Việt Nam cần chuyển đổi nhanh sang sử dụng năng lượng sạch
DNVN - Vấn đề chuyển đổi sang năng lượng sạch và nhanh chóng chấm dứt sử dụng than đang được Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ để phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Việt Nam chi 350 tỷ đồng chống biến đổi khí hậu / Chống biến đổi khí hậu: Giới chuyên gia kêu gọi quản lý « địa công nghệ »
Chiều ngày 7/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường, thường trực Ban Công tác đàm phán của Việt Nam về biến đổi khí hậu tổ chức Hội thảo công bố kết quả Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị COP26 được tổ chức tại thành phố Glasgow, Vương quốc Anh từ ngày 30/10-13/11/2021. Hội nghị COP26 đánh dấu sự chuyển đổi mang tính đột phá trong mô hình phát triển trên thế giới, từ dựa trên năng lượng hóa thạch, sang phát triển ít phát thải, hướng tới phát thải ròng bằng "0".
Trong đó, vấn đề chuyển đổi sang năng lượng sạch và nhanh chóng chấm dứt sử dụng than được thúc đẩy mạnh mẽ. Các nguồn tài chính quốc tế cho phát triển điện than sẽ sớm chấm dứt và chuyển sang tập trung hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, duy trì, phát triển rừng và bảo vệ các hệ sinh thái.
Cùng với Gói Thỏa thuận khí hậu Katowice được thông qua tại Hội nghị lần thứ 24 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP24) năm 2018, Gói Thỏa thuận khí hậu Glasgow được thông qua tại COP26, Bộ quy tắc hướng dẫn thực hiện Thỏa thuận Paris đã cơ bản được hoàn thiện...
“Việt Nam đi đúng dòng chính của xu thế phát triển toàn cầu cùng với các nước phát triển có tiềm năng về kinh tế, công nghệ cao. Việc cam kết đưa phát thải ròng về “0" và tham gia cam kết metan đã gửi đi tín hiệu mạnh mẽ tới cộng đồng quốc tế, khai thông nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải, đây cũng là cơ hội cho Việt Nam phát triển”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Hội thảo công bố kết quả Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26)
Báo cáo triển khai kết quả Hội nghị COP26 tại Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Văn Tấn cho rằng, các cam kết mạnh mẽ và những ý kiến đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại hội nghị được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo ông Tấn, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 (Chương ứng phó với biến đổi khí hậu) và Dự thảo Nghị định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozone đã được xây dựng theo hướng tiếp cận các quy định mới nhất trong đàm phán biến đổi khí hậu, hoàn toàn phù hợp với các quy định mới nhất vừa được thông qua tại Hội nghị COP26 sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để huy động toàn xã hội thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển ít phát thải sẽ là xu thế chủ đạo để Việt Nam tiếp tục thay đổi toàn diện mô hình phát triển từ dựa trên năng lượng hóa thạch, sử dụng nhiều tài nguyên sang mô hình phát triển theo hướng ít phát thải.
Tuy nhiên thách thức lớn nhất hiện nay tại Việt Nam là việc huy động và duy trì sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị; với quyết tâm kiên định thực hiện lộ trình chuyển đổi lâu dài, khó khăn; nguồn lực trong nước rất thiếu, nguồn lực nước ngoài dồi dào nhưng khó vào Việt Nam do vướng cơ chế, thủ tục hành chính. Ngoài ra, nguồn nhân lực trong nước hiện chưa đáp ứng để áp dụng các công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến.
Nhấn mạnh về một số công việc dự kiến sẽ triển khai sau khi Việt Nam tham dự Hội nghị COP26, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu đưa ra 8 vấn đề trọng tâm.
Theo đó, Việt Nam sẽ ban hành Nghị định quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; xây dựng Đề án nhiệm vụ, giải pháp đột phá triển khai kết quả Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu; đề xuất thành lập Ban chỉ đạo để đề xuất cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi và tận dụng các cơ hội huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển năng lượng tái tạo.
Cùng đó là rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; tích cực, chủ động tăng cường hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn lực tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực triển khai Thỏa thuận Paris và các cam kết được Thủ tướng Chính phủ tuyên bố tại Hội nghị COP26.
Hoàn thiện cập nhật Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, bao gồm mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; xây dựng Kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến năm 2030. Triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh góp phần đạt được mục tiêu cam kết.
Triển khai áp dụng các công cụ định giá carbon. Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách tài chính phục vụ chuyển đổi dự án theo Cơ chế phát triển sạch (CDM) sang dự án theo Cơ chế đóng góp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và hỗ trợ phát triển bền vững (SDM) phù hợp với quy định trong Bộ Quy tắc hướng dẫn thực hiện Thoả thuận Paris. Truyền thông, nâng cao năng lực cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để tham gia các cơ chế thị trường, phi thị trường theo Điều 6 Thỏa thuận Paris.
Đồng thời, tổ chức triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất; triển khai Ý định thư với Tổ chức Emergent trong khuôn khổ Liên minh giảm phát thải; rà soát, hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045 phù hợp với mục tiêu cam kết.
Tổ chức thực hiện các nghiên cứu phát triển năng lượng mới như năng lượng hydro, năng lượng sóng biển, địa nhiệt, phương án phát triển điện hạt nhân…; tổ chức xây dựng và công bố các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu; hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến thúc đẩy chuyển giao công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hà Anh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo