Khoa học - Công nghệ

Ứng dụng công nghệ mới để nâng cao hiệu quả kinh tế cây chè Shan

DNVN- Kết quả “Nghiên cứu khai thác sử dụng nguồn tài nguyên chè Shan ở Việt Nam” sẽ là cơ sở để các ngành, địa phương xây dựng giải pháp phát triển và khai thác tối đa hiệu quả kinh tế. Việc làm này đã giúp nâng cao hiệu quả kinh tế cây chè Shan, tạo công ăn việc làm cho một lượng lớn người lao động vùng Trung du miền núi phía Bắc.

Đồng Tháp: Phê duyệt dự án ương giống và nuôi lươn đồng bằng ứng dụng công nghệ tuần hoàn / Ứng dụng công nghệ nâng cao giá trị lá trà phụ liệu

Cây chè Shan ở miền núi phía Bắc Việt Nam là cây bản địa, có đặc điểm sinh trưởng mạnh, năng suất chất lượng tốt. Nghiên cứu của rất nhiều nhà khoa học về giống chè này đã xác định, chè Shan Việt Nam có đặc điểm hình thái, hoa quả, hàm lượng các hợp chất catechin, anthocyanin có giá trị trong phân loại thực vật về chè Shan và chế biến các sản phẩm có chứa các hợp chất catechin, anthocyanin có nhiều tác dụng đối với sức khỏe con người.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn cần phải đa dạng hóa sản phẩm chè, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cây chè Shan núi cao Việt Nam, tạo các sản phẩm góp phần bảo vệ sức khỏe con người, nhiệm vụ nghiên cứu KHCN cấp quốc gia “Nghiên cứu khai thác sử dụng nguồn tài nguyên chè Shan ở Việt Nam” do các nhà khoa học Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc phối hợp với Viện Nghiên cứu khoa học Chè - Trường Đại học Nông nghiệp Nam Kinh (Trung Quốc) đã được triển khai và đem lại nhiều đóng góp mới, thiết thực.

Theo TS. Đặng Văn Thư (Chủ nhiệm nhiệm vụ), trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, các thành viên nhóm nghiên cứu đã dựa trên công nghệ truyền thống (các chỉ tiêu hình thái) kết hợp với công nghệ hiện đại là phân tích sinh hóa và công nghệ sinh học để phân loại các giống chè Shan núi cao ở Việt Nam.

Theo đó, nhóm đã tuyển chọn được 23 cây chè Shan núi cao tiêu biểu, gồm: Tủa Chùa (Điện Biên) có 6 cây ưu tú; Suối Giàng (Yên Bái) có 9 cây ưu tú; Cao Bồ (Hà Giang) có 8 cây ưu tú. Đồng thời, đã xây dựng được 90 mẫu tiêu bản chè Shan núi cao và xây dựng được bảng phân loại chè theo chỉ tiêu hình thái cây chè Shan núi cao ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng xây dựng được quy trình phân tích catechin thành phần và anthocyanin cho chè Shan và quy trình thu nhận catechin thành phần (polyphenol giàu catechin) từ chè Shan. Kết quả cho thấy, hàm lượng anthocyanin trong mẫu chè Shan cao nhất ở điểm Tủa Chùa (Điện Biên), tiếp đến là Suối Giàng (Yên Bái) và thấp nhất là Cao Bồ (Hà Giang).

Ứng dụng công nghệ mới nâng cao hiệu quả kinh tế cây chè Shan Việt Nam.

Ứng dụng công nghệ mới nâng cao hiệu quả kinh tế cây chè Shan Việt Nam.

Có thể khẳng định, công nghệ tách chiết các hợp chất catechin thành phần và anthocyanin được xây dựng có khả năng ứng dụng cao, cho phép thu được các chế phẩm có hàm lượng giàu catechin và anthocyanin. Từ đó góp phần đa dạng hóa sản phẩm từ chè Shan ở lĩnh vực thực phẩm chức năng, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của con người. Không chỉ thị trường trong nước, sức cạnh tranh của các sản phẩm giàu catechin, anthocyanin trên thị trường thế giới cũng rất cao, nhất là khi Việt Nam tham gia vào TPP và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Nhiệm vụ đã tạo ra được 2 sản phẩm, trong đó 1 sản phẩm chè Shan túi lọc cốm gạo lứt và 1 sản phẩm trà xanh bột hòa tan cốm gạo lứt. Các sản phẩm này được bổ sung hàm lượng catechin và có giá bán trung bình từ 450 - 500nghìn đồng/kg, cao hơn các sản phẩm thông thường khác từ 50 - 100 nghìn đồng/kg. Bởi vậy, sản phẩm này có thể cạnh tranh với các sản phẩm chè hiện có trên thị trường của Việt Nam. Hiện nay, sản phẩm này đang được tổ chức chủ trì phối hợp với một số công ty trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đưa ra chào hàng trên thị trường.

Theo TS. Trần Xuân Hoàng - thành viên nhóm nghiên cứu, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, cơ quan tổ chức chủ trì và các đơn vị cùng tham gia thực hiện nhiệm vụ đã phối hợp và tìm kiếm các đối tác trong nước và đối tác ngoài nước để chuyển giao kết quả nghiên cứu, đặc biệt là các chế phẩm giàu catechin và anthocyanin phục vụ trong công nghiệp thực phẩm và dược phẩm. Hiện nay, công nghệ tách chiết các hợp chất catechin thành phần (polyphenol giàu catechin) và anthocyanin đã được phối hợp chuyển giao với một số công ty chuyên sản xuất về dược liệu, thực phẩm và thực phẩm chức năng, đem lại hiệu quả kinh tế lớn.

Theo các chuyên gia về lĩnh vực cây chè, đề tài có tính khoa học và ứng dụng thực tiễn rất cao, đã tạo ra sản phẩm giá trị mới. Sản phẩm của nhiệm vụ nghiên cứu KHCN cấp quốc gia “Nghiên cứu khai thác sử dụng nguồn tài nguyên chè Shan ở Việt Nam” sẽ là cơ sở để các ngành, địa phương xây dựng giải pháp phát triển và khai thác tối đa hiệu quả kinh tế từ cây chè Shan. Việc làm này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây chè Shan, mà còn tạo công ăn việc làm cho một lượng lớn người lao động vùng Trung du miền núi phía Bắc, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện và ổn định đời sống của người làm chè ở vùng cao.

Thiên An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm