Không khí bẩn, bệnh phổi tăng 10-20 lần
Số người mắc bệnh phổi mạn tính số mắc tăng tới 10 – 20 lần so với 10 năm trước. TS Đinh Ngọc Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư, nhận định.
Bệnh nhân mắc phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một trong những người gánh hậu quả rõ nhất của không khí thiếu trong lành. Ông Nguyễn Văn Ninh (59 tuổi, ở phố Lý Văn Phúc, Hà Nội) năm nay 59 tuổi nhưng ai cũng bảo ông phải 70 tuổi.
Nhiều năm ông bị COPD, thường xuyên khó thở, ít đi lại, các sinh hoạt cá nhân đều cần có sự giúp đỡ của người nhà. Ông Ninh hút thuốc lá gần 20 năm, nhà ông chật chội, sử dụng than tổ ong.
Các bác sĩ Bệnh viện Phổi T.Ư cho hay, đó là những lý do dẫn đến việc mắc bệnh của bệnh nhân này. Hay như bà Nguyễn Thị Nga (60 tuổi, ở phố Đội Cấn, Hà Nội) vốn là một giáo viên cấp II.
Gần 30 năm đứng trên bục giảng, ngày nào cũng hít bụi phấn, khi đó còn là phấn bột. Mới đây, bà Nga nhập viện vì những cơn khó thở và được chẩn đoán mắc COPD.
Theo Th.s Đào Bích Vân, Trưởng khoa Thăm dò phục hồi chức năng Bệnh viện Phổi T.Ư, có tới 95% bệnh nhân COPD là những người sống và làm việc ở môi trường ô nhiễm.
Bệnh nhân nam là người hút thuốc lá, làm công nhân nhà máy xi măng, nhựa đường, nhà máy nghiền đá… Bệnh nhân nữ, thường là làm công nhân những nhà máy nói trên, là người bán hoa quả ngoài đường, thợ may, người nội trợ hay đun than tổ ong…
Vì thế, trước khi chữa bệnh, điều đầu tiên mà bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân là tách khỏi các yếu tố nguy cơ như: Dừng hút thuốc lá, không dùng than tổ ong và cố gắng sinh hoạt trong không khí trong lành hơn. Một người hút thuốc lá trung bình 10 – 15 điếu/ngày thì chỉ sau 2 năm, họ đã có nguy cơ bị COPD, nặng hơn là ung thư phổi.
Gánh nặng cho xã hội
Năm 2005, chỉ có khoảng 30% bệnh nhân vào Bệnh viện Phổi T.Ư là bệnh nhân COPD, nhưng nay con số lên tới 60 – 70%. Hầu hết người bệnh đều có tình trạng suy giảm chức năng hô hấp, sức khỏe kém.
Khi chức năng hô hấp, kém kéo dài, người bệnh phải gắng sức thường xuyên nhưng vẫn không hít đủ lượng khí trao đổi cần thiết, từ đó các tế bào và cơ quan vẫn thiếu oxy dẫn đến rối loạn chức năng của tất cả tổ chức, đầu tiên là hệ tim mạch, hệ thần kinh trung ương, bộ não, hệ tiêu hóa, hệ tiết niệu... Vì thế, người bệnh rất dễ là gánh nặng của gia đình và xã hội.
Không chỉ là bệnh thường gặp, tỷ lệ mắc COPD trong dân số đang tăng nhanh. Căn bệnh gây tử vong rất cao này chỉ đứng sau bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não.
COPD đang đứng hàng thứ 6 trong 10 bệnh thường gặp nhất. PGS. TS. Ngô Quý Châu, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, khoảng 30% bệnh nhân khoa Hô hấp của bệnh viện này là người mắc COPD.
Th.s Nguyễn Kim Cương, Trường ĐH Y Hà Nội, nói rằng, sự gia tăng số bệnh nhân COPD, lao, hen… những năm gần đây là tiếng chuông báo động về điều kiện sống kém, trong đó có yếu tố không khí bẩn.
Nhiều người dân hình thành thói quen đeo khẩu trang khi ra đường với hy vọng giảm thiểu tiếp xúc với khói, bụi ô nhiễm.
Đối với người đã bị bệnh đường hô hấp, khẩu trang có tác dụng hạn chế lây nguồn bệnh của họ ra cộng đồng, đồng thời khiến bệnh không nặng thêm. Còn tác dụng ngăn ngừa mắc bệnh hô hấp thì chưa thể khẳng định.
Thái Hà (TPO)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh