Khu tái định cư: Nỗi niềm… "con nuôi- con đẻ"
Từ năm 2000 đến nay, để phục vụ cho các dự án phát triển mở rộng, TP Hà Nội đã triển khai 80 dự án nhà ở tái định cư với trên 20.000 căn hộ. Thành phố đã hoàn thành trên 12.000 căn và sử dụng cho tái định cư gần 11.000 căn.
Có thể nói, chính sách hỗ trợ nhà tái định cư đã giúp nhiều hộ dân có chỗ ở, ổn định cuộc sống sau khi thu hồi đất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều người dân đã thờ ơ với nhà tái định cư, thậm chí nhiều người còn ngần ngại, không thiết tha nhận nhà. Vì sao một chính sách đúng khi triển khai lại có sự bất cập như vậy? Phóng viên khảo sát tại một số khu nhà tái định cư, tìm hiểu tâm tư của các cư dân ở đây để tìm ra câu trả lời.
Là những hộ phải nhường đất phục vụ cho các dự án phát triển hạ tầng, những tưởng sẽ nhận được chỗ ở mới ngang bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ như cam kết của các cơ quan GPMB và chủ đầu tư dự án, tuy nhiên những gì họ nhận được không như lời hứa trước đó. Chất lượng nhà tái định cư xuống cấp nhanh chóng, hạ tầng kỹ thuật liên tục hỏng hóc, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ… Trong khi đó, đáp lại những nỗi bức xúc của người dân là sự thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị quản lý, vận hành tòa nhà…
Nỗi niềm… "con nuôi"
Có mặt tại Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp (phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai), tiếp xúc với các cư dân đang sinh sống tại nhà tái định cư NO6, chúng tôi mới thấu hiểu nỗi khổ, bức xúc mà các hộ dân đang chịu đựng. Nằm trong KĐTM Pháp Vân - Tứ Hiệp, song nhìn cuộc sống của các cư dân ở các chung cư thuộc dự án nhà ở thương mại xung quanh, ông Lê Công Khánh (phòng 716, khu nhà tái định cư NO6) không khỏi chua chát khi so sánh không khác kiểu "con đẻ - con nuôi" bởi thấy cuộc sống của các cư dân tái định cư gặp quá nhiều bất công.
Chuyển về sinh sống tại nhà tái định cư NO6 từ năm 2010, ông Khánh hằng ngày chứng kiến chất lượng tòa nhà ngày càng đi xuống. Tại tầng 1, khu vực sảnh bị sụt lún, gạch lát vênh 3-5cm so với mặt sàn; hành lang của nhiều tầng, những viên gạch lát bị vỡ, bong tróc, lột lên cả mảng. Tại các bậc tam cấp dẫn lên sảnh sau và hai bên đầu tòa nhà xuất hiện những vết nứt to kéo dài, mặt sàn vênh lên, sụt xuống... Thế nhưng đó vẫn chưa phải "nỗi niềm… con nuôi" khiến các cư dân ở đây quá bức xúc.
Điều khiến họ ấm ức hơn đó là, nếu như ở các khu nhà ở thương mại ngay kế bên thang máy có hỏng hóc, đèn chiếu sáng có "tịt ngóm"… thì nhanh chóng được khắc phục. Còn tại khu nhà dành cho dân tái định cư này, cư dân không khác gì bị… "đem con bỏ chợ". Cả khối nhà có 2 chiếc thang máy lên xuống thì cả hai đều hoạt động "tắc bụp". Đặc biệt từ năm 2013, hỏng hóc diễn ra thường xuyên hơn. Thang máy cái thì liên tục "lăn đùng ra chết", cái thì đang hoạt động bỗng rơi tự do 2 - 3 tầng khiến bà con đi thang máy không ít lần thót tim; thậm chí người dân còn phải tự ghi ngay cửa thang máy: "Cảnh báo nguy hiểm! Thang máy thường xuyên rơi tự do".
Chưa hết, tại nhà NO6, đơn vị quản lý, vận hành tòa nhà là Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị (Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội) không ký hợp đồng với đơn vị cung cấp nước nên các hộ dân ở đây đã phải tự đứng ra liên hệ với chủ đầu tư của các tòa chung cư kế bên là Tổng Công ty Đầu tư và xây dựng Hà Nội, chấp nhận trả tiền với mức giá cao (8.500 đồng/m3) để đưa nước về sử dụng.
Chỉ tận thu mà lơ là quản lý
Hiện nay, ngoài Khu tái định cư Dịch Vọng đã thành lập được Ban quản trị, Khu tái định cư Nam Trung Yên đã được chuyển giao cho đơn vị quản lý, vận hành mới là Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội (HANDICO) có một số chuyển biến trong việc vận hành, quản lý tòa nhà, quan tâm, khắc phục sự cố phát sinh; thì các khu tái định cư còn lại trên địa bàn Hà Nội đều do Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị (Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội) đảm nhận công việc này.
Tuy nhiên, ghi nhận ý kiến của các hộ dân sống tại các khu tái định cư cho thấy, hầu hết đơn vị quản lý, vận hành tòa nhà chỉ tập trung khai thác (thu tiền trông giữ xe máy, cho thuê mặt bằng tầng 1, thu tiền vệ sinh…). Nói không có quản thì chưa chính xác, song việc quản lý được các cư dân nhận xét là thực sự yếu kém, thiếu quan tâm đến việc sửa chữa các hỏng hóc của tòa nhà.
Chỉ chưa đầy 5 năm sau khi đưa vào sử dụng, hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng, vỉa hè... tại các khu tái định cư đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng; các mảnh tường bong tróc, thấm dột loang lổ; thang máy thường xuyên hỏng hóc… gây bức xúc cho người dân.
Tại Khu tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính (phường Nhân Chính, Thanh Xuân), do công tác quản lý yếu kém đã để dân tự do cơi nới, lấn chiếm, thi nhau hàn khung sắt, đua chuồng cọp, biến khu đô thị không khác các khu nhà tập thể cũ.
Ông Nguyễn Hữu Điển - Trưởng ban Công tác mặt trận Khu dân cư N1 Trung Hòa - Nhân Chính cho biết: "Thời gian gần đây, tình trạng xuống cấp, hỏng hóc càng diễn ra với tần suất cao hơn. Thực trạng chung hiện nay tại các tòa nhà khu N5, N6 là thang máy "liệt" mất một chiếc. Mọi hư hỏng, thấm dột ở bên trong nhà thì các gia đình phải tự bỏ tiền ra sửa.
Thậm chí, đến các thiết bị chung như: Bể nước rò rỉ, máy bơm hỏng… các hộ dân cũng phải vận động nhau đóng tiền thuê người đến thay sửa". Đặc biệt, vấn đề bảo đảm an ninh ở các khu nhà tái định cư: Đồng Tàu, Nam Trung Yên… đang ở mức báo động khi thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ "đạo chích" vờ thay ga, tiếp thị… để trộm cắp tài sản. Tại khu tái định cư Nam Trung Yên, tổ dân phố đã phải ra thông báo cảnh báo người dân về tình trạng này và ghi thêm cả số điện thoại của bảo vệ để người dân báo tin.
Sự xuống cấp nhanh chóng của các khu tái định cư là một thực tế đã và đang xảy ra, khiến cuộc sống của các hộ dân tái định cư vốn đã chật vật nay lại thêm phần khó khăn. Trong khi đó, ý kiến, nguyện vọng của người dân lại chưa được các cơ quan chức năng quan tâm đúng mức. Thêm vào đó, việc xây dựng thiếu đồng bộ, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ khác đều không được quan tâm đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của các cư dân. Thậm chí có nhiều hộ đã phải bỏ nhà tái định cư để tìm nơi an cư mới.
Hà Nội Mới
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo