Khởi động công nghiệp vi mạch
Ngày 15.3, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch.
Đây là ngành ưu tiên số 1 trong danh mục công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao cần được ưu tiên đầu tư, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Những bước đi đầu tiên
Vi mạch rất quan trọng khi có quá nhiều ứng dụng cần đến công nghệ này, nhất là các chip vi mạch, trong dân sự như sim card điện thoại di động, chứng minh thư điện tử... đến cả lĩnh vực an ninh quốc phòng. Đặc biệt trong an ninh quốc phòng, các nước đều muốn tự sản xuất chip để đảm bảo an toàn thông tin. Việt Nam cũng không thể đứng ngoài xu thế này. Vì thế, từ năm 2011, UBND TP.HCM đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp vi mạch. Trong năm 2012, UBND TP đã thành lập ban chỉ đạo do Phó chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà làm Trưởng ban. Đến cuối năm 2012, chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP.HCM với các nội dung cụ thể được ra đời.
Ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) - Đại học Quốc gia TP.HCM, thành viên Ban chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP.HCM, cho biết mục tiêu của chương trình này nhằm nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm điện tử, viễn thông sản xuất tại VN. Sản phẩm điện tử, viễn thông có sử dụng vi mạch được thiết kế và chế tạo tại Việt Nam sẽ có giá trị gia tăng từ 15 - 30%; đến năm 2020 doanh thu của riêng ngành vi mạch điện tử sẽ đạt tối thiểu 120 triệu USD. TP.HCM sẽ tập trung phát triển công nghiệp vi mạch điện tử thành một ngành kinh tế chủ lực, làm nền tảng cho sự phát triển chung và thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố… Điểm nhấn quan trọng của chương trình này là hướng đến phát triển những sản phẩm ứng dụng giải quyết những bài toán an sinh của thành phố như giảm ùn tắc giao thông…
Đây là một chương trình khép kín, đồng bộ từ khâu đào tạo, thiết kế, chế tạo chip, chế tạo và sản xuất ứng dụng, kinh doanh, quảng bá sản phẩm. Chương trình sẽ thu hút nguồn nhân lực cao cấp đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành. Ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông đề nghị cần cụ thể hóa các bước đi tiếp theo của đề án và phải xem là việc chung của cả nước chứ chẳng phải việc riêng của TP.HCM.
Cần được hỗ trợ để đột phá
Theo các chuyên gia, đầu tư cho ngành vi mạch là đầu tư dài hạn và bài toán cho ngành này không chỉ có vấn đề tài chính. Ông Nguyễn Văn Thọ, TGĐ TCT Công nghiệp Sài Gòn, cho biết dự án xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch (trị giá khoảng 6.600 tỉ đồng thuộc Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP.HCM) do đơn vị này làm chủ đầu tư đã bắt đầu được nghiên cứu từ năm 2006. Trước đó nhà máy dự kiến sẽ được khởi công từ năm 2012 nhưng chưa thể thực hiện vì thiếu các chính sách hỗ trợ. Nay chính sách đã có nhưng lộ trình thực hiện các thủ tục sẽ còn mất nhiều thời gian. Tiến sĩ Đỗ Văn Lộc, Chánh văn phòng Chương trình trọng điểm quốc gia thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ, cho biết: Hành lang pháp lý cho việc phát triển vi mạch điện tử hầu như đã hoàn tất nhưng vẫn còn một số chính sách chưa triển khai được.
Cụ thể Quyết định của Thủ tướng về việc cho vay đến 80% vốn của các dự án công nghệ và hỗ trợ toàn bộ lãi suất đã ban hành nhưng vẫn chưa có thông tư liên tịch để hướng dẫn thực hiện. Ngoài ra, cũng còn có sự băn khoăn về đầu ra của sản phẩm. Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý khu công nghệ cao TP.HCM, nhận định nhà nước phải là khách hàng lớn nhất cho các sản phẩm này. Nếu không có đặt hàng từ nhà nước thì các nhà đầu tư còn e ngại vì số vốn bỏ ra đầu tư lên đến 300 - 400 triệu USD cho nhà máy sản xuất vi mạch không phải là nhỏ.
Theo ông Lê Mạnh Hà, TP.HCM hiện đã đủ điều kiện về pháp lý cũng như cơ sở hạ tầng để triển khai thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch. Ông Hà đề nghị Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TP.HCM (vừa thành lập và ra mắt vào sáng 15.3.2013) phát huy vai trò tập hợp các DN trong và ngoài nước tham gia phát triển ngành công nghiệp này, cùng với việc nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách, tạo thuận lợi cho hoạt động của các DN.
Gia Huy
Theo TNO
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo