Khủng bố cả châu Âu, IS vẫn thất bại thảm hại ở 'sân nhà' Iraq và Syria
Ngày 29/3, quân đội Chính phủ Assad đã giành lại quyền kiểm soát thành phố cố Palmyra từ tay phiến quân IS. Tuần trước, Mỹ tuyên bố đã tiêu diệt nhân vật được coi là “bộ trưởng tài chính” của IS. Bên cạnh đó, Lầu Năm Góc cho biết liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu đã thủ tiêu hơn 10.000 chiến binh cùng 20 thủ lĩnh của IS trong đó bao gồm cả “bộ trưởng tài chính” al-Qaduli.
Nhìn chung, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã mất tới 40% lãnh thổ (khoảng 34.000 km2) mà chúng kiểm soát ở Iraq và Syria từ khi liên minh của Mỹ bắt đầu chiến dịch can thiệp quân sự ở khu vực này năm 2014.
Tuy nhiên, chính vì những lý do trên, giới phân tích đang lo ngại về nguy cơ IS sẽ đẩy mạnh các cuộc tấn công nhằm vào châu Âu như vụ đánh bom liên hoàn giết chết ít nhất 35 người ở thủ đô Brussels vừa qua.
Các chuyên gia cho rằng IS đang dùng các vụ đánh bom để che đậy thất bại trên chiến trường Iraq và Syria.
CNN dẫn lời bà Harleen Gambhir, chuyên gia phân tích chống khủng bố tại Viện Nghiên cứu chiến tranh của Mỹ cho rằng, IS chắc chắn phải đối mặt với tổn thất và việc gia tăng sử dụng các chiến thuật như đánh bom liều chết là để thu hút thêm lực lượng. Theo Nick Heras, chuyên gia tại Trung tâm an ninh mới của Mỹ, IS đã có sẵn một chiến lược dự phòng cho phép nhiều cuộc tấn công khủng bố bên trong châu Âu, ngay cả trong trường hợp nhóm này sụp đổ ở Iraq và Syria và ngay cả trong những “giai đoạn hấp hối”, IS cũng sẽ cố trừng phạt các nước đã đánh bật họ khỏi Iraq và Syria.
Trước đây, liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu chỉ tập trung vào các cuộc không kích IS nhưng gần đây, liên minh này đã mở rộng chiến dịch chống IS của mình trên bộ, điển hình là việc triển khai quân đội trên bộ để tiêu diệt IS ở Iraq hồi tháng trước.
Lên tiếng về vụ khủng bố đẫm máu ở Brussels tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực để “tăng tốc”tiêu diệt các nhóm khủng bố cực đoan bằng một loạt các cuộc tấn công trên nhiều mặt trận để giành lại lãnh thổ, giải thoát các con tin khỏi tay IS.
Tuy nhiên, chiến dịch không kích IS của Mỹ đang vấp phải những chỉ trích rằng chưa đủ mạnh để thay đổi cục diện hiện nay.
Chris Harmer, chuyên gia quân sự cấp cao của Viện Nghiên cứu Chiến tranh Mỹ đánh giá chiến dịch không kích của liên quân Mỹ là “có chiến thuật khôn ngoan nhưng chiến lược lại chưa phù hợp” vì chỉ có tấn công trên bộ mới là chìa khoá để đánh bại IS. Bên cạnh đó, ông cũng thừa nhận tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) không thể trực tiếp đánh bại ngay lập tức mà cần một kế sách với chiến lược lâu dài.
End of content
Không có tin nào tiếp theo