Tin tức - Sự kiện

Không vì “cái ghế” mà nói khác đi

Trao đổi trước Kỳ họp Quốc hội thứ 8, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Lê Như Tiến nhấn mạnh: “Đại biểu phải thực sự độc lập để có thể phản biện, nói tiếng nói của dân. Và như vậy, anh không nên để cho người khác vỗ vai mình. Và một ai đó vỗ vai đại biểu cũng không nên...”.

ĐBQH Lê Như Tiến

 Bản lĩnh để nói điều dân nghĩ

Đã nhiều năm làm ĐBQH, theo ông phẩm chất nào của đại biểu là quan trọng nhất?

Trước hết ta phải hỏi ĐBQH là ai? Đại biểu chính là người đại diện, thay mặt cử tri, nhân dân không chỉ ở nơi mình ứng cử mà là cho cả nước. Vì vậy đại biểu phải dám nói lên được tiếng nói đúng đắn, tâm tư nguyện vọng, ý chí của dân.

Có thể tiếng nói đúng đắn đó không phù hợp với một số vị quan chức hay cơ quan nhà nước, vậy anh có nói không? Có bản lĩnh thì phải dám thay mặt nhân dân để nói trên nghị trường những tiếng nói như vậy.

Và để nói được, anh phải có kỹ năng hoạt động QH. Nếu không thì dù hiểu đấy, biết đấy nhưng anh sẽ không thể nói lên được. Còn những phẩm chất khác, tôi nghĩ ở cương vị nào trong cơ quan nhà nước cũng đều phải có.

Theo ông, cần những điều kiện nào để ĐBQH có thể nói lên được tiếng dân?

Đại biểu là người thay mặt nhân dân, quyết định những vấn đề quan trọng. Là người thay mặt nhân dân đưa ra quyết sách, xây dựng pháp luật, giám sát các cơ quan nhà nước, đại biểu phải có đủ thông tin, có kỹ năng phản biện và hiểu biết.

Nhưng mỗi đại biểu không thể tự biết mọi thứ, cần phải có bộ máy, đội ngũ chuyên gia để giúp đại biểu đưa ra quyết định đúng. Và bản thân cơ quan nhà nước cũng phải tạo điều kiện để Đại biểu hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Nhưng cũng có ĐBQH e dè, ngại đụng chạm, sợ ảnh hưởng quyền lợi địa phương, bộ ngành mình, nên chưa thể nói được tiếng nói của dân. Hoặc cũng có thể, vì giữ quá nhiều vai nên tính độc lập của đại biểu bị giảm sút?

Nếu anh nói theo tiếng nói lợi ích của bộ ngành, anh chính là người của bộ ngành đó. Cho nên quan trọng nhất, ĐBQH phải có tính độc lập. Độc lập mới có thể phản biện được.

Một quyền năng rất lớn của đại biểu là thay mặt dân giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước. Nhưng cần tạo điều kiện để đại biểu hoàn thành nhiệm vụ đó. Luật cho phép đại biểu được tự mình đi giám sát, nhưng những điều kiện đi theo chưa đủ nên thực tế đại biểu rất khó thực hiện.

Do quen việc giám sát theo đoàn, đi đâu là “tiền hô hậu ủng”, nên một ĐBQH khóa 12 tự mình đi giám sát đã bị địa phương “hiểu lầm”, gây khó khăn.

Ở các nước, đại biểu có thể tự mình xây dựng, trình dự án luật. Nhưng đại biểu của mình còn hạn chế về cơ chế, tài chính, thiếu bộ máy giúp việc. Chính vì vậy, tính độc lập của đại biểu có thể mờ nhạt.

Tín nhiệm thấp thì nên từ chức

Đại biểu có quyền năng rất lớn là bỏ phiếu tín nhiệm người mình bầu ra và QH khóa XIII đã thực hiện được việc này. Ông đánh giá thế nào về thực hiện quyền lấy phiếu thăm dò tín nhiệm thời gian qua?

Nghị quyết 35 của QH lần đầu tiên hiện thực quy định về quyền lấy phiếu, bỏ phiếu những người giữ chức vụ chủ chốt do QH bầu, phê chuẩn. Tuy nhiên nhiều khi đại biểu cũng chưa làm hết trách nhiệm, có nguyên nhân vì thiếu thông tin về đối tượng lấy phiếu. Cho nên lấy phiếu ai cũng qua cũng tốt hết, không có ai phải chịu trách nhiệm pháp lý. Vì thế việc lấy phiếu cũng giảm ý nghĩa. Nhưng đại biểu còn có một quyền năng khác - quyền chất vấn.

Chất vấn để thành viên Chính phủ nhận ra vấn đề, tạo cú hích chuyển biến trong hành động, chúng ta đã làm khá tốt. Nhưng hậu chất vấn, theo đến cùng vấn đề thì đại biểu chưa làm được bao nhiêu. Nếu không có chuyển động, chất vấn mất hết ý nghĩa. Tất cả những việc đó là chức năng trách nhiệm, là cái tâm, là thước đo đại biểu có trăn trở với cử tri, với nhân dân hay không.

Đi sâu vào việc thực hiện quyền lấy phiếu tín nhiệm, ông còn có băn khoăn nào không?

Chúng ta đang sửa Nghị quyết 35, theo tôi nên thu hẹp đối tượng. Để rộng quá thì hòa cả làng, hẹp quá lại không phản ánh hết được. Chủ yếu nên lấy phiếu đối tượng cơ quan hành pháp, tư pháp và một số thuộc cơ quan lập pháp - đấy là những người chịu trách nhiệm chính trong vận hành bộ máy nhà nước.

Về thời hạn, nên thực hiện hai lần/ nhiệm kỳ, nên lấy phiếu năm thứ hai và thứ tư. Lấy thường xuyên hoặc ít quá không có tác dụng, lấy nhiều làm nhụt chí người ta, còn lấy một lần/nhiệm kỳ sẽ rất ít tác dụng.

Theo cá nhân tôi nên lấy hai mức tín nhiệm: Tín nhiệm cao và tín nhiệm thấp. Không có mức giữa là tín nhiệm. Đều là tín nhiệm, nhưng nếu anh được tín nhiệm cao thì để, còn tín nhiệm thấp nên có hình thức xử lý, tốt nhất là anh nên từ chức. Khi thấy mình tín nhiệm thấp anh có thể xin từ chức, tạo điều kiện cho người khác thay thế làm tốt hơn nhiệm vụ nhà nước, nhân dân giao phó. Không cần phải qua bước miễn nhiệm, bãi nhiệm nữa.

Cảm ơn ông!

Tiền Phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo