Khóc...cười cùng những ký ức Trung thu xưa của nhà văn Lê Lựu
Đến gặp nhà văn Lê Lựu vào một buổi sáng của tháng 8 mùa thu, ngay sau khi ông được người bác sĩ quen bấm huyệt xong. Ở cái tuổi thất thập cổ lại hy, Lê Lựu đã già và yếu hơn nhiều so với những người đồng niên khác. Điều này được ông lý giải do trong người ông hiện tại có tất thảy 15 bệnh đang hành hạ như: Tai biến mạch máu não, tiểu đường, gout, phổi, tụy, thận...
Mỗi ngày với ông, những bữa thuốc còn nhiều hơn cả những bữa cơm. Có lẽ bởi tuổi già và bệnh tật ập đến quá nhanh sau một thời lạm dụng sức trẻ, vùi đầu bên những trang viết, cùng đau đớn xót xa, cùng cảm thương với những mảnh đời thấp thoáng chút hình hài của riêng mình. Cũng có lẽ bởi tâm hồn mong manh của con người tài hoa một thời đi qua những nỗi đau, những khắc nghiệt, nên nhà văn rất dễ khóc. Chỉ nghĩ thôi, đôi mắt ông đã thấm đẫm những giọt nước mắt rất đời.
Gói lại trong câu chuyện với ông là một kí ức tuổi thơ đầy hoài niệm, một kí ức tuổi trẻ đầy ám ảnh với những xúc cảm bộn bề của một người gắn cả cuộc đời mình vào sự nghiệp viết lách. Lê Lựu có vóc dáng hiền hậu, gương mặt sáng và ánh mắt lúc nào cũng ngân ngấn nước. Chỉ khi ông cất tiếng nói thì có chút gì đó như vỡ òa, tưởng đâu như tất cả tình yêu dành cho những nhân vật trong từng cuốn tiểu thuyết của ông một đời dồn lại đang trào lên trong những âm sắc không còn tròn vành rõ nét nhưng lại sâu sắc, tinh tế vô cùng. Mỗi câu chuyện cuộc đời qua những hoài niệm của Lê Lựu khiến người đối diện phải ngạc nhiên, bởi trong đó chất chứa những bài học sâu xa nhưng giản đơn đến độ bất cứ ai cũng thấy mình cần phải mang theo, để là một người yêu cuộc sống.
Nói về ký ức ngày Tết trung thu xưa, đôi mắt ông ánh lên một điều gì đó ấm áp, vui vẻ. Những kỉ niệm ùa về có lúc khiến ông bật cười, lại có lúc khiến ông bật khóc như một đứa trẻ. Tết Trung thu với ông là những cuộc chơi rong ruổi suốt buổi mà không sợ bị người lớn la mắng. Những trò chơi ngày Tết trung thu với trẻ em khi ấy cuốn hút ông và những người bạn đồng lứa bởi sự đơn giản, bình dị không quá cầu kì tốn kém nên có thể chơi ở mọi lúc, mọi nơi.
Khi ấy, trẻ em không được mua và tặng nhiều đồ chơi như bây giờ. Những đồ chơi chủ yếu là do ông cùng bạn bè tự tay làm như: đèn ông sao, đèn kéo quân, súng tự chế bằng lá chuối, đại bác làm bằng thân chuối, chong chóng… Khi thì tập trung làm đèn ông sao, những đứa trẻ háo hức đứa xin tre, đứa vót tre, đứa thì đi kiếm những tờ giấy người lớn bỏ đi rồi tô mực xanh – đỏ. Khi thì chạy theo các anh lớn làm đèn kéo quân, nguyên liệu của đèn kéo quân cầu kì hơn một chút bởi chiếc chong chóng là bộ phận quan trọng nhất, nếu xếp không đúng chiều thì cánh quạt không quay và quân đèn sẽ không thể chuyển động được.
Với tác giả Thời xa vắng, Tết trung thu là dịp người lớn và trẻ em cùng tập trung ở sân đình hoặc nhà nào có khoảng sân rộng, cùng nhau bày cỗ ngắm trăng, trò chuyện. Ngày ấy, cả trẻ em và người lớn cùng chơi với nhau, trẻ em luôn được người lớn ủng hộ khi làm những món đồ chơi hoặc chơi những trò chơi cần sự giúp sức. Ông chia sẻ: “ Điều dễ nhận thấy là những trò chơi dân gian truyền thống trong ngày Tết trung thu rất bình dị và có tính hướng thiện, hướng mỗi cá nhân vào những hoạt động lành mạnh. Chính sự mộc mạc, bình dị ấy khiến người với người sống thân thiện, hòa đồng và gắn bó với nhau hơn. Ngày xưa lúc nào cũng vui, trẻ em bây giờ nhiều đồ chơi quá, nhiều thứ để chơi quá nên tình cảm cũng nhạt hơn”
Khi được hỏi, ông có thấy buồn không khi những trò chơi dân gian đang ngày càng mai một bởi cuộc sống hiện tại, thay vào đó là những đồ chơi nhập ngoại ít mang tính giáo dục. Ông nói rất bình thản: “ Tất cả mọi việc nó là như thế, những biến đổi của thời gian cũng như biến đổi về đời sống, về cách sống của mỗi con người vốn là quy luật của cuộc sống, đó là giời định phải thế rồi!”
Có một điều đặc biệt khiến nhà văn Lê Lựu bật khóc khi nhớ về kí ức tuổi thơ của mình với những trò chơi dân gian mang nhiều nét văn hóa dân tộc. Đó chính là kí ức về một ước mơ được nhen nhóm từ khi ông chỉ là một đứa trẻ lên 3, lên 4 tuổi. Khi đó, vào những ngày Tết đoàn viên xum vầy, Lê Lựu thường tụ tập cùng đám bạn trong xóm. Trong khi những đứa trẻ quây quần bên nhau chơi những trò chơi dân gian như Chi chi chanh chành, rối tre… thì những người già trong xóm trải chiếu ngồi nói chuyện về thời cuộc. Khi ấy, nhà văn Lê Lựu đã nghe lỏm được câu chuyện trịnh trọng của lớn về tài năng của những người làm nhật trình.
Câu chuyện về những người làm nhật trình qua lời kể của người lớn cứ sống mãi trong đầu Lê Lựu, ước mơ được trở thành người viết báo cũng lớn lên trong ông từ đó. Để ước mơ ấy thôi thúc ông cầm bút, thôi thúc ông quyết tâm học viết báo từ những ngày đầu tiên học viết chữ. Khoảng thời gian đầu tiên, ông đã viết đến hàng trăm tin mà không được đăng bài nào nhưng vẫn cứ viết, viết miệt mài. Thậm chí khi đi bộ đội, Lê Lựu nhận được rất nhiều bằng khen như Chiến sĩ thi đua, đi Đại hội đoàn toàn quân…vì chịu khó đi trực đêm, bởi mỗi lần trực đêm ấy ông lại được viết, được miệt mài thực hiện đam mê của mình, viết hết giấy ông viết ra cả vỏ bao thuốc lá. Với ông những bằng khen đó đáng trân quý nhưng nghiệp viết như máu thịt ngấm vào từng tế bào cơ thể, thôi thúc ông viết, thôi thúc ông chắp vá những mảnh đời để mang đến cho khán giả những tác phẩm.
Lại một mùa trung thu nữa sắp đến, với những người đã đi qua gần trọn cuộc đời như nhà văn Lê Lựu, đây là dịp để hoài niệm về những gì kí ức đã đi qua trong quá khứ. Cũng là dịp dặn dò, khích lệ các em nhỏ trở về với trò chơi dân gian truyền thống, giữ gìn những nét bản sắc văn hóa dân tộc đang dần bị mai một bởi cuộc sống xô bồ hiện tại. Bởi chính những nét văn hóa dân tộc ấy, chính những giá trị truyền thống bình dị ấy sẽ hướng mỗi cá nhân vào những hoạt động lành mạnh, khiến người với người gần nhau hơn, sống vì nhau hơn để thôi thúc những giấc mơ, những tài năng lớn lên từ những điều tưởng như quá đỗi giản đơn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo