Doanh nghiệp cần hỗ trợ đặc biệt để 'khởi nghiệp không thành sạt nghiệp'
Sinh viên Việt Nam về nhất cuộc thi Tech4Good Châu Á - Thái Bình Dương / Gia tăng tinh thần khởi nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ
Loay hoay bài toán vốn
Ngày 4/5/2025, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân – một dấu mốc quan trọng khi lần đầu tiên khẳng định khu vực kinh tế tư nhân là “một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”.
Trên tinh thần đó, Quốc hội và Chính phủ đã nhanh chóng cụ thể hóa Nghị quyết 68 bằng nhiều chủ trương, chính sách đột phá. Đặc biệt, lần đầu tiên đề xuất xây dựng kênh tín dụng thương mại riêng biệt dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp mới thành lập và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Đồng thời, các chính sách cũng hướng tới hỗ trợ lãi suất khi cần thiết, sử dụng các hình thức bảo đảm linh hoạt hơn như tín chấp hoặc tài sản hình thành trong tương lai, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi và giảm chi phí.
Tại hội thảo khoa học “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế” diễn ra ngày 26/5 tại Hà Nội, ông Nguyễn Đình Thắng – Ủy viên BCH Trung ương Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Công nghệ Hồng Cơ – đã thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc mà các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay đang đối mặt.
“Gần như 100% hoạt động khởi nghiệp hiện nay đều bắt nguồn từ khu vực tư nhân, Nhà nước chủ yếu đóng vai trò giao nhiệm vụ. Nhưng điều quan trọng là phải làm sao để khởi nghiệp không trở thành… sạt nghiệp. Hiện tại, tôi chưa thấy có một cơ chế rõ ràng nào cho vấn đề này", ông Thắng nói.

Theo ông, vấn đề vốn và tài sản thế chấp đang là rào cản lớn nhất với các bạn trẻ khởi nghiệp. Dù đã có chủ trương phân bổ một tỷ lệ GDP cho phát triển khoa học công nghệ, nhưng nguồn vốn này vẫn chưa thực sự đến được tay người cần.
“Có thể do các bạn trẻ chưa đủ điều kiện tiếp cận, hoặc do vướng những ‘khe hở’ trong cơ chế xin – cho”, ông Thắng phân tích.
Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm có cơ chế giám sát chặt chẽ, để bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn, tránh tình trạng “tiêu tiền theo phong trào” mà không tạo ra giá trị thực tiễn.
Chính sách đã mở, cần hành động mạnh mẽ
Một trong những đề xuất nổi bật của ông Nguyễn Đình Thắng là vai trò “đặt hàng” của Nhà nước. Theo ông, trong giai đoạn đầu phát triển, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam rất khó cạnh tranh nếu không có sự đồng hành từ khu vực công – đặc biệt là trong các sản phẩm công nghệ lõi, sản phẩm “Make in Vietnam”.
“Nhà nước cần trở thành khách hàng lớn nhất, đặt hàng các sản phẩm công nghệ của doanh nghiệp trong nước, qua đó nuôi dưỡng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Nếu không có sự hỗ trợ này, chúng ta sẽ luôn ở thế bị động, thậm chí bị loại khỏi sân chơi công nghệ toàn cầu”, ông Thắng cảnh báo.
Theo Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Công nghệ Hồng Cơ, phát triển công nghệ lõi là chìa khóa để đất nước tự chủ, phát triển bền vững. Nếu không làm chủ công nghệ, chúng ta sẽ chỉ là “bãi rác tiêu thụ” công nghệ của thế giới.
Những đề xuất của ông Thắng đã phần nào được phản ánh trong nội dung Nghị quyết 68, khi Nghị quyết lần đầu tiên đề ra 8 nhóm chính sách lớn nhằm phát triển kinh tế tư nhân, trong đó nổi bật là các chính sách về tín dụng, hỗ trợ tiếp cận đất đai, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng đánh giá, việc mở rộng quy định về tài sản bảo đảm và cơ chế lãi suất hỗ trợ sẽ giúp ngân hàng thương mại mạnh dạn hơn trong cho vay với các doanh nghiệp nhỏ và vừa – vốn là đối tượng thường gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng.
“Trước đây, việc này rất khó khăn, lãi suất lại cao. Giờ đây, cơ chế đã cởi mở hơn, chi phí vốn cũng có thể thấp hơn”, Phó Thủ tướng nhận định.
Tuy nhiên, từ chính thực tiễn doanh nghiệp, có thể thấy khoảng cách từ chính sách đến thực thi vẫn còn khá xa. Những nút thắt về cơ chế, quy trình xét duyệt, sự phối hợp giữa các bộ ngành… vẫn cần được tháo gỡ mạnh mẽ, để tinh thần cải cách của Nghị quyết 68 thực sự lan tỏa tới từng doanh nghiệp khởi nghiệp – những hạt giống quan trọng cho tương lai kinh tế đất nước.
“Nếu không nuôi dưỡng các doanh nghiệp khởi nghiệp từ hôm nay, chúng ta sẽ đánh mất thế hệ doanh nhân đổi mới sáng tạo có thể giúp Việt Nam vươn lên tự chủ và hùng cường trong tương lai”, ông Nguyễn Đình Thắng nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo