Tin tức - Sự kiện

Không mở tràn lan khu công nghiệp

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định, việc rà soát và điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp (KCN) thời gian vừa qua sẽ góp phần quan trọng để loại bỏ được tình trạng quy hoạch treo.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)


Thưa ông, Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định điều chỉnh quy hoạch các KCN của 31 địa phương và trước đó là nhiều tỉnh, thành phố khác. Vì sao lại có chuyện này?


Sau hơn 20 năm phát triển, KCN được đánh giá là mô hình hiệu quả để thu hút đầu tư. Hiện các KCN đã thu hút được trên 60% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, trong đó FDI trong lĩnh vực công nghiệp chiếm 85%, giải quyết việc làm cho trên 2 triệu lao động… Các dự án lớn của Samsung, LG… đều nằm trong các KCN.

Tuy nhiên, quá trình hơn 20 năm phát triển mô hình này cũng đã cho thấy một số hạn chế, như chất lượng quy hoạch chưa cao, một số KCN quy hoạch chưa đúng tiềm năng, vấn đề môi trường trong các KCN cũng còn nhiều vấn đề… Hơn nữa, quy hoạch KCN cũ từ năm 2006 không còn phù hợp. Vì thế, Chính phủ đã yêu cầu phải rà soát và điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN đến năm 2020.

Cụ thể, quy hoạch KCN được điều chỉnh thế nào, thưa ông?


Tại Văn bản 2628/TTg-KTN ngày 22/12/2014, Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh quy hoạch KCN cho 31 tỉnh, thành phố. Nguyên tắc chung là chỉ giữ nguyên, hoặc giảm diện tích KCN, chứ không tăng. Nếu tăng thì tăng rất ít.

Cụ thể, Chính phủ đồng ý đưa ra khỏi quy hoạch 5 KCN và giảm diện tích 6 KCN chưa được thành lập tại 5 tỉnh, với tổng diện tích 1.871 ha; giảm diện tích 16 KCN đã được thành lập tại 9 tỉnh, thành phố, với tổng diện tích 1.500 ha; đồng thời điều chỉnh diện tích 4 KCN đã được thành lập, với tổng diện tích tăng thêm 49 ha. Như vậy, tổng diện tích điều chỉnh giảm rất lớn, lên tới 3.371 ha, nhưng diện tích tăng thêm không đáng kể.

Ngoài văn bản kể trên, Chính phủ thời gian qua đã có 16 quyết định riêng lẻ về quy hoạch phát triển KCN của 16 tỉnh, thành phố khác và xu hướng chung vẫn là giảm diện tích KCN. Hiện còn 14 địa phương chưa hoàn tất quy hoạch KCN, nhưng nguyên tắc chung vẫn là chỉ giảm, chứ không tăng diện tích KCN.

Rà soát quy hoạch là nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư KCN. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nhấn mạnh công tác bảo vệ môi trường, nên đã yêu cầu các tỉnh có KCN đang hoạt động, nhưng chưa có nhà máy xử lý nước thải phải lập lộ trình xây dựng, phương án và báo cáo Thủ tướng. Những tỉnh có tỷ lệ lấp đầy thấp cũng phải báo cáo thường xuyên.

Việc rà soát, loại bỏ một số KCN được dựa trên các tiêu chí nào, thưa ông?

Chúng tôi rà soát các KCN dựa trên việc xem xét KCN đó còn phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương không, có thuận lợi giao thông để phát triển không… Tương tự, những dự án vướng mắc giải phóng mặt bằng quá lâu cũng được xem xét trong quá trình rà soát.

Thưa ông, liệu việc rà soát lại quy hoạch KCN một cách chặt chẽ như vậy có giúp giải quyết được vấn đề quy hoạch treo các KCN mà dư luận thường nhắc tới lâu nay không?

Có thể sẽ loại bỏ được tình trạng đó, vì chúng ta đã và sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch. Bất cứ dự án KCN nào đầu tư không hiệu quả, không thu hút được nhà đầu tư thì địa phương phải giải trình.

Một khía cạnh khác cũng cần nói tới, đó là khi diện tích KCN bị giảm đi, việc mở rộng KCN cũ bị hạn chế, thì các nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng KCN sẽ tập trung hơn, nghĩa là chúng ta có thể phân bổ nguồn lực theo đúng mong muốn của mình hơn.

Điều này liệu có góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư vào các KCN không, thưa ông?

Việc thu hút đầu tư phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng với quy hoạch KCN mới này, tôi cho rằng, chúng ta sẽ thu hút đầu tư tốt hơn. Bởi không mở KCN tràn lan, chặt chẽ từ khâu quy hoạch, rồi thành lập KCN, cộng thêm việc Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi mới đây có một số cơ chế ưu đãi khi đầu tư vào KCN, đồng thời Chính phủ Việt Nam cũng đang nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư vào KCN, bao gồm cả đầu tư hạ tầng và nhà đầu tư thứ cấp sẽ tốt hơn.

Thưa ông, quy hoạch KCN đã được duyệt, nhưng gần đây, hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài lớn, như VSIP (Singapore), Amata (Thái Lan), Sojitz (Nhật Bản)… đều đang lên kế hoạch đầu tư các dự án KCN, đô thị, dịch vụ quy mô lớn ở Việt Nam. Vậy có còn cơ hội cho họ không?


Quy hoạch chỉ mang tính định hướng, về cơ bản là sẽ được rà soát thường xuyên. Hiện nay, có 41 KCN được phát triển bởi các nhà đầu tư nước ngoài và các khu này đều hoạt động tương đối tốt. Vì thế, nếu nhà đầu tư nước ngoài đề xuất dự án tốt, cơ hội dành cho họ vẫn còn. Họ có thể đầu tư vào các dự án KCN hiện hữu chưa có nhà đầu tư, hoặc các địa phương nếu xét thấy các KCN đã có trong quy hoạch, nhưng chưa thực hiện, thì có thể loại bỏ khu cũ để bổ sung khu mới. Thậm chí, nếu ở địa phương đó mà tất cả các KCN đã được đầu tư, nếu khẳng định dự án đó tốt, lấp đầy 60%, thì vẫn có thể xem xét để cho mở KCN mới.

Tinh thần chung thì đó là một quy hoạch mở, nhưng mục tiêu vẫn phải là phát triển bền vững, đồng thời tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để thu hút được những dự án quy mô lớn.

Báo Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo