Kiến nghị giảm thuế nhập khẩu xăng dầu
Đó là nội dung quan trọng trong công văn gửi Bộ Tài chính và Bộ Công thương kiến nghị sớm có lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu dầu của Hiệp hội xăng dầu Việt Nam.
VINPA cho biết, theo cam kết tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (Hiệp định ATIGA), Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN-Trung Quốc (Hiệp định ACFTA) và Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN-Hàn Quốc (Hiệp định AKFTA), Việt Nam phải thực hiện Lộ trình cắt giảm mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với các mặt hàng xăng dầu (từ năm 2011 và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn vào năm 2024 đối với Hiệp định ATIGA; từ 1/1/2012 đến 31/12/2018 đối với Hiệp định ACFTA; từ 1/1/2012 đến 31/12/2021 đối với Hiệp định AKFTA).Đối với các Hiệp định thương mại hàng hóa còn lại, mặt hàng xăng dầu được bảo lưu ở mức thuế nhập khẩu ưu đãi hiện hành (mức thuế MFN).
Thực hiện cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, Bộ Tài chính đã có Thông tư 165/2014/TT-BTC ngày 14/11/2014 ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2015-2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Theo cam kết trong ASEAN, năm 2015 thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với diesel là 5%, dầu hỏa là 5%, nhiên liệu phản lực (Zet A1) là 5%, Mazut là 0% và từ năm 2016 các mặt hàng này sẽ về 0%.
Hiện tại, khi nhập khẩu xăng dầu, cùng với thực hiện Thông tư 165/2014/TT-BTC nêu trên, các đầu mối nhập khẩu xăng dầu đang thực hiện theo Thông tư 78/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 20/5/2015 “Sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng xăng, dầu thuộc nhóm 27.10 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi”; theo đó, thuế nhập khẩu diesel là 10%, dầu hỏa là 13%, Zet A1 là 10%, Mazut là 10%. Như vậy cùng một mặt hàng có hai mức thuế nhập khẩu song song tồn tại.
Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho biết, để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong đàm phán ký kết các Hợp đồng thương mại có lợi nhất từ các nguồn cung trên thế giới, cần thống nhất một mức thuế nhập khẩu đối với xăng dầu theo hướng điều chỉnh mức thuế nhập khẩu ưu đãi (mức thuế MFN) hiện hành bằng mức thuế ưu đãi đặc biệt theo các cam kết quốc tế (mức thuế ATIGA).
Do đó, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương có lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu đối với diesel từ 10% xuống còn 5%, dầu hỏa từ 13% xuống còn 5%, Zet A1 từ 10% xuống còn 5%, Mazut từ 10% còn 0%, theo đúng tinh thần Thông tư 165/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính và thời điểm thực hiện từ 1/10/2015.
"Đây là bước chuẩn bị cho lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng trên về 0% bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2016" VINPA khẳng định.
Bên cạnh đó, Hiệp hội xăng dầu cũng đã kiến nghị Liên bộ Công Thương-Tài chính cho phép Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) được hưởng các chính sách về thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt.
VINPA cho biết, do chênh lệch thuế giữa Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi và Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt dẫn đến không khuyến khích sản xuất trong nước, các sản phẩm của Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) sẽ không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu, Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ đứng trước nguy cơ không bán được hàng.
Trên cơ sở đó, VINPA kiến nghị Liên bộ Công Thương-Tài chính cho phép BSR cũng được hưởng các chính sách về thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt nhằm khuyến khích sản xuất trong nước để giúp Nhà máy Dung Quất vận hành ổn định, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam