Khởi nghiệp

Năm 2021: Lối đi nào cho các Startup khát vốn?

DNVN - Trải qua năm 2020 đầy sóng gió, thị trường đầu tư vào startup Việt Nam đã có những tin vui ngay đầu năm 2021 khi Ví MoMo gọi vốn thành công Series D và GoStream - startup cung cấp công cụ livestream đa nền tảng - công bố nhận khoản đầu tư 1 triệu USD từ quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital Ventures.

Đà Nẵng: Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo / Bà Rịa - Vũng Tàu: Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường

Các diễn giả trong hội thảo “Gọi vốn thực chiến: Cơ hội vs. Rủi ro" ngày 21/01/2021.

Các diễn giả trong hội thảo “Gọi vốn thực chiến: Cơ hội vs. Rủi ro" ngày 21/01/2021.

Với những tín hiệu khả quan đó sau một năm ngưng trệ, các startup Việt Nam ngày càng có cái nhìn nghiêm túc hơn trong việc xây dựng mô hình kinh doanh tinh gọn, tính toán thực tế về dòng tiền, tối ưu nguồn lực và tăng cường tiềm lực tài chính thông qua gọi vốn.

Trong khi một số startup huy động được nguồn vốn lớn từ các quỹ đầu tư để phát triển như Tiki, F88 hay Buymed (đơn vị sở hữu Thuocsi.vn), vẫn có những startup không thể trụ vững dù đã được rót vốn như Wefit, Leflair hay Lamita. Cơ hội và rủi ro luôn song hành, vì vậy việc nắm rõ được hình thức, đặc tính, cách tiếp cận các nguồn vốn cũng như những yêu cầu của quá trình gọi vốn sẽ giúp các nhà sáng lập có những bước đi đúng đắn, giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong năm 2021.

Đầu tư - nhận vốn giống như một cuộc hôn nhân

Đánh giá tổng quan về thị trường đầu tư vốn mạo hiểm vào startup Việt Nam thời gian qua tại hội thảo “Gọi vốn thực chiến, Cơ hội vs. Rủi ro” diễn ra sáng ngày 21/1/2021, anh Ngô Anh Ngọc, Founder và CEO Babuki Consulting cho biết, bên cạnh việc dịch Covid-19 khiến các hoạt động gặp gỡ, kết nối với startup bị ngưng trệ, các nhà đầu tư còn có tâm lý thận trọng sau khi chứng kiến một số startup “thổi phồng" mức định giá những năm trước. Đồng thời, pháp lý tại Việt Nam vẫn còn là rào cản, nhiều startup khi muốn nhận vốn phải thành lập pháp nhân tại những nước có khung pháp lý chặt chẽ về tài chính và đầu tư như Singapore. Tuy nhiên, bức tranh đầu tư vào startup trong nước năm qua vẫn có những điểm sáng, như việc Tiki nhận khoản đầu tư 130 triệu USD từ Northstar Group, Siêu Việt Group được Affirma Capital rót vốn 34 triệu USD, hay việc thành lập liên minh 17 quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam (VVCA).

Bên cạnh những nguồn vốn đã trở nên phổ biến như các nhà đầu tư thiên thần (angel investor), quỹ đầu tư mạo hiểm (venture capital), quỹ đầu tư tư nhân (private equity), vốn cộng đồng (crowdfunding), các startup còn có thể tham khảo nguồn đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn.

“Các tập đoàn, doanh nghiệp này giống như những con tàu lớn, có hệ thống bài bản nhưng chuyển động chậm, còn startup như chiếc cano nhỏ lao đi rất nhanh, có thể chuyển hướng với tốc độ cao nhờ mô hình nhỏ gọn. Việc doanh nghiệp lớn đầu tư vào startup với vai trò nhà đầu tư chiến lược sẽ giải được bài toán về tăng tốc độ dịch chuyển và mở rộng quy mô", anh Ngọc cho biết thêm.

Chia sẻ sâu hơn về kinh nghiệm gọi vốn thành công từ quỹ Vietnam Investment Group (VIG) cho thương hiệu Otoke Chicken nổi tiếng, anh Mai Trường Giang, Founder và CEO của chuỗi fastfood này cho biết, startup ngành dịch vụ ăn uống (F&B) sẽ phù hợp để gọi vốn từ các Private Equity (PE) khi khởi nghiệp với 10 điểm bán trở lên, mô hình đã chuẩn hoá có thể nhân rộng và có EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu trừ) dương.

Đối với loại hình đầu tư này, startup cũng cần nhìn nhận rõ cơ hội và rủi ro. Anh Giang phân tích: “Cơ hội ở đây là các PE có nguồn lực tài chính mạnh, giá trị đầu tư của họ có thể lớn hơn cả vốn điều lệ của startup, tạo đòn bẩy giúp startup F&B mở rộng chuỗi nhanh chóng, còn rủi ro là các founder thường thiếu kinh nghiệm quản trị nhà đầu tư và thiếu hiểu biết về pháp lý, dẫn tới những bất đồng trong việc phát triển kinh doanh".

Giải cơn khát vốn luôn là bài toán quyết định thành bại của các startup.

Giải cơn khát vốn luôn là bài toán quyết định thành bại của các startup.

Đối với việc tìm nhà đầu tư phù hợp, các nhà sáng lập từng gọi vốn thành công đều nhận định đây là một quá trình lâu dài, kéo dài hàng năm và founder cần tìm hiểu kĩ về các nhà đầu tư trước khi quyết định. Nói về mối quan hệ giữa nhà đầu tư và startup, anh Phạm Liêm, Cofounder và CGO của GoStream, startup vừa gọi vốn thành công 1 triệu USD từ VinaCapital Ventures, ví von việc đầu tư - nhận vốn cũng tương tự như một cuộc hôn nhân. Có những tiêu chí để chọn lựa nhau và có những thủ tục cần thực hiện sau khi đã tìm thấy “đối tượng” phù hợp.

Với startup, việc hiểu rõ mình đang ở giai đoạn nào và có những quỹ nào phù hợp ở từng giai đoạn rất quan trọng. Ví dụ như startup đã có sản phẩm mẫu (prototype) hoặc đã bán được vài đơn hàng, cần thêm vốn để “tăng tốc” thì gọi vốn Seed round (vòng hạt giống). Ở vòng này, startup có thể tìm đến các quỹ như Cyber Agent Ventures, Zone Startups Vietnam, Do Ventures hay quỹ Next 100. Khi công ty bắt đầu mở rộng hoặc tăng trưởng nhanh, doanh thu và khách hàng đã ổn định ở một mức độ cụ thể nên cần vốn nhiều, các founder sẽ gọi vốn vòng Series A từ các quỹ như VinaCapital Ventures, Wavemaker hay Sequoia Capital. Ở vòng này, startup cần nắm rõ các số liệu tài chính vì quỹ bắt đầu định giá dựa trên doanh thu, EBITDA, dòng tiền. Sang đến giai đoạn tăng tốc để chiếm lĩnh thị trường và giành thị phần thì startup bước sang series B, series C. Các nhà đầu tư có thể tham gia vòng này là VCs và PE, điển hình như Jungle Ventures, Monk's Hill Ventures và Insignia Ventures Partners.

Với mỗi vòng, nhà đầu tư đều có tiêu chí đánh giá riêng, nhưng điểm chung mà startup cần có, theo anh Liêm, là 3 chữ C: “Chân thật", “Cuốn hút" và “Con cái", tương đương với việc minh bạch về báo cáo tài chính và hoạt động, có sức tăng trưởng dựa trên sự hài hoà giữa kinh doanh với công nghệ, và khả năng thoái vốn.

Startup phải học cách lách qua những rào cản về pháp lý

Trong khi nhiều startup founder còn vấp phải rào cản về mặt pháp lý, địa lý, ngôn ngữ, khả năng kết nối và kĩ năng quản trị đối tác khi tiếp cận các tổ chức đầu tư, thì gọi vốn cộng đồng từ các nhà đầu tư cá nhân là một lựa chọn mở. Là một trong những founder tiên phong và thành công trong việc gọi vốn cộng đồng cho Lão Concepts Holding, công ty quản lý hệ thống F&B bao gồm Lão Trư BBQ, Lão Ngưu…, anh Ngô Tuấn Nghĩa, Founder của Lão Concepts Holding chỉ ra sự phù hợp giữa nhà đầu tư sáng lập (startup founder) với nhà đầu tư cộng đồng về nguồn lực sẵn có, phần thiếu hụt và mong muốn.

Trong khi nhà đầu tư sáng lập có mô hình kinh doanh, thời gian, kiến thức và đam mê, sẵn sàng thực chiến nhưng lại thiếu vốn so với quy mô hoạt động, thì các nhà đầu tư cộng đồng có tiền nhàn rỗi lại thiếu kinh nghiệm, đam mê và mô hình kinh doanh. Việc huy động vốn cộng đồng đã giúp Lão Concepts Holding huy động được 50% số vốn cần thiết cho hoạt động 1 năm của cả hệ thống chỉ trong vòng 3 tuần, nhanh hơn rất nhiều so với gọi vốn từ quỹ đầu tư.

“Tuy rất tiềm năng, nhưng mô hình này cũng có những hạn chế và có nhiều điểm cần lưu ý về pháp lý", anh Nghĩa cho biết. “Mô hình này bị giới hạn bởi số lượng cổ đông góp vốn và vốn điều lệ tối đa. Ngoài ra, có nhiều mô hình biến tướng đa cấp, hoặc lừa đảo, khiến nhà đầu tư e dè. Về pháp lý, các nhà sáng lập cần minh bạch và rõ ràng trong các khoản đầu tư khi huy động vốn, phải nghiên cứu kĩ các loại hợp đồng và chỉ huy động đủ số vốn cần để đầu tư và sử dụng đúng mục đích”.

Cũng theo anh Nghĩa, Lão Concepts Holding hiện đang sử dụng mô hình huy động vốn M.O.V.E, gồm Money (tiền), Opportunity (cơ hội), Voucher (cổ tức bằng voucher tiền mặt) và Exchange (quyền chọn quy đổi cổ phiếu hoặc hoàn vốn) để thu hút và giữ được tính minh bạch với các nhà đầu tư cộng đồng.

Các startup phải học cách kể câu chuyện của mình

Với các mô hình đầu tư và nguồn vốn ngày càng đa dạng nói trên, những nhà sáng lập và điều hành công ty khởi nghiệp cần trang bị kiến thức và kĩ năng phù hợp để có thể đưa ra quyết định đúng đắn. Để huy động thành công và sử dụng vốn hợp lý, các founders cần hiểu rõ về dòng tiền, thuần thục trong việc lập và đọc báo cáo tài chính, nắm được phương thức định giá các dạng tài sản của công ty mình. Bên cạnh việc tạo ra sản phẩm độc đáo, giải quyết được nỗi đau của người dùng và tạo tác động tích cực, startup cần học cách kể câu chuyện của mình bởi vì sản phẩm đi cùng câu chuyện mới có thể tạo ra niềm tin cho khách hàng và đối tác. Đó là những bài học giá trị đúc kết từ 25 năm xây dựng, quản lý các doanh nghiệp lớn và hỗ trợ, tư vấn cho các công ty khởi nghiệp của anh Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Starlinks và Thành viên HĐQT công ty Sao Bắc Đẩu.

Cũng theo anh Thắng, founder cần chú trọng tới việc xây dựng và củng cố tôn ti, trách nhiệm và kỉ luật của công ty mình và tận dụng thời điểm hiện tại để bứt phá vì đây là thời điểm rất tốt để khởi nghiệp khi hành lang pháp lý đang được mở ra và nhà nước ngày càng có nhiều chính sách hỗ trợ các công ty khởi nghiệp.

Kathy Trần (CGO Babuki)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm