Khoa học - Công nghệ

Giáo viên chịu áp lực nhiều nhất từ các công việc hành chính

DNVN - Một nghiên cứu về nhóm đối tượng là giáo viên THPT ở TP Hồ Chí Minh cho kết quả, các thầy cô chịu áp lực nhiều nhất từ các công việc hành chính, khối lượng công việc, áp lực liên quan đến chuyên môn, rồi đến áp lực từ ứng xử, thái độ của học sinh, và cuối cùng là áp lực kinh tế.

20 ứng viên vào vòng bình chọn trực tuyến giải thưởng Khoa học Công nghệ Quả Cầu Vàng 2021 / Đổi mới công nghệ nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm của cá tra

Mới đây, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học “Ảnh hưởng của môi trường nhà trường đến sự thỏa mãn nghề nghiệp của giáo viên trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh” đã được tiến hành thông qua nguồn dữ liệu là các hồi đáp (từ bản hỏi) thu trực tiếp từ các giáo viên thuộc 7 trường THPT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh do TS. Phạm Thị Hương (Viện Nghiên cứu Giáo dục - Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh) làm chủ nhiệm đề tài. Trong tổng số kết quả thu được, có 4.038 hồi đáp đạt yêu cầu cho phân tích.

TS. Phạm Thị Hương cho biết, hiện nay, giáo viên đóng nhiều vai trò, như người thiết kế và hướng dẫn học sinh, thậm chí từng học sinh, thông qua các cơ hội học tập; như người hợp tác/cộng tác với học sinh thông qua việc áp dụng công nghệ, phương pháp và kỹ thuật mới và liên tục thay đổi trong dạy và học; như người tư vấn giúp học sinh thu thập, xử lý, xét đoán, phê phán, chọn lọc thông tin hữu ích, đúng đắn.

Giáo viên được xem là một nghề đầy thách thức và nhiều áp lực.

Giáo viên được xem là một nghề đầy thách thức và nhiều áp lực.

Theo đó, trách nhiệm quan trọng nhất của nhà giáo là tìm ra và kiến tạo các kinh nghiệm giáo dục cho phép học sinh giải quyết các vấn đề của thế giới thực và thể hiện các ý tưởng lớn, kỹ năng mạnh, khí chất và tư duy đạt chuẩn giáo dục. Nhà giáo còn phải gương mẫu và tạo cảm hứng cho học tập suốt đời. Do đó, dạy học được xem là một nghề đầy thách thức và nhiều áp lực.

Áp lực công việc được nhóm nghiên cứu chỉ ra bao gồm nhiều yếu tố, chủ yếu là áp lực hành chính, thái độ và ứng xử của học sinh, áp lực chuyên môn, và việc dạy thêm. Đáng mừng là dù có áp lực nhưng gần như tất cả giáo viên được phỏng vấn (trừ một trường hợp) không bị áp lực quá đến nỗi phải sử dụng liệu pháp trị liệu nhằm giảm căng thẳng. Từ đó họ cũng chia sẻ cách cân bằng cuộc sống và công việc. Khi chia sẻ về mức độ áp lực của các loại hình áp lực khác nhau, hầu hết giáo viên đề cập nhiều nhất đến áp lực hành chính, kế đến là khối lượng công việc và chuyên môn, rồi mới đến ứng xử và hành vi của học sinh, cuối cùng là vấn đề kinh tế (lương). Trong đó, áp lực hành chính (mặc dù không liên quan nhiều đến giảng dạy) nhưng được cho rằng chính là áp lực lớn nhất trong công tác giảng dạy.

Báo cáo cũng lấy ý kiến của nhóm học sinh, đề cập đến phương pháp dạy học, điểm số và hoạt động ngoại khóa. Học sinh có xu hướng đồng ý làm thêm bài tập ở nhà là tốt nhưng mong muốn đổi mới hình thức tự học ở nhà như làm bài tập nhóm, dự án, tự tìm hiểu theo chủ đề của bài học thay vì giải đề và các bài tập như ở trên lớp. Học sinh thích các giá trị của hoạt động ngoại khóa, kỳ vọng được đổi mới phương pháp dạy học và cải tiến cách kiểm tra đánh giá.

Cần nâng cao vài trò và sự thỏa mãn nghề ở giáo viên trung học phổ thông.

Cần nâng cao vài trò và sự thỏa mãn nghề ở giáo viên trung học phổ thông.

Tuy nhiên, việc thay đổi phương pháp giảng dạy không hề dễ dàng khi 3 yếu tố (gồm việc học thêm, tình trạng học lệch và phong cách học thụ động) dường như đã phản ánh toàn cảnh bức tranh về việc học của học sinh ở các trường THPT hiện nay. Áp lực thi cử theo từng nhóm môn dẫn đến việc học lệch của học sinh thiên về định hướng thi tốt nghiệp phổ thông và lấy điểm xét tuyển đại học. Theo nhóm nghiên cứu, có lẽ áp lực điểm số, thành tích đang là vấn đề cần nghiên cứu sâu để có thể kiến nghị chính sách vĩ mô liên quan. Việc dạy và học khó có thể đổi mới nếu như cấu phần còn lại là kiểm tra đánh giá, thi cử, các kỳ thi mang tính giải trình cao chưa đổi mới. Những nỗ lực đào tạo bồi dưỡng phương pháp dạy học mới cho GV sẽ chỉ là phần ngọn và khó áp dụng vào hoạt động dạy học hằng ngày.

Kết quả phỏng vấn giáo viên về sự hài lòng với nghề giáo cho thấy có 2 yếu tố chính: Lòng yêu nghề (được làm nghề đã chọn) và sự gắn kết với học sinh (bao gồm sự thành công của học sinh và mối quan hệ tình cảm với học sinh). Những yếu tố khác bao gồm tiền lương, công nhận và cơ hội thăng tiến. Chính các chủ đề này một lần nữa khẳng định đặc thù của nghề giáo, dù nhiều giáo viên chia sẻ từng có mong muốn bỏ nghề khi thực tế lương của giáo viên thấp hơn các nghề khác trong xã hội.

Từ đó, nhóm nghiên cứu cũng nghiên cứu, đề xuất một số biến pháp giảm áp lực công việc cho giáo viên. Theo đó, nơi tiếp nhận kết quả nghiên cứu của đề tài là Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh có thể triển khai cho các trường THPT trên địa bàn Thành phố.

Thiên An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm