Tin tức - Sự kiện

Không thể tiếp tục xuất khẩu lao động bằng mọi giá

“Xuất khẩu lao động là cần thiết nhưng không phải là bằng mọi giá. Chúng ta phải lấy chất lượng thay cho số lượng”

Trả lời phỏng vấn của phóng viên , ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định “không thể tiếp tục xuất khẩu lao động bằng mọi giá”. 

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội
 
PV: Chương trình xuất khẩu lao động ở các huyện nghèo theo Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện từ năm 2009. Ông có thể đánh giá về kết quả thực hiện Đề án này?
 
Ông Bùi Sỹ Lợi: Chúng ta muốn đưa một bộ phận lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài để giải quyết 2 vấn đề. Một là, nâng cao thu nhập để giảm nghèo. Hai là, đào tạo một đội ngũ công nhân kỹ thuật có trình độ, có tác phong công nghiệp tiên tiến để có thể trở về phát triển kinh tế gia đình, xã hội các huyện nghèo miền núi. Quyết định 71 là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, cho đến nay, sau nhiều năm thực hiện, Quyết định này không đạt được mục tiêu đề ra. Chúng ta chỉ đạt 1/3 mục tiêu. Nhưng một điều đáng phải suy nghĩ là đưa đi như vậy nhưng số lượng lao động về trước hạn cũng rất nhiều. Hiệu quả kinh tế của những người làm việc ở nước ngoài không cao, đời sống khó khăn và lần lượt phải trở về nước trước hạn vì không đáp ứng được yêu cầu về ngoại ngữ, kỹ thuật, yêu cầu về sức khỏe và một số yêu cầu khác.
 
Chúng ta ưu tiên giải quyết đời sống cho người lao động nghèo, xã nghèo, huyện nghèo. Nhưng thực chất khi họ trở về, lại nghèo thêm do phải gánh thêm gánh nợ ngân hàng. Rõ ràng, 2 mục tiêu: giải quyết việc làm và hoàn vốn lại cho Nhà nước là không đạt được. Nói một cách tổng quát là: Quyết định là đúng đắn; mục tiêu đặt ra rất cụ thể, rõ ràng nhưng chúng ta không đạt được mục tiêu đó, chất lượng rất thấp. Quyết định 71 đã bị phá sản!
 
PV: Ông có thể phân tích tại sao không đạt các mục tiêu đề ra?
 
Ông Bùi Sỹ Lợi: Yêu cầu của chúng ta là phải bổ túc văn hóa. Trình độ văn hóa của người lao động ít nhất đủ khả năng tiếp cận về kỹ thuật khi đi làm việc ở nước ngoài. Yêu cầu thứ 2 là người lao động phải được đào tạo nghề. Thứ 3 là phải học ngoại ngữ. Cả 3 vấn đề đó chúng ta đều làm nhưng lại bỏ quên mất chất lượng, không kiểm tra, giám sát những doanh nghiệp đứng ra làm những việc này một cách bài bản, cụ thể. Các cơ quan cấp huyện, tỉnh và Trung ương chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực thi vấn đề này không bài bản! Tôi cho rằng, phải xem lại các doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động. Chúng ta đã không đào tạo bài bản, không giáo dục tác phong lao động, tác phong công nghiệp và ngoại ngữ, truyền thống, văn hóa, cách thức ứng xử của người lao động ở nước mà họ đến làm việc.
 
PV: Nhà nước bỏ tiền ra hỗ trợ người nghèo học văn hóa, học nghề, học ngoại ngữ để đủ khả năng đi lao động xuất khẩu. Nhưng thực tế cho thấy, người nghèo chưa được thụ hưởng trọn vẹn chính sách này. Theo ông, trách nhiệm thuộc về ai?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Trách nhiệm này thuộc về chính quyền địa phương, người trực tiếp quản lý người lao động mà không nắm được người lao động có đáp ứng được 3 yêu cầu đó hay không. Trong vấn đề lựa chọn, giới thiệu, xác nhận cho vay vốn… trách nhiệm của chính quyền để đâu? Trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý Nhà nước. Chúng ta không thể có một cách lý giải nào để ngụy biện cho vấn đề này cả. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý không nghiêm minh. Chúng ta giáo dục chưa tới để người lao động thấy rằng, việc đi lao động xuất khẩu là hoàn toàn tự giác và theo mong muốn của người ta. Tôi đi giám sát, thấy rằng hình như một số người lao động ra đi như thể bị ép buộc bởi gia đình hay chính quyền.
 
PV: Thưa ông, hệ thống chỉ tiêu giám sát, đánh giá Đề án này chưa có. Đó có thể là nguyên nhân khiến công tác thanh tra, giám sát và quản lý việc thực hiện Đề án này bị buông lỏng?
 
Ông Bùi Sỹ Lợi: Đúng là như vậy. Chúng ta không hề có một bộ chỉ số nào để đánh giá. Người ta nói phải bổ túc văn hóa ít nhất 12 tháng. Vậy người lao động đi đạt trình độ văn hóa chưa? Chưa đánh giá được. Trình độ tay nghề đạt đến đâu, có đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp ở nước mà người lao động đến? Chúng ta chưa đánh giá được. Ngoại ngữ có tiếp cận được chủ - người sử dụng lao động không, có thể tự mình sinh hoạt được trong cuộc sống, biết được mình được phân công làm việc gì và để bảo vệ cho lợi ích, quyền lợi của mình? Điều đó cũng không đánh giá được. Chúng ta không có bộ chỉ số để đánh giá cụ thể thì làm sao chúng ta có thể đạt được ý nguyện.
 
PV: Bây giờ, nghe nói tới xuất khẩu lao động, đặc biệt sang thị trường Malaysia, người lao động thấy sợ. Lãnh đạo địa phương các huyện nghèo cũng không mặn mà nữa. Các doanh nghiệp cũng không còn thiết tha. Theo ông, muốn tiếp tục thực hiện Đề án này cần giải quyết những vấn đề gì?
 
Ông Bùi Sỹ Lợi: Một Quyết định mà cả 3 đối tượng tham gia đều chán nản, đều không muốn thực hiện thì rõ ràng chúng ta phải thay đổi. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải tính toán, xem xét lại. Chủ trương đúng nhưng nếu không thay đổi cách thức, không thay đổi cách làm và không làm một cách bài bản thì nguy cơ mất thị trường lao động của Việt Nam ở nước ngoài là nhãn tiền.
 
Tôi nghĩ đã đến lúc phải có đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ và phải sửa đổi Quyết định 71 này. Một là phải chọn những người có trình độ văn hóa, được đào tạo ngoại ngữ, được huấn luyện tay nghề và phải hiểu được phong tục, tập quán của nước mà người lao động sẽ đến làm việc. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phải tham mưu cho Chính phủ sửa lại Quyết định này để đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động và xử lý được những vấn đề tồn tại trong 5 năm vừa qua.
 
PV: Nhưng có lẽ mục tiêu của Đề án cũng nên được điều chỉnh lại, thưa ông?
 
Ông Bùi Sỹ Lợi: Mục tiêu, tôi nghĩ, mỗi năm, cũng không nên đặt ra 10 nghìn hay mấy nghìn. Vấn đề là có bao nhiêu lao động đạt được yêu cầu để đưa đi. Đưa đi được lao động nào, chắc chắn lao động đó trở về có thu nhập, cải thiện được đời sống và không phải về giữa chừng. Chúng ta đang trong thời kỳ dân số vàng. Lực lượng lao động rất lớn. Xuất khẩu lao động là cần thiết nhưng không phải là bằng mọi giá. Chúng ta phải lấy chất lượng thay cho số lượng. Chúng ta đưa đi chỉ đạt 1/10 mục tiêu đề ra nhưng người lao động đi có việc làm, có thu nhập để trả được nợ vay của Nhà nước. Khi trở về, người ta còn có nguồn kinh phí, tay nghề để lập nghiệp, đảm bảo sinh kế lâu dài hơn.
 
Tôi nghĩ rằng, không có công việc nào chạy theo số lượng mà đạt được hiệu quả cả. Trong thời đại ngày nay, với xu thế phân công lại lao động quốc tế thì chất lượng phải đặt lên số một. Tôi cho rằng, đã đến lúc, xuất khẩu lao động của chúng ta không thể bằng mọi giá. Bằng mọi giá để đưa người lao động đi xuất khẩu là hình thức “đem con bỏ chợ”.
 
PV: Trân trọng cảm ơn ông!.
VOV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo