Kiếm bộn tiền nhờ trồng quýt hồng Lai Vung chuẩn GlobalGAP
Đến Lai Vung những ngày này, đi đâu cũng nghe bà con kể nhau hứa hẹn sẽ cho một vụ mùa quýt bội thu. Mặc dù giá VTNN năm nay tăng cao, thời tiết bất lợi nhưng theo đánh giá của nhiều người mùa quýt năm nay thành công nhất của người dân ở Lai Vung. Chẳng hạn như ở xã Long Hậu (một xã có diện tích quýt hồng lớn nhất so với các xã khác trong huyện Lai Vung) có 449ha cho trái, năng suất trung bình từ 40-60 tấn/ha.
Anh Trần Việt Thắng, một người dân trồng quýt hồng lâu năm ở Long Hậu với diện tích gần 1ha, cho biết: Năng suất năm nay tăng hơn nhiều so với năm trước, trừ các khoản chi phí vật tư, với khoảng 7 công quýt chắc chắn cho lãi hơn 150 triệu đồng. Anh Thắng cũng cho biết thêm, nếu năm nào quýt cũng cho năng suất như năm nay, cộng với việc giá quýt ổn định như hiện tại thì năm sau anh sẽ cải tạo lại 3 công đất trồng màu để trồng quýt phục vụ tết.
Cũng ở xã Long Hậu này, lần đầu tiên thành lập được Tổ trồng quýt hồng theo hướng GlobalGAP phục vụ thị trường tết năm nay, có 10 thành viên với tổng diện tích 3,1ha. Sau hơn một năm thực hiện những kỹ thuật trồng theo hướng GlobalGAP, đến nay tính ưu việt của mô hình SX này đã được chứng minh. Từ ứng dụng khoa học của chương trình IPM đến sản xuất theo hướng GAP, nay lại đến GlobalGAP, nhà vườn chỉ cần thực hiện thêm tiêu chí đảm bảo vệ sinh vườn quýt, không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Cụ thể, phải thường xuyên làm cỏ, cắt tỉa cành, tỉa bớt trái, nhất là những trái dị dạng hoặc bị côn trùng phá hại để khu vườn luôn sạch sẽ, thoáng đãng.
Bao thuốc, chai thuốc sau khi sử dụng phải được thu gom và tiêu hủy đúng cách, không quăng xuống mương vườn làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Nhà vườn còn xây dựng nhà kho tại vườn để chứa các vật tư như phân bón, thuốc BVTV, các dụng cụ phục vụ SX, bảo hộ lao động. Ngay từ đầu vụ, các thành viên trong Tổ đều áp dụng đúng kỹ thuật, phương pháp và quy trình đã đề ra, theo từng giai đoạn phát triển của cây, vì vậy khi thu hoạch, năng suất quýt khá cao.
Chị Nguyễn Thị Lệ Hồng, thành viên của tổ cho biết: SX theo hướng GlobalGAP, một năm giảm được 6 lần phun xịt thuốc. Trước đây, mỗi năm phun xịt 26 lần thì nay chỉ còn 20 lần, chi phí đầu tư nhờ đó cũng giảm đáng kể.
Theo chị Hồng, SX quýt theo hướng GlobalGAP, mỗi nhà vườn phải thực hiện nhật ký ghi chép, sổ sách đầy đủ nhất là chi phí đầu tư, thời gian phun xịt, bón phân, thuốc BVTV đã sử dụng, mua từ đại lý nào, thời điểm phun xịt lần cuối cùng đến khi thu hoạch… Nhà vườn dễ dàng trong hạch toán giá thành và rút ra kinh nghiệm trong sản xuất cho vụ mùa năm kế tiếp. Vụ quýt hồng năm qua, Tổ trồng quýt hồng GlobalGAP thu được sản lượng gần 200 tấn quýt, trung bình mỗi ha đạt trên 60 tấn, cao gần gấp đôi so với sản lượng quýt hồng trung bình của cả huyện. Với cách mới, ngoài thu được năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn, các thành viên trong tổ GlobalGAP còn ý thức được vấn đề an toàn sức khỏe cho người trực tiếp sản xuất, an toàn môi trường xung quanh, an toàn cho người tiêu dùng.
Còn anh Lưu Văn Tín, ở ấp Long Hưng 1, xã Long Hậu nhiều năm SX quýt hồng đạt hiệu quả cao thu nhập mỗi năm lên hàng tỷ đồng nhờ áp dụng VietGAP cho cây quýt hồng nên anh đã nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong SX nông nghiệp.
Anh Tín cho biết, vụ quýt tết năm nay thời tiết không thuận lợi mấy, nhưng nhờ kinh nghiệm và tận dụng tốt tiến bộ khoa học kỹ thuật, nên 6,5 công quýt hồng vẫn đạt chất lượng và sản lượng, ước tính khoảng 60 tấn trái (cao hơn vụ trước 10 tấn). Giá quýt hồng được các thương lái từ TPHCM, các tỉnh ĐBSCL đến mua tại vườn từ 22.000 – 30.000 đồng/kg, với giá này giúp gia đình thu nhập khoảng 1,3 – 1,4 tỷ đồng/năm, cao gấp nhiều lần so trồng lúa.
Theo anh Tín: “Cái khó của cây quýt hồng là rất dễ bị bệnh vàng lá và khi vườn cây nào bị bệnh này thì xem như phá bỏ, bởi dù có trị tốn kém nhiều tiền nhưng vẫn không hết bệnh. Bên cạnh đó, quýt hồng mỗi năm chỉ thu hoạch được một vụ, trong khi chi phí đầu tư rất cao; vì vậy nếu thiếu vốn, không vững kỹ thuật… sẽ không trồng được. Bù lại, do quýt hồng bán vào dịp tết nên được giá cao. Phân tích kỹ những hạn chế cũng như ưu điểm của cây quýt hồng, anh Tín chủ động từ việc thiết kế khu vườn hợp lý, trồng giống sạch bệnh, chăm sóc chu đáo. Ngoài ra, anh còn gắn kết chặt với ngành nông nghiệp địa phương, các nhà khoa học ở Trường ĐH Cần Thơ, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam… để học hỏi phương pháp phòng trừ bệnh vàng lá; học cách xử lý ra hoa, đậu trái, xử lý màu cho trái quýt đẹp hơn…
Ông Mai Quốc Hậu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lai Vung cho biết, thổ nhưỡng nơi đây rất phù hợp cho phát triển cây có múi, địa phương cần phải có những định hướng, chiến lược lâu dài trong việc quy hoạch và tổ chức lại SX cho nông dân. Việc thay đổi tập quán SX của nhà vườn hướng đến sản xuất theo quy trình an toàn (VietGap, GlobalGap) và tổ chức liên kết tiêu thụ là vấn đề mà địa phương đang rất quan tâm thực hiện. Hiện tại, đặc sản quýt hồng đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa; sắp tới địa phương sẽ tiến hành xin cấp nhãn hiệu hàng hóa cho quýt đường và cam xoàn. Đây là định hướng quan trọng để nhà vườn tổ chức lại SX theo hướng liên kết, bền vững, để cây có múi của huyện vượt trội về chất lượng trong khu vực.
Hiện nay huyện đang vận động, hướng dẫn nông dân quy hoạch lại vườn trồng cây có múi chủ lực, trồng tập trung theo từng loại phù hợp với thổ nhưỡng đã được xác định và SX theo các quy trình an toàn (Viet Gap, GlobalGap), bởi đây là điều kiện tất yếu để được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa. Đồng thời xây dựng được HTX quýt hồng Lai Vung với mục tiêu là phát triển sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ nông sản cho nhà vườn. Đây cũng là tiền đề để nhà vườn học tập kinh nghiệm tổ chức lại SX một cách bền vững trong thời gian tới.
Hiện toàn huyện có trên 2.700 ha trồng cây có múi có giá trị kinh tế cao, trong đó có trên 1.100 ha quýt hồng (loại trái cây đặc sản), gần 1.000 ha quýt đường và trên 600 ha cam các loại. Riêng cây quýt hồng cho trái vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, hầu hết các nhà vườn trong huyện đều khá và giàu lên từ cây quýt hồng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo