Việt Nam dẫn đầu khu vực về thu hút đầu tư dài hạn khởi nghiệp sáng tạo
Trao giải Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Hà Nội năm 2023 / Khởi động hành trình Thanh niên khởi nghiệp năm 2023
Báo cáo của Văn phòng Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844), Bộ Khoa học và Công nghệ tại hội thảo “Chính sách đầu tư khởi nghiệp sáng tạo”, chiều ngày 3/6 cho biết, trong thời gian qua, làn sóng khởi nghiệp sáng tạo (KNST) tại Việt Nam đã phát triển với tốc độ chóng mặt, thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Các chính sách hỗ trợ của nhà nước và khát vọng mạnh mẽ của các nhà sáng lập đã thúc đẩy sự ra đời của nhiều doanh nghiệp KNST - một thế hệ doanh nghiệp mới kinh doanh dựa trên tài sản trí tuệ và có tiềm năng lớn trong việc tiếp cận thị trường toàn cầu.
Theo thống kê từ Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam hiện có khoảng 3.800 startup. Trong đó 11 startup được định giá trên 100 triệu USD và 3 startup được định giá trên 1 tỷ USD, gồm: Momo, VNG và VNLife.
Việt Nam hiện là trụ cột thứ ba trong tam giác vàng khởi nghiệp Đông Nam Á (cùng với Singapore và Indonesia), được đánh giá có sự kết hợp hoàn hảo giữa tài năng công nghệ hàng đầu cùng một văn hóa khởi nghiệp vốn có, tạo sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư toàn cầu.
Một yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành bại của các doanh nghiệp KNST là khả năng tiếp cận nguồn vốn. Bắt đầu từ năm 2019, Nghị định số 38/2018/NĐ-CP được ban hành với những quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo (Nghị định 38), tạo động lực cho sự ra đời và phát triển của các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam.
Theo thống kê của BambuUP, hiện đang có khoảng 210 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động và đầu tư cho các doanh nghiệp KNST tại Việt Nam. Trong đó, có gần 40 quỹ đầu tư nội địa được thành lập theo Nghị định 38 với tổng số vốn điều lệ đạt hơn 100 tỷ đồng. Số lượng nhà đầu tư thiên thần tuy không quá lớn nhưng cũng đang tăng dần.
Báo cáo Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam công bố bởi Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cho biết, tổng số tiền đầu tư mạo hiểm năm 2021 vào các doanh nghiệp KNST Việt Nam đạt 1,4 tỷ USD. Trong đó, theo ước tính của ThinkZone, khoảng 90% của số lượng vốn này là vốn ngoại từ các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài.
Do phần lớn vốn đầu tư là nguồn vốn nước ngoài, các startup Việt thường sẽ phải triển khai theo đề xuất của các nhà đầu tư nước ngoài và thực hiện tái cơ cấu để nhận nguồn vốn hoạt động này. Hiện các nhà đầu tư nước ngoài thường yêu cầu doanh nghiệp KNST Việt Nam tái cơ cấu để thành lập công ty mẹ tại nước ngoài, thường là Singapore, rồi rót vốn vào công ty mẹ này.
“Các cổ đông Việt Nam tại doanh nghiệp KNST khi thực hiện tái cơ cấu sẽ phải thực hiện thủ tục đầu tư ra nước ngoài để thành lập công ty mẹ tại nước ngoài, rồi công ty mẹ phải thực hiện thủ tục đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam - hai lần thực hiện thủ tục đầu tư.
Đây là thực tiễn không chỉ tại Việt Nam mà đã diễn ra tại hầu hết các thị trường mới nổi (emerging markets) như Indonesia, Malaysia, Philippines, Trung Quốc”, báo cáo của Văn phòng Đề 844 cho biết.
Về tổng quan tình hình hoạt động trong năm 2023, trước bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay, hoạt động đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam tiếp tục chững lại, đánh dấu mức giảm 2 năm liên tiếp kể từ năm 2021. Trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị các thương vụ giảm 13%, đạt tổng cộng 427 triệu USD.
Xu hướng này thể hiện rõ ràng hơn ở mức giảm mạnh 40% về số lượng thương vụ, chạm mức thấp nhất kể từ năm 2018 với 56 giao dịch được ghi nhận. Cũng trong năm 2023, số lượng giao dịch giảm đáng kể ở các thương vụ với quy mô gọi vốn nhỏ và trung bình, mức giảm đáng kể nhất là 50% trong các thương vụ có giá trị dưới 500 nghìn USD, cho thấy sự thận trọng và khắt khe của các nhà đầu tư ngay cả với các khoản đầu tư quy mô nhỏ.
Số lượng giao dịch trong phạm vi 10 triệu USD - 50 triệu USD giảm không đáng kể, vẫn duy trì ở mức cao hơn so với giai đoạn trước năm 2022. Xu hướng này cho thấy sự có mặt ngày càng nhiều của các công ty công nghệ “trưởng thành" trong hệ sinh thái KNST của Việt Nam.
Trích dẫn báo cáo của Bain & Company, Văn phòng Đề án 844 cho biết, Việt Nam dẫn đầu về khả năng thu hút các nhà đầu tư trong dài hạn ở khu vực Đông Nam Á. Khảo sát cho thấy các nhà đầu tư nhận định hoạt động đầu tư vào Việt Nam giai đoạn 2025 -2030 sẽ tăng 83% so với hiện nay.
Việc phát triển mô hình quỹ đầu tư KNST và hình thành một môi trường đầu tư KNST minh bạch và an toàn sẽ tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp KNST Việt Nam tiếp cận được nguồn vốn nội và vốn ngoại thực chất và hiệu quả.
Đồng thời, giúp các nhà đầu tư thoát khỏi những lúng túng trong quá trình tổ chức hình thức đầu tư phù hợp với mong muốn của mình.
End of content
Không có tin nào tiếp theo