Khoa học - Công nghệ

Mặt trái của trí tuệ nhân tạo đặt ra những thách thức lớn trong chính sách quản lý

DNVN - Từ việc nhận diện mặt trái của trí tuệ nhân tạo (AI), các chuyên gia khuyến nghị, để phát triển AI một cách toàn diện, Việt Nam cần giải quyết các bài toán về quản lý nhà nước, chính sách, khuôn khổ pháp luật, nguồn nhân lực, hạ tầng, hạ tầng dữ liệu và cách thu thập, khai thác nguồn dữ liệu lớn (Big Data).

Các chuyên gia hàng đầu thế giới hội tụ tại Ngày trí tuệ nhân tạo AI Day 2021 / Khởi động mạng lưới hợp tác về trí tuệ nhân tạo Việt Nam-Australia

Hội thảo “AI và con người: Những tác động đa chiều của một cuộc cách mạng công nghệ” diễn ra chiều 21/10/2021. Nằm trong chuỗi hoạt động tiền Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia (TECHFEST 2021), Hội thảo gồm 3 chủ đề chính: “AI và các công nghệ 4.0”; “Tác động của AI đối với xã hội” và “Luật pháp và Quản lý nhà nước trong thời đại AI” với sự tham gia của những chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học hàng đầu trong nước và quốc tế trong lĩnh vực này.
AI sẽ làm tâm điểm của phát triển công nghệ
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Ngô Tự Lập, Viện trưởng Viện quốc tế Pháp ngữ cho rằng: “AI đang là một lĩnh vực nóng bỏng, một lĩnh vực cạnh tranh quyết liệt giữa các cường quốc, trước hết là Mỹ và Trung Quốc, và đó cũng là một lĩnh vực mà những quốc gia mới nổi như Việt Nam quyết tâm tham gia để giành lấy những cơ hội to lớn xuất hiện từ quá trình phát triển vũ bão của nó”.
Ông Ngô Tự Lập, Viện trưởng Viện quốc tế Pháp ngữ khai mạc Hội thảo.
AI đang trở thành một trong những nhân tố quan trọng nhất, nếu không nói rằng đó chính là nhân tố quan trọng nhất, quyết định sự thành công của các quốc gia trong nỗ lực chiếm lĩnh những vị trí hàng đầu trong sự phát triển chung của nhân loại.
AI tại Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và từng bước khẳng định là công nghệ trụ cột, đột phá trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các cường quốc công nghệ từ lâu đã xây dựng chiến lược phát triển AI của riêng mình, lấy công nghệ này làm cốt lõi để tăng tốc phát triển kinh tế.
Trong vài năm qua, nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã bắt đầu phát triển và ứng dụng AI trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm giáo dục, thông tin - truyền thông, kinh doanh, thương mại, dịch vụ y tế - chăm sóc sức khỏe, và những lĩnh vực khác, không chỉ dần chiếm lĩnh thị trường mà còn thu về lợi nhuận khổng lồ.
Hiện nay, AI đang là tâm điểm của giới công nghệ toàn cầu và đang được chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới đầu tư phát triển. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển này.
Đầu năm 2021, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 với mục tiêu đưa Việt Nam vào 4 nhóm nước dẫn đầu ASEAN trong lĩnh vực này, hướng tới xây dựng thành công 10 thương hiệu AI uy tín trong khu vực.
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp AI của Việt Nam đã đạt được những bước tiến rõ rệt với sự hiện diện ngày càng tăng của công nghệ AI trong mọi lĩnh vực của cuộc sống hiện đại. AI và các dự án ứng dụng AI đã và đang thu hút sự quan tâm, đầu tư không chỉ từ các tập đoàn công nghệ lớn, mà còn là sân chơi mới cho các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thử sức và thực hiện những mô hình kinh doanh mới.
Với tốc độ phát triển “thần tốc” như hiện nay, các chuyên gia cho rằng, lĩnh vực AI Việt Nam được dự báo sẽ sớm phát triển cùng thế giới giải quyết các thách thức thế kỷ. Đây là khát vọng lớn, đồng thời cũng là động lực cho các ý tưởng đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt.
Theo ông Trần Đình Phong, Trưởng khoa Khoa học Cơ bản, Trường Đại học Công nghệ Hà Nội: “Sau hai năm khó khăn do đại dịch COVID-19, khoa học và công nghệ nói chung và của AI, khoa học dữ liệu nói riêng đã có đóng góp đáng kể. Trong thời kỳ hậu COVID-19 với sự phục hồi của nền kinh tế, sự thay đổi trong lối sống xã hội, sự thay đổi trong cách con người tương tác với môi trường, thiên nhiên, AI, khoa học dữ liệu thậm chí sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn”.
Chính sách quản lý cần theo kịp sự phát triển
Tuy nhiên, các chuyên gia tại Hội thảo nhận định, trên thực tế, Việt Nam đang đối diện với những khó khăn nhất định.
Theo ông Ngô Tự Lập, AI có thể khoét sâu thêm khoảng cách phát triển giữa các quốc gia, làm gia tăng sự bất bình đẳng giữa các dân tộc.
AI đang khiến chúng ta ngày càng lo ngại về vấn đề quyền riêng tư và cao hơn là quyền tự do cá nhân. Sự an toàn thông tin là một vấn đề lớn không chỉ của các cá nhân, mà còn của tất cả các công ty, tổ chức và thậm chí là của các quốc gia.
Nguy hiểm hơn, những cũng khó nhận thấy hơn, AI đang len lỏi vào mọi hoạt động sống của con người, làm thay đổi hành vi và chính bản thân con người. Rất gần đây, trên thế giới đang bùng lên cuộc tranh cãi về những thuật toán mà các mạng xã hội sử dụng để định hướng hành vi người dùng, biến họ trở thành những con nghiện, hay thậm chí là thành nô lệ công nghệ.
Ảnh minh hoạ.
Trong quá khứ, chúng ta vẫn nghĩ về công nghệ như là một thứ công cụ được tạo ra để phục vụ con người. Nhưng nếu không được không sử dụng một cách thông minh, công nghệ sẽ trở thành loại vũ khí gây cho con người những tác động tồi tệ mà chúng ta không lường hết được.
“Sự phát triển của AI còn đặt ra vấn đề đạo đức, khi mỗi bước tiến của nó đều thúc đẩy nguy cơ xóa nhòa ranh giới giữa robot và con người. Robot ngày một thông minh hơn, nhưng khác với con người, nó không bị giới hạn bởi những yếu tố vật lý và sinh lý, như nhiệt độ, chất độc. Nếu Machine Learning cho phép AI không chỉ có trí thông minh, mà còn có cảm xúc, liệu con người còn có lý do và khả năng tồn tại? Liệu trí tuệ nhân tạo có thể dẫn đến thảm họa cuối cùng của nhân loại hay không?”. Ông Lập đặt câu hỏi.
Từ việc nhận diện mặt trái của AI, các chuyên gia khuyến nghị: Để phát triển AI một cách toàn diện, Việt Nam cần giải quyết các bài toán về quản lý nhà nước, chính sách, khuôn khổ pháp luật, nguồn nhân lực, hạ tầng, hạ tầng dữ liệu và cách thu thập, khai thác nguồn dữ liệu lớn (Big Data).
Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm