Khoa học - Công nghệ

Ra mắt trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn tại TP Hồ Chí Minh

DNVN - Với mục tiêu hình thành một đơn vị đào tạo có quy mô lớn nhằm đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư và thu hút các chương trình hợp tác quốc tế, Ban Quản lý Khu Công nghệ đã thành lập Trung tâm đào tạo điện tử, vi mạch bán dẫn (Electronics and Semicconductor Center – viết tắt ESC).

MobiFone lọt Top 10 doanh nghiệp uy tín ngành công nghệ thông tin - viễn thông / Việt Nam thu hút các tập đoàn công nghệ lớn

Phát biểu tại lễ ra mắt ngày 7/9, PGS - TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho biết, việc ra mắt Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn - ESC nhằm mục đích phát triển các ngành công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn của Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Nhà nước sẵn sàng dành nguồn sự nghiệp khoa học công nghệ, đầu tư các phòng lab hiện đại nhất để nắm vững chuỗi giá trị ngành vi mạch.

Trong ngành vi mạch, muốn đi xa thì việc cầm tay chỉ việc là chưa đủ mà cần có các nghiên cứu cơ bản và hiểu công nghệ lõi, biết cách học hỏi chuyển giao và hiểu bản chất công nghệ.

"Với nguồn nhân lực trong nước có thể làm công đoạn thiết kế ban đầu, học hỏi từ mô hình cụ thể ở vườn ươm sau đó sáng tạo đổi mới để làm chủ công nghệ với tư duy "đi sau nhưng tìm ra hướng đi khác để đón đầu"", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng tại sự kiện, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, Nghị quyết 98 được Quốc hội thông qua và đây là cơ hội để phát triển TP Hồ Chí Minh.
"Thành phố cam kết sẽ trở thành trung tâm phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và là trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của quốc gia, mang tầm cạnh tranh khu vực và quốc tế", Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nói.

Mục đích và trọng tâm phát triển các ngành công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn của Việt Nam giai đoạn tới là phát triển hệ thống doanh nghiệp trong nước; thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) có chủ đích và chọn lọc.

 

Bên cạnh đó, để đi nhanh, bắt kịp các nước trong khu vực về các ngành điện tử, Việt Nam cần có cách tiếp cận đột phá, đi sâu vào khâu thiết kế, bao gồm thiết kế sản phẩm và thiết kế vi mạch. Để làm được điều này thì nguồn nhân lực đóng vai trò then chốt, quyết định. Do đó cần có chiến lược để phát triển nguồn nhân lực, có những chính sách để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học là người Việt Nam ở các nước phát triển, đặc biệt là Thung lũng Sillicon.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi động ra mắt Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn.

ESC được thành lập từ 2 đơn vị là trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch Khu Công nghệ cao (SHTP Chip Design Centr – viết tắt SCDC) và Trung tâm Đào tạo Điện tử Quốc tế (International Electronics Training Center – viết tắt IETC).

Đây là 2 đơn vị rất quan trọng, hợp thành hệ sinh thái đào tạo hoàn chỉnh tại Khu Công nghệ cao, góp phần trực tiếp vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hai công đoạn ưu tiên phát triển của Việt Nam là thiết kế vị mạch và ứng dụng vi mạch.

Với mục tiêu “Việt Nam là trung tâm thiết kế vi mạch bán dẫn của khu vực và thế giới”, việc hợp nhất 2 mô hình SCDC và IETC là bước chuẩn bị quan trọng trong công tác xúc tiến đầu tư vào các ngành công nghiệp có vị trí chiến lược là công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn trong tương lai.

 

Theo các chuyên gia, việc hợp nhất hai mô hình này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn khách quan vì các ngành công nghiệp điện tử và vi mạch bán dẫn có mối quan hệ hữu cơ, cần có chiến lược phát triển đồng bộ.

Lê Hoa
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm