Khoa học - Công nghệ

Thách thức về môi trường khi chuyển dịch năng lượng

DNVN - Chuyển dịch cơ cấu năng lượng đặt ra những thách thức về môi trường. Không có bất kỳ một nguồn năng lượng nào, nguồn điện nào được coi là sạch 100%. Do đó, cần có những đánh giá về tác động môi trường đối với các dự án năng lượng.

Đà Nẵng: Không sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong hội họp, sự kiện / Báo động tình trạng nuôi nhốt, buôn bán khỉ trái phép

Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra quan điểm chỉ đạo và mục tiêu cụ thể để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng bền vững. Trong đó, ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch. Đồng thời, xác định chuyển dịch không chỉ là của ngành năng lượng mà phải gắn với cơ cấu lại các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng.
Chuyển dịch năng lượng hiện nay thể hiện ở việc sử dụng nguồn tái tạo để sản xuất năng lượng, giảm tiêu thụ năng lượng thông qua các giải pháp hiệu quả năng lượng.
Ông Hà Đăng Sơn – Phó Giám đốc Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam (USAID V-LEEP II) cho rằng, chuyển dịch cơ cấu năng lượng đặt ra những thách thức về môi trường. Không có bất kỳ một nguồn năng lượng nào, nguồn điện nào được coi là sạch 100%. Tất cả các nguồn điện đều có những vấn đề khác nhau về môi trường. Đây là lý do tại sao cần có những đánh giá về tác động môi trường đối với các dự án năng lượng.

Ảnh minh họa. (Nguồn:baoquankhu4)
Cụ thể, khi phát triển nhiệt điện (than) sẽ gây ra ô nhiễm không khí do bụi, lượng lớn chất thải rắn (tro xỉ) từ nhiệt điện than, và biến đổi khí hậu do đốt nhiên liệu hóa thạch.
Ông Sơn đánh giá, thời gian vừa qua, đã có những nỗ lực lớn của những đơn vị liên quan từ Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương trong việc tăng cường quản lý ô nhiễm và giám sát môi trường. Hiện nay 100% nhà máy nhiệt than đã được giám sát online 24/24.
Dẫn chứng cho điều này, ông Sơn nêu trường hợp Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Theo ông Sơn, trong 2 - 3 năm gần đây có rất nhiều điều tiếng liên quan đến ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, những kết quả có được từ các giám sát online trong tháng 7 vừa qua cho thấy, tất cả các thông số vận hành của Nhà máy điện than Vĩnh Tân 2 đều thấp hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn Việt Nam cho phép.
"Điều này cho thấy, nếu chúng ta có những động thái, những quy định, đầu tư phù hợp thì rủi ro về quản lý môi trường, khí thải đối với các nhà máy điện than có thể quản lý được ở mức có thể. Qua đó, đảm bảo được cho các bước chuyển dịch, đồng thời là nền tảng cho câu chuyện chuyển dịch về sau, không ảnh hưởng đến vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng, không ảnh hưởng đến tính ổn định của nguồn năng lượng Việt Nam. Điều quan trọng là cần xem xét, thay vì loại bỏ các nhà máy điện than ngay bây giờ. Điều này là không phù hợp", ông Sơn nêu.
Về xử lý tro xỉ than, theo ông Sơn đây là vấn đề liên quan đến nền kinh tế tuần hoàn. Đã có những cảnh báo về sử dụng tro xỉ than trong san lấp nền, làm gạch chịu lửa, và các ứng dụng khác. Cảnh báo được đưa ra sau những nghiên cứu được thẩm định bởi những cơ quan bảo vệ môi trường Thụy Điển.
"Tôi cho rằng, thay vì "chửi bới" tro xỉ, hãy coi đó là nguồn tài nguyên và coi đây là phần phải chấp nhận và chung sống với nó, sử dụng nó một cách hiệu quả nhất", ông Sơn nói.
Với thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu, dưới góc nhìn của ông Sơn, đây là vấn đề đau đầu nhất. Câu chuyện lớn nhất của điện than là phát thải khí nhà kính. Theo Dự thảo Quy hoạch Điện VIII, tổng mức phát thải khí nhà kinh năm 2030 ước tính 268 triệu tCO2tđ, cao hơn mức 246 triệu tCO2tđ ở dự thảo tháng 2/2021, và tiệm cận với mức giảm cam kết theo NDC (đóng góp quốc gia tự quyết định).
Ông Sơn cho rằng, các ràng buộc hiện tại (công suất đặt, truyền tải liên vùng...) của Quy hoạch Điện VIII (tháng 9/2021) không cho thấy đường hướng để Việt Nam có thể hưởng lợi từ hỗ trợ quốc tế nhằm đạt mức giảm phát thải khí nhà kính tham vọng hơn trong lĩnh vực điện năng (ước tính từ 67-84 triệu tCO2tđ, để đạt mức 224-208 triệu tCO2tđ với hỗ trợ quốc tế).
"Dự thảo Quy hoạch Điện VIII (tháng 9/2021) mặc dù vẫn đảm bảo các cam kết tự nguyện ở mức tiếp cận trần cho phép với ngành điện nhưng tiềm ẩn rủi ro không đạt được mức cam kết trong các lĩnh vực khác của ngành năng lượng", ông Sơn nhận định.
Ông Sơn kỳ vọng, Chính phủ và Bộ Công Thương có góc nhìn mở đối với Quy hoạch Điện VIII. Hi vọng Bộ Công Thương xem xét để có những định hướng và chỉnh lý trong thời gian tới. Tiềm năng để giảm phát thải khí nhà kính trong ngành điện lực có thể đạt tới 84 triệu tấn carbon quy đổi vào năm 2030 nếu có chính sách, cơ chế tốt hơn, mở hơn. Và do đó thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư hơn, các nguồn vốn hỗ trợ từ khối tư nhân, tổ chức quốc tế. Từ đó có thể cắt giảm hơn nữa lượng phát thải khí nhà kính trong ngành điện.
"Chúng tôi cũng đã đánh giá những kịch bản về phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện, và kết luận của chúng tôi là không thể đạt mục tiêu phát thải khí ròng bằng không (Net Zero) vào 2050 như đề xuất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Tiêu thụ than sẽ đạt đỉnh vào quãng giữa năm 2040 và kể cả trong trường hợp không cắt giảm, dừng toàn bộ các nhà máy xây điện than, dừng các nhà máy điện than và nhiều kịch bản khác nhau thì chúng ta cũng không đạt kịch bản Net Zezo vào năm 2050", ông Sơn nhấn mạnh.
Trong khi đó, khi phát triển điện gió và điện mặt trời đặt ra những thách thức về môi trường như mất rừng và hệ sinh thái; xử lý chất thải công nghiệp; cháy nổ, tiếng ồn và các tác động môi trường xã hội khác.
Hơn nữa, rào cản nhận thức và truyền thông trong chuyển dịch năng lượng cũng là điều rất đáng chú ý. Những thông tin không chính xác, không đầy đủ làm cho người dân bị lạc lối trong định hướng cái gì tốt - xấu, cái gì đúng - sai? Tất cả cần có nhận định đúng và chính xác hơn trong câu chuyện phát triển năng lượng tái tạo và các dạng năng lượng khác.
Cũng theo ông Sơn, còn rất nhiều thiếu xót trong các nghiên cứu về xây dựng cơ sở hạ tầng hệ thống điện trong điều kiện biến đổi khí hậu.
"Nghiên cứu gần đây nhất về tác động của biến đổi khí hậu mà chúng tôi triển khai năm 2014 trong khuôn khổ dự án của ADB, đến nay đã 7 năm nhưng chưa có dự án nào đánh giá mang tính chất đầy đủ hơn về tác động của biến đổi khí hậu và giải pháp thích ứng về biến đổi khí hậu cho những hạ tầng hệ thống điện cũng như năng lượng Việt Nam. Do đó, chúng tôi kiến nghị Bộ Công Thương cần có lộ trình tiến tới áp dụng tiếp cận Quy hoạch phát triển điện lực theo hướng chống chịu biến đổi khí hậu. Đây sẽ là thách thức của Việt Nam trong 5 - 10 năm tới", ông Sơn đề xuất.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm