Thị trường

Không nên quá phụ thuộc vào công ty mua bán nợ

Mua bán nợ xấu chỉ là biện pháp tình thế, không thể giải quyết được nợ xấu của toàn bộ hệ thống ngân hàng. Vì thế, các doanh nghiệp phải tự thân vận động là chính, không nên quá phụ thuộc vào công ty mua bán nợ . (TS Vũ Viết Ngoạn, chủ nhiệm Ủy ban giám sát tài chính quốc gia).

Theo TS Vũ Viết Ngoạn, chủ nhiệm Ủy ban giám sát tài chính quốc gia: Một số nước áp dụng các biện pháp mạnh như Chính phủ đứng ra mua lại nợ xấu, chỉ trong vòng mấy tháng là xử lý, tái cơ cấu xong hệ thống ngân hàng. Còn ở Việt Nam do không có đủ nguồn lực nên sẽ có cách làm riêng. Trong đó, mua bán nợ xấu chỉ là một trong những giải pháp mà thôi. Thông qua đó, doanh nghiệp sẽ có điều kiện tiếp cận vốn, ngân hàng có điều kiện cho vay.

 

Nhưng đây cũng chỉ là biện pháp tình thế, chứ không thể giải quyết được nợ xấu của toàn bộ hệ thống ngân hàng. Vì thế, các doanh nghiệp phải tự thân vận động là chính, không nên quá phụ thuộc vào công ty mua bán nợ.

 

TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết: Tốc độ tăng trưởng tín dụng trong năm tháng đầu năm 2012 vẫn âm dù rằng các ngân hàng dư tiền. Nút thắt dòng vốn tín dụng ra thị trường của các ngân hàng đó là nợ xấu.

 

Nợ xấu ngân hàng tăng cao nên các ngân hàng không dám cho doanh nghiệp vay. Giải quyết xong vấn đề nợ xấu, các ngân hàng mới mạnh dạn cho vay mới. Đó là lý do, việc ngân hàng nhà nước dự kiến thành lập công ty mua bán nợ xấu để xử lý khoảng 100.000 tỉ đồng là một tin vui đối với thị trường. Đây là cơ chế  tốt giúp hệ thống ngân hàng giải quyết được vấn đề nợ xấu tồn đọng. Thông qua đó giúp quá trình cung ứng vốn cho nền kinh tế được tốt hơn.

 

Trao đổi với PV Người đưa tin về vấn đề này, chuyên gia kinh tế  Phạm Chi Lan cho biết: Việc thành lập Công ty mua bán nợ là ý tưởng rất tốt. Một doanh nghiệp không xử lý được nợ thì phải cần đến một công ty khác giúp đỡ. Đây sẽ là cứu cánh cho nhiều doanh nghiệp. Nhưng cần tính toán kỹ các quy định, để những doanh nghiệp có nợ xấu được mua nợ công bằng. 

 

Có những công ty làm ăn không minh bạch, tạo ra các khoản nợ xấu nhưng vẫn muốn được mua nợ thì cần phải xem xét lại. Quy chuẩn của công ty do ai đề ra, và sẽ làm việc như thế nào. Để xử lý các khoản nợ, cần một số tiền không nhỏ. Vậy, tiền này sẽ lấy từ đâu…cũng là những vấn đề phải bàn bạc, cân nhắc.

 

Còn TS Cao Sĩ Kiêm - Nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chia sẻ: Tôi tán thành việc Nhà nước đứng ra mua, bán nợ xấu, nhưng phải làm thận trọng dựa trên cơ sở đánh giá rủi ro của từng khoản nợ xấu.

 

Chính phủ và các ngân hàng sẽ rà soát, đánh giá lại năng lực của từng doanh nghiệp. Chỉ bơm vốn cho các doanh nghiệp  có tiềm lực phát triển trong tương lai nhưng đang gặp khó khăn tạm thời vì thiếu vốn. Trong bối cảnh doanh nghiệp ốm yếu hiện nay, phải có cú hích đủ mạnh thì doanh nghiệp mới bật lên được. Đừng để đến lúc doanh nghiệp được đổ cháo, nhưng đã hết sức để ăn.

 

Chuyên gia Đinh Thế Hiển, giám đốc Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng nhận định: Nếu phát hành trái phiếu để huy động vốn cho công ty mua bán nợ này thì cần xem xét kỹ nguyên nhân dẫn đến nợ xấu. Đơn cử nợ xấu tăng cao là do quản trị yếu kém thì ngân hàng phải tự chịu thiệt hại. Ngay cả những đơn vị được cứu cũng cần công bố rõ và tại sao được cứu, cách thức cứu và phương thức thoái vốn của nhà nước...

 

Vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng hiện nay khác thời điểm 1990 - 1991. Hiện nay là kinh tế thị trường, việc giải cứu phải theo cơ chế thị trường, nếu không sẽ như muối bỏ bể. Giải pháp cứu nền kinh tế là phải cung tiền ra nhưng cũng phải  có biện pháp hút vào để không ảnh hưởng lạm phát.

 

TS Lê Đạt Chí - Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho biết: Không nên vội vàng thực hiện giải pháp mua lại nợ xấu của ngân hàng. Điều đó sẽ đưa đến hệ lụy là cung tiền vào nền kinh tế sẽ gia tăng (dù mức gia tăng lớn hay nhỏ còn phụ thuộc vào kỹ thuật thực hiện). Đây là nguyên nhân dễ gây nên lạm phát cao.

 

Muốn mua lại nợ xấu thì cần thiết phải làm rõ nợ xấu đó của ai bởi trên thế giới, không có bất kỳ nhà nước nào đi mua lại nợ của khối tư nhân. Đó là chưa kể nếu mua lại nợ từ các ngân hàng thương mại thì cũng chưa chắc ngân hàng đó sẽ đưa tiền vào nền kinh tế. Trong trường hợp muốn mua lại nợ xấu của khối doanh nghiệp nhà nước thì nên xem xét và áp dụng mô hình xử lý nợ của Trung Quốc.

 

Theo NĐT

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo