Khuyến khích doanh nghiệp hợp tác với trường đại học, viện nghiên cứu để phát triển tài sản trí tuệ
DNVN - Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) khuyến nghị: Cần khuyến khích doanh nghiệp chủ động đặt hàng, hợp tác với trường đại học, viện nghiên cứu để phát triển tài sản trí tuệ
Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, hỗ trợ về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp / Tái khởi động cuộc thi trí tuệ nhân tạo lớn nhất Việt Nam
Sáng 3/12, tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp từ hoạt động khai thác tài sản trí tuệ tại Trường đại học, Viện nghiên cứu”.
Sự kiện này do Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Trường Đại học Hồng Đức và Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp từ hoạt động khai thác tài sản trí tuệ tại Trường đại học, Viện nghiên cứu”.
Tại Hội thảo, các tham luận nhấn mạnh: Thực tế đã chứng minh, nhiều trường đại học, viện nghiên cứu trên thế giới hoạt động chủ yếu dựa trên nguồn thu từ việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của mình.
Theo số liệu thống kê hằng năm của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), mặc dù, tỉ lệ đơn đăng ký sáng chế của người Việt Nam vẫn chiếm tỉ lệ thấp so với tổng số đơn đăng ký sáng chế nộp tại Việt Nam nhưng số lượng đơn đăng ký sáng chế của các trường đại học, viện nghiên cứu có xu hướng tăng trong những năm gần đây.
Đây là một dấu hiệu đáng mừng, phần nào thể hiện sự cải thiện về giá trị của các kết quả nghiên cứu từ các trường đại học, viện nghiên cứu. Có căn cứ xác lập quyền sở hữu trí tuệ thì các kết quả nghiên cứu này mới có thể được thương mại hóa một cách hiệu quả, từ đó, tái đầu tư cho nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn còn tồn tại những bất cập trong một số quy định hiện hành, trong đó, có quy định về sở hữu trí tuệ là rào cản cho việc thương mại hóa các tài sản trí tuệ của trường đại học, viện nghiên cứu.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN cho rằng, Bộ KH&CN đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để nghiên cứu, rà soát và đánh giá thực trạng việc khai thác thương mại các kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách Nhà nước là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan và giống cây trồng. Cho đến nay, trên cơ sở kết quả nghiên cứu, đánh giá của Bộ KH&CN, Bộ dự kiến sẽ đề xuất với Chính phủ cho phép mở rộng đối tượng áp dụng cơ chế giao quyền đăng ký đối với kết quả nghiên cứu là đối tượng được bảo hộ giống cây trồng.
Cùng với đó, Bộ KH&CN đang nghiên cứu để sửa lại đề xuất liên quan đến vấn đề kiểm soát việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp đối với các đối tượng được giao quyền theo hướng đơn giản hóa yêu cầu để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc thúc đẩy thương mại hóa các đối tượng này.
Bộ KH&CN cũng đang rà soát thêm để đề xuất sửa đổi các quy định của các luật liên quan văn bản quy phạm pháp luật liên quan, ví dụ như Luật Khoa học và Công nghệ...
Theo Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, một trong những giải pháp cần thiết hiện nay đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp là kết nối, khai thác các tài sản trí tuệ từ các Trường đại học, viện nghiên cứu. Trường đại học, viện nghiên cứu chính là cái nôi sáng tạo ra tri thức và công nghệ mới. Trong Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 và Chương trình phát triển tài sản đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đều đề cập đến việc kết nối giữa doanh nghiệp và các trường đại học, viện nghiên cứu.
“Các nhiệm vụ được đặt ra để thực hiện giải pháp cần thiết trên là thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đặt hàng, liên kết, hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu để khai thác, phát triển tài sản trí tuệ. Việc hợp tác, khai thác tài sản trí tuệ từ các trường đại học, viện nghiên cứu một mặt sẽ rút ngắn quá trình ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh. Từ đó, giúp các doanh nghiệp giảm bớt thời gian, chi phí đầu tư nghiên cứu để tập trung phát triển sản phẩm, thị trường”, ông Phí nói.
Ông Phí phân tích thêm: Việc hợp tác này tạo cơ hội cho các trường đại học, viện nghiên cứu thương mại hóa, lan tỏa kết quả nghiên cứu phục vụ đời sống kinh tế, xã hội, qua đó, tạo động lực thúc đẩy hoạt động nghiên cứu tại các cơ sở này.
Với số lượng đơn đăng ký sáng chế của các trường đại học, viện nghiên cứu có xu hướng ngày càng tăng trong những năm gần đây, chắc chắn rằng, sự kết hợp giữa trường, viện và doanh nghiệp hoặc hình thành mới các doanh nghiệp từ tài sản trí tuệ của trường đại học, viện nghiên cứu sẽ đem lại những kết quả tích cực..
Hà Anh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chuẩn bị nguồn nhân lực phát triển điện hạt nhân
Công nghệ từ thế kỷ 19 đe dọa vị thế dẫn đầu AI của Mỹ
Não bộ của bạn sẽ ra sao khi ngừng sử dụng mạng xã hội
Nguồn nhân lực điện hạt nhân của Việt Nam hiện nay ra sao?
Điểm lại những thành tựu đột phá của y học thế giới trong năm 2024
Não bộ của bạn thay đổi ra sao khi tạm dừng mạng xã hội?
Cột tin quảng cáo