Kiến nghị dừng khẩn cấp Grab và Uber
Hiệp hội taxi Hà Nội vừa có đơn kiến nghị gửi Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội… đề nghị dừng khẩn cấp kế hoạch thí điểm các xe hợp đồng điện tử kiểu Grab hay Uber do những bất an gây ra cho xã hội, theo tin tức trên báo ICT News.
Hiệp hội taxi Hà Nội nêu rõ, với 44.000 xe hoạt động tại Hà Nội và 36.000 chiếc tại TP. HCM, tổng lượng xe taxi và xe hoạt động như taxi dưới hình thức xe hợp đồng điện tử đã vượt xa so với quy hoạch.
Hiệp hội taxi Hà Nội yêu cầu báo cáo các sai phạm của chương trình thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng được Bộ Giao thông Vận tải ban hành bằng Quyết định 24 ngày 7/1/2016.
Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng Quyết định 24 đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sai trái của Uber và Grab.
Do đó, Hiệp hội taxi Hà Nội kiến nghị cho dừng khẩn cấp kế hoạch thí điểm trong tháng 9/2017, đồng thời tiến hành tổng kết đánh giá ngay các hệ lụy của kế hoạch thí điểm được cho là đang gây ra nhiều bất an cho xã hội.
Bộ Giao thông Vận tải phải ban hành ngay văn bản để các địa phương dừng cấp phù hiệu các xe tham gia thí điểm chứ không phải việc dừng mở rộng các doanh nghiệp tham gia thí điểm.
Bên cạnh đó, bản chất của Uber, Grab là kinh doanh dịch vụ phần mềm tham gia hoạt động vận tải là loại hình kinh doanh có điều kiện (xe dưới 9 chỗ hoạt động như taxi). Do đó Uber, Grab phải thành lập công ty tại Việt Nam, có giấy phép cung cấp dịch vụ hoạt động vận tải và tuân thủ các điều kiện kinh doanh vận tải tại Việt Nam.
Theo Hiệp hội taxi Hà Nội, trước khi có quy định quản lý chính thức để quản loại hình kinh doanh này, cơ quan quản lý cần ban hành quy định cụ thể về kích thước, màu sắc, vị trí dán logo... của các xe thí điểm đảm bảo rõ ràng, dễ nhận biết. Sở Giao thông vận tải địa phương là nơi in, cấp phát logo nhận diện, theo tin tức trên báo VnExpress.
Hiệp hội này yêu cầu các công ty kiểu Uber và Grab vừa phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, vừa không trái với thông lệ quốc tế. Cụ thể đó là phải đặt máy chủ tại Việt Nam, sử dụng tên miền Internet của Việt Nam, dữ liệu phải được kết nối với hệ thống giám sát của Bộ Giao thông Vận tải. Định kỳ các Công ty công nghệ phải truyền tải thông tin tự động theo chuẩn về Tổng cục Đường bộ và Sở Giao thông Vận tải nơi quản lý để phân tích dữ liệu tập trung.
Grab, Uber cũng phải chia sẻ toàn bộ dữ liệu số lượng xe, danh sách xe, dữ liệu giám sát hành trình, số giờ lái xe liên tục quá 4 tiếng, số lần vượt quá tốc độ, số cuốc thực hiện... cho các cơ quan quản lý Nhà nước.
Ngoài ra, một số điểm bất cập của Nghị định 86/2014 về kinh doanh vận tải bằng ôtô cũng được Hiệp hội taxi Hà Nội đề nghị sửa đổi. Cụ thể, Nghị định cần bổ sung thêm quy định về phương thức tính tiền theo phần mềm ứng dụng đặt xe qua mạng cho loại hình taxi. Với xe dưới 9 chỗ dùng phần mềm kết nối và tính cước thông qua phần mềm ứng dụng đặt xe qua mạng cần phải gọi tên đúng theo bản chất hoạt động là "taxi đặt xe qua mạng" để thuận lợi trong quản lý.
Những tranh cãi quanh cuộc cạnh tranh giữa Uber, Grab và loại hình taxi truyền thống vẫn chưa dứt. Trong khi Uber, Grab đang mở rộng thị trường, tăng số lượng xe thì nhiều hãng taxi truyền thống đang phải vật lộn để cạnh tranh, tồn tại. Bị mất thị phần, lượng lớn nhân viên các hãng taxi như Mai Linh, Vinasun phải nghỉ việc. Nửa đầu năm 2017 đã có 6.000 lái xe Mai Linh thôi việc, Vinasun là 8.000 người... Các hãng truyền thống cũng đang tìm cách thay đổi phương thức vận hành, quản lý để "níu chân" người tiêu dùng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất