Không còn đường lùi
Mỗi cơ cấu kinh tế chỉ phù hợp với một thời kỳ nhất định. Mô hình tăng trưởng kinh tế 10 năm qua, nhất là 5 năm gần đây chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư, lao động tạm coi là rẻ, khai thác tài nguyên và lấy doanh nghiệp Nhà nước(DNNN) làm động lực, đã lạc hậu. Trong khi đó, năng suất lao động xã hội rất thấp so với các nước xung quanh và tăng rất chậm. Nên ngay từ bây giờ chúng ta không đổi mới thì 10 năm tiếp theo sẽ rất nguy hiểm. Vì nếu tăng trưởng mà không có phát triển thì càng tăng trưởng đất nước càng nghèo đi.
Từ những bất cập trên, hệ lụy tất yếu là kinh tế vĩ mô bất ổn và lặp đi lặp lại với tần suất ngày càng nhiều, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Tín dụng tăng, tiết kiệm giảm, đầu tư nhiều nhưng kém hiệu quả dẫn đến lạm phát cao, lãi suất cao và đồng tiền luôn chịu sức ép giảm giá. Thâm hụt ngân sách lớn, do phải chi tiêu quá nhiều. Thâm hụt thương mại lớn, do nhu cầu trong nước tăng cao nhưng năng lực sản xuất kém, không đáp ứng được. Bởi thế, đã tới lúc không thể tiếp tục con đường tăng trưởng dựa vào tăng vốn đầu tư được nữa. Vì nếu tăng vốn đầu tư, mà lại bằng vốn vay thì sớm muộn cũng xảy ra đổ vỡ.
Trong tái cơ cấu, nhiều ngân hàng nhỏ sẽ về với ngân hàng lớn Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Tái cấu trúc hai đầu
Theo quan điểm của tôi, muốn thành công, phải đồng thời thực hiện tái cấu trúc cả ba lĩnh vực: Tái cấu trúc đầu tư nói chung, đặc biệt là tái cấu trúc đầu tư công; tái cấu trúc doanh nghiệp nói chung mà đặc biệt là DNNN, mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước; tái cấu trúc thị trường tài chính nói chung, đặc biệt là hệ thống ngân hàng thương mại.
Đây là ba vấn đề cốt lõi của nền kinh tế, tạo nên cơ cấu kinh tế. Vì vậy phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt, được điều hành từ một trung tâm, chứ không phải việc của bộ nào do bộ đó làm và bắt đầu từ những nội dung nằm trong tầm kiểm soát và thẩm quyền quyết định của Nhà nước. Đồng thời, cần thực hiện tái cấu trúc hai đầu.
Đầu thứ nhất, bằng mọi cách phải ngăn chặn, không tiếp tục “sản xuất” ra những công trình, dự án; những ngân hàng thương mại; những DNNN… kém hiệu quả để rồi không tạo được cơ cấu kinh tế phù hợp và sau một thời gian ngắn nữa lại phải ngồi lại để bàn việc tái cấu trúc.
Muốn vậy, ngay bây giờ phải xác định rõ nhà nước phải làm gì và chỉ làm trong phạm vi đó đối với cả ba lĩnh vực trên; phải định rõ những tiêu chí, điều kiện cần và đủ để đưa ra các quyết định về đầu tư các công trình, dự án mới, để thành lập các DNNN, các ngân hàng thương mại mới.
Cầu Thủ Thiêm và hầm ngầm Thủ Thiêm, công trình đầu tư công vừa đưa vào sử dụng Ảnh: Hoàng Hải. |
Chẳng hạn, trong lĩnh vực đầu tư, phải khẳng định sắp tới nhà nước (đầu tư công) chỉ tập trung đầu tư vào những những công trình, dự án tạo ra những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho nền kinh tế (như giao thông; thủy lợi…); những công trình, dự án liên quan đến quốc phòng, an ninh; những công trình, dự án ứng dụng khoa học và công nghệ mới.., tức những công trình, dự án mà tư nhân cả trong và ngoài nước không muốn và không thể làm hoặc vì lý do an ninh không để cho tư nhân làm.
Theo tinh thần đó, trước mắt phải rà soát để sửa ngay những chính sách bất cập, đang gây ra những hậu quả xấu với đất nước. Ví dụ, phải sửa đổi thật nhanh chính sách phân cấp trong quản lý đầu tư. Bởi nó đang tạo cơ chế người người quyết định đầu tư, nhà nhà quyết định đầu tư, hậu quả là chúng ta tự mình “băm” nát đất nước, mà muốn khắc phục nó phải tốn từ 20-30 năm.
Tăng trưởng dựa vào đầu tư Một vài thống kê cho thấy, chúng ta đầu tư nhiều nhưng hiệu quả ngày càng thấp. Và muốn có tốc độ tăng trưởng cao chúng ta càng phải đổ thêm vốn nhiều hơn vào nền kinh tế. Bình quân 5 năm 1991-1995 vốn đầu tư bằng 26,3%GDP, 1996-2000 bằng 33%GDP, 2001-2005 bằng 37%GDP và 2006-2010 bằng 42%GDP.
Tính chung, với mức tăng trưởng GDP của Việt Nam trung bình những năm qua khoảng 7%, nếu năm 1990, yếu tố tăng trưởng dựa trên đầu tư chỉ chiếm 5%, thì năm 2000 lên tới 45% và năm 2010 lên tới 60%.
Đầu tư cao kéo theo việc mở rộng và tăng trưởng tín dụng không phanh. Nếu như năm 1995, tổng đầu tư tích lũy mới chỉ khoảng 100% GDP thì năm 2010, tỷ lệ này lên tới gần 400% GDP. Để đáp ứng lượng đầu tư khổng lồ này, tổng dư nợ tín dụng tăng từ 25% GDP năm 1995 lên tới 135% vào năm 2010... |
Chẳng hạn, như hiện cả nước có tới 18 khu kinh tế biển, với 730 ngàn héc ta mà đến nay mới lấp đầy được 4% diện tích. Không biết bao nhiêu năm nữa chúng ta mới lấp đầy 18 khu kinh tế ven biển và 28 khu kinh tế cửa khẩu đã quyết định đầu tư, gây lãng phí lớn tiền của, công sức của đất nước, góp phần gây mất cân đối vĩ mô.
Vì vậy, trong lĩnh vực đầu tư công, làm gì, làm ở đâu, khi nào cần làm, phân kỳ đầu tư ra làm sao, và tiền ở đâu… phải do trung ương quyết định. Còn làm thế nào, chọn nhà thầu nào… thì giao địa phương, ngành thực hiện, nhà nước chỉ hướng dẫn. Như vậy, mới tránh được tính cục bộ và đầu tư theo nhiệm kỳ, không hiệu quả hiện nay.
Còn đầu thứ hai phải đẩy nhanh việc cổ phần hóa các DNNN trong những lĩnh vực mà nhà nước còn cần nắm giữ, phải thực hiện càng sớm, càng tốt việc thoái vốn mà các DNNN đầu tư ra ngoài ngành; bán những công trình, dự án nhà nước đang đầu tư dở dang ở những ngành, lĩnh vực mà theo quan niệm mới nhà nước không cần đầu tư… hoặc bán các DNNN mà nhà nước không còn có nhu cầu nắm giữ. Chủ trương bán, khoán, cho thuê DNNN chúng ta đề ra từ lâu, nhưng trước đây làm không thành công, do quan điểm chưa thật rõ ràng, chưa rạch ròi được cái gì thì bán, cái gì để lại.
Khi bán, bán một cách công khai, bảo đảm lợi ích của các bên, chắc chắn có người mua bởi, hiện doanh nhân trong nước bây giờ đã có tiền để mua, có kinh nghiệm quản lý. Tiến tới, nhà nước chỉ làm chính sách khuyến khích đầu tư, kinh doanh; tạo những điều kiện tiền đề cần thiết cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (giao thông, năng lượng…); và làm nhiệm vụ thu thuế.
Nhìn lại chiến lược phát triển kinh tế-xã hội trong vòng 30 năm (1991-2020), để đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2020, chúng ta đã đi được hơn 2/3 chặng đường. Thời gian còn lại, còn quá ít. Chúng ta không còn nhiều thời gian để bàn bạc, nên từ năm 2012 phải hành động quyết liệt để sớm hoàn thành việc cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy việc nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam. Nếu hành động quyết liệt ngay từ 2012, thì sớm cũng phải mất vài ba năm cho việc tái cơ cấu. Nếu không, thì hậu quả có thể nhìn thấy trước.
Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng KH&ĐT
Bá Kiên - Phong Cầm (ghi)
Bà Phạm Chi Lan: Cổ phần hóa toàn bộ DNNN
Việc tái cơ cấu DNNN, cách tốt nhất là phải cổ phần hóa. Nếu không cổ phần hóa, thu hút vốn từ bên ngoài vào thì chúng ta không thể có doanh nghiệp sản xuất hàng đầu như Vinamilk, Reeteck của REE... Tuy nhiên, cách thức cổ phần hóa thời gian tới phải làm khác. Một là phải minh bạch tối đa, hai là mở tối đa cho các nhà đầu tư tư nhân bên ngoài. Nhà nước chỉ nên giữ lại 20% còn 80% là bán ra, thông báo công khai. Nếu có dành cho công nhân cũng chỉ đưa ra mức phù hợp, 5% hay 10%.
Khi cổ phần hóa với ý nghĩa đích thực tức là thu hút được đầu tư từ bên ngoài vào thì mới mang lại lợi ích. Còn cổ phần mà chỉ khép kín trong bản thân đơn vị, kể cả nhằm để công nhân có cổ phần và biến thành người chủ, thì thực tế sau đó các ông chủ công nhân đều bán hết cổ phần của mình và lại tiếp tục là người làm thuê. Những ông chủ mới và các cá nhân góp vốn khác là những người chia sẻ những lợi ích đó. Nếu không làm đúng, cổ phần hóa sẽ là kênh cho tham nhũng, là cơ hội cho các quan chức không mất đồng vốn nào nhưng vẫn có số cổ phiếu lớn trong doanh nghiệp.
TS Lê Đăng Doanh: Cần một ĐỔI MỚI 2
Tình hình khách quan đã chín muồi để đòi hỏi một Đổi Mới lần thứ hai một cách sâu sắc, toàn diện. Khác với lần Đổi Mới thứ nhất chủ yếu là cởi trói và giải phóng sức sản xuất, Đổi Mới lần này đỏi hỏi phải nâng cao chất lượng của bộ máy, chính sách, phải tiến hành phẫu thuật, cắt bỏ những ung nhọt đang gây ra những căn bệnh kéo dài của nền kinh tế và xã hội.
Một số nhóm lợi ích đang được hưởng lợi rất lớn hiện nay sẽ không ủng hộ một cuộc Đổi Mới như vậy, tìm cách trì hoãn và ngăn cản một công cuộc cải cách như vậy. Đó là nhiệm vụ khó khăn cần phải vượt qua và cũng là sứ mệnh vẻ vang của thế hệ lãnh đạo hiện nay. Theo tôi, cần sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách, giảm hẳn các khoản chi tiêu còn để ngoài ngân sách, thực hiện sự giám sát đầy đủ, chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan dân cử về chi tiêu ngân sách. Cần sửa đổi, bổ sung Luật mua sắm công, ban hành Luật Đầu tư công nhằm hạn chế tham nhũng, lãng phí, chia chác trong nhóm lợi ích.
|
Theo Tiền phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo