệnh viện dã chiến sinh ra chỉ để cách ly là lãng phí và thậm chí nguy hiểm.
Chuẩn bị oxy, thật nhiều oxy lỏng (cố định và lưu động); van bình oxy, ống dẫn và van chia nhánh; trữ thật nhiều thuốc được chia sẵn thành các gói điều trị để khi cần là dùng ngay; chuẩn bị thật nhiều khẩu trang N95, nhiều nữa.
Kết hợp với các trường đại học đào tạo trực tuyến cho tất cả các bệnh viện, y tế xã phường, đội ngũ cộng tác viên cách xử trí F0 khi có số lượng lớn. Cho phép các bệnh viện chưa điều trị COVID-19 cả công và tư được tham gia điều trị. Thiết lập các đội ngũ cứu trợ cộng đồng, hỗ trợ chăm sóc tại bệnh viện, vận chuyển để khi cần có thể huy động ngay.
"Thiết lập ngay cơ chế điều phối hàng hóa, thuốc, nhân lực và chuyển viện. Đây là bài toán khó và khi sai thì toàn bộ các chuẩn bị phía trên đều không tác dụng", nữ chuyên gia nhấn mạnh.
Trước đó, chuyên gia Nguyễn Thu Anh cũng đề xuất, TP Hà Nội và quận Thanh Xuân Trung cần thay đổi chiến thuật chống dịch ngay lập tức. Theo đó, cần đề nghị “viện binh” từ các trường đại học, cơ sở y tế lập team lưu động đi tiêm vaccine cho dân thật nhanh, trong lúc đội ngũ y tế phường đi chống dịch. Đề nghị “viện binh” từ công an, quân đội từ ngoài vào quản lý phong tỏa, vì lực lượng địa phương mỏng, họ không thể làm hết việc. Tính ra thì tỷ lệ ca nhiễm trong khu vùng đỏ ở Thanh Xuân Trung là 640/100.000 dân rồi, nên không còn chờ gì nữa mà không bao khu vực này lại, "nội bất xuất, ngoại bất nhập" và phong tỏa chặt để tranh thủ tiêm vaccine.
Chuyên gia Nguyễn Thu Anh cũng đưa ra đề xuất, Hà Nội cần ngay lập tức triển khai cách ly F1 và quản lý F0 tại nhà cho những gia đình có đủ điều kiện. Ở các khu quá chật hẹp, đưa các gia đình đi cách ly tập trung tại khu cách ly đảm bảo được mỗi gia đình 1 phòng khép kín để tránh lây chéo. Phong tỏa chặt tâm dịch lại rồi cách ly, điều trị, hỗ trợ thực phẩm bên trong. Khu xung quanh vừa xét nghiệm sàng lọc, vừa tiêm vaccine.
Lập tổ y tế cho từng khu vực dân cư (nhỏ hơn đơn vị phường), không đủ cán bộ y tế công thì kêu gọi cán bộ y tế tư, dược sĩ, điều dưỡng... sinh sống trong khu lập team. Tập huấn cho y tế phường và các phòng khám, bệnh viện tư trên địa bàn, các tổ y tế để họ có thể quản lý F1 và F0 tại nhà.
Xây dựng các bể oxy lỏng tại bệnh viện tuyến quận/huyện trở lên, trạm oxy lưu động tại cộng đồng, và dự trù các thiết bị đi kèm như bình đựng, van, ống nối… Mua và trữ cơ số thuốc điều trị và các thuốc hỗ trợ, vật tư y tế cho kịch bản nhiều ca nhiễm.
Xây dựng nhóm điều phối y tế (kết nối hỗ trợ), an sinh ngay lập tức. Kêu gọi và đào tạo tình nguyện viên đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine. Lúc cần thì họ sẽ tham gia hỗ trợ rất nhiều việc. Chuẩn bị cho kế hoạch cung ứng hàng hóa số lượng lớn và trong thời gian dài.
Nữ chuyên gia cũng cho rằng Hà Nội cần làm sao để tiền phòng dịch vào tài khoản của cơ sở, đừng vì lý do "quy trình" mà làm chậm trễ, vì cái giá phải trả sẽ rất lớn nếu chỉ chậm một vài ngày. "TP Hà Nội hãy đổ vaccine, cán bộ y tế về đây đi, vì khối lượng công việc đã bắt đầu lớn rồi", chuyên gia Nguyễn Thu Anh nói.
Sở Y tế Hà Nội hôm 3/9 đã có văn bản yêu cầu CDC Hà Hội và các viện trực thuộc và các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, đối với hơn 80,7 nghìn liều vaccine của hãng Pfizer mà thành phố vừa được phân bổ, ưu tiên tiêm cho người mắc bệnh mãn tính, người trên 65 tuổi và phụ nữ đang mang thai từ 13 tuần trở lên. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo