Tin tức - Sự kiện

Cần xử phạt hành chính với tất cả các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Theo nhiều ý kiến ĐBQH, nếu không xử phạt hành chính mà chỉ xử lý bằng biện pháp dân sự là chưa bảo đảm tính thống nhất trong xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Xác định được nguồn lây của ổ dịch Quốc Oai, Hà Nội / Khách đi máy bay vẫn phải khai báo theo mẫu giấy tại sân bay, thủ tục rút gọn hơn

Quốc hội thảo luận trực tuyếndự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ chiều 26/10.
Quốc hội thảo luận trực tuyếndự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ chiều 26/10.

Chiều 26/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Trước đó, dự thảo luật này đã được Quốc hội thảo luận tại tổ vào chiều 21/10. Thảo luận của các đại biểu tập trung vào những nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật, là quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; và xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Rộng đường đưa kết quả nhiệm vụ khoa học vào thực tiễn

Về nội dung quyền đăng ký sáng chế kiểu dáng công nghiệp thiết kế, bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học dùng ngân sách Nhà nước, đại biểu Nguyễn Công Hoàng (đoàn Thái Nguyên), đồng tình lựa chọn phương án giao cho tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ đó một cách tự động, không phải bồi hoàn trừ các trường hợp quốc phòng, an ninh quốc gia.

Đại biểu Nguyễn Công Hoàng, đoàn Thái Nguyên
Đại biểu Nguyễn Công Hoàng, đoàn Thái Nguyên

“Theo tôi, quy định như thế hướng tới mục tiêu mục đích đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học của Việt Nam, đồng thời “cởi trói” cho chủ nhiệm các nhiệm vụ khoa học trong quá trình đưa kết quả nhiệm vụ khoa học vào thực tiễn” - đại biểu Nguyễn Công Hoàng bày tỏ.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) cho rằng, việc giao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì quy định như trên là góp phần thể chế hóa Nghị quyết số 20 Hội nghị Trung ương 6 khóa XI, giao quyền sở hữu các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sử dụng ngân sách Nhà nước cho cơ quan chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

 

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần thể chế hóa cụ thể hơn nội dung, có cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả như Nghị quyết 20 đã quy định để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa 3 chủ thể nói trên.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần luận giải rõ hơn việc không áp dụng cơ chế giao quyền đăng ký cho đơn vị chủ trì đối với một số nội dung, một số đối tượng, quyền tác giả, quyền liên quan.

Về lý do như trong báo cáo tiếp thu giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng nguy cơ chương trình bị sửa đổi lồng ghép, biến tấu, thay đổi nội dung có thể ảnh hưởng đến định hướng của Nhà nước, đại biểu nhận thấy, các hành vi này là vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan, vi phạm pháp luật, các cơ quan có thẩm quyền với chức năng quản lý Nhà nước tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm có quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc hình sự không phụ thuộc vào việc có áp dụng cơ chế giao quyền đăng ký cho đơn vị chủ trì hay không.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú, đoàn Kiên Giang
Đại biểu Nguyễn Danh Tú, đoàn Kiên Giang

Cần tăng cường các biện pháp xử lý bằng chế tài hình sự

Về xử phạt vi phạm hành chính với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đại biểu Nguyễn Danh Tú đề nghị lựa chọn phương án 2, áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với tất cả các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Bởi nếu theo phương án 1, không xử phạt hành chính mà chỉ xử lý bằng biện pháp dân sự là chưa bảo đảm tính thống nhất trong xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, một số hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan,… thì bị xử lý hành chính, một số hành vi xâm phạm đối với sáng chế kiểu dáng công nghiệp… thì không bị xử lý hành chính.

 

Bên cạnh đó, theo đại biểu, hành vi xâm phạm đối với quyền sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh, hành vi cạnh tranh không lành mạnh không chỉ xâm phạm quyền dân sự mà còn xâm phạm trật tự quản lý kinh tế xã hội. Bên cạnh biện pháp dân sự, xử lý yêu cầu bồi thường thiệt hại, hành vi xâm phạm này có thể xử lý bằng biện pháp hành chính, cao hơn có thể bị xử lý bằng biện pháp hình sự như Điều 226 BLHS quy định tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Đại biểu cũng cho rằng, nếu loại trừ biện pháp xử lý hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bị mật kinh doanh, hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ làm ảnh hưởng đến quyền chủ động, kịp thời, nhanh chóng của cơ quan Nhà nước trong xử lý hành chính đối với hành vi vi phạm trong các trường hợp nêu trên.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy, đoàn Thái Bình
Đại biểu Nguyễn Văn Huy, đoàn Thái Bình

Theo đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình), việc quy định không áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với sáng chế kiểu dáng công nghiệp, thiết kế, bố trí tên thương mại, bí mật kinh doanh và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh là không phù hợp. Bởi điều này sẽ dẫn đến khoảng trống pháp luật trong việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

Đại biểu đề nghị nội dung này nên giữ theo luật hiện hành vì nếu sửa theo phương án 1 thì sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư kinh doanh ở nước ta. Điều này cũng làm tăng thêm gánh nặng cho hệ thống tòa án hiện nay đang quá tải cũng như tạo thêm thách thức cho đương sự khi sử dụng các biện pháp tố tụng dân sự.

“Trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính cần quy định để bảo đảm kịp thời nhằm tăng tính răn đe, cùng kết hợp các biện pháp xử lý khác”- đại biểu Nguyễn Văn Huy nêu ý kiến.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (đoàn Lào Cai)
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (đoàn Lào Cai)

Cũng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (đoàn Lào Cai) cho rằng, quy định như phương án 1, chỉ áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm đối với quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý giống cây trồng, là thu hẹp phạm vi xử lý hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, sẽ làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, giảm vai trò chủ động của cơ quan Nhà nước trong việc phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Đồng thời có nguy cơ dẫn đến gia tăng các hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Trong khi, Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA cũng yêu cầu hạn chế việc sử dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, thậm chí còn tăng cường các biện pháp xử lý bằng chế tài hình sự đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Như vậy, theo đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh, việc loại trừ biện pháp hành chính để xử lý vi phạm trong lĩnh vực này không đảm bảo tính chất nhất quán, đồng bộ về chính sách pháp luật.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm