Kinh doanh khí thải
PVFC qua đó đã trở thành tổ chức tài chính tiên phong tại VN có được CERs trong danh mục đầu tư của mình và thực hiện thương mại thu về các lợi ích tài chính từ loại hàng hóa này.
Việc phát thải ngày càng đắt đỏ
Hợp đồng dầu khí lô 15/2 tại mỏ Rạng Đông giữa Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) và các đối tác được ký vào tháng 10/1992. Bên cạnh khai thác dầu thuận lợi, từ tháng 4/11/2001, các bên tham gia khai thác hợp đồng dầu khí này cũng đã bắt đầu thu gom khí đồng hành tại mỏ Rạng Đông và vận chuyển vào bờ, phục vụ nhu cầu công nghiệp và dân sinh.
Việc đầu tư để sử dụng nguồn khí đồng hành tìm kiếm được trong quá trình khai thác dầu, thay vì đốt bỏ như trước đó cũng đã mang lại nguồn thu tài chính bổ sung cho các nhà phát triển mỏ dầu này khi trở thành dự án đầu tiên hoạt động theo Cơ chế phát triển sạch (CDM) tại VN. Dự án sử dụng khí đồng hành từ quá trình khai thác dầu mỏ để cấp cho công nghiệp và dân sinh này dự kiến sẽ giảm được 6,7 triệu tấn CO2 trong thời gian 10 năm, kể từ năm 2001.
Ngày 28/2/2008, dự án đã được cấp các “Chứng nhận giảm phát thải” (CERs) đợt đầu tiên với hơn 2 triệu CERs thuộc sở hữu của PVN và TCty thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP) theo thỏa thuận phân chia CERs của dự án. PVFC được PVN ủy nhiệm thực hiện việc bán CERs này đã chia thành từng “gói” CERs để đấu giá. Tháng 5/2010, hợp đồng đầu tiên chuyển giao một phần số CERs này đã được ký kết giữa PVN với Tập đoàn năng lượng Mercuria (Thụy Sỹ), mang lại cho PVN gần 5 triệu Euro. Hợp đồng bán CER thứ 2 được ký vào tháng 7/2010 với Tập đoàn Vitol SA (Thụy Sỹ) cũng mang lại gần 6 triệu Euro.
Với phương thức chỉ cần có “chứng nhận giảm phát thải hiệu ứng nhà kính” từ một hoạt động dự án thích hợp, bất kể chứng nhận đó được thực hiện tại quốc gia nào, cũng được chấp nhận đã đóng góp giảm phát thải hiệu ứng nhà kính theo Nghị định thư Kyoto, thị trường mua bán CERs đã được hình thành và phát triển mạnh giữa các nước phát triển có cam kết giảm phát thải với các nước đang phát triển nơi có các dự án CDM, trong đó có VN. Trên thực tế, 1 CERs được chuyển đổi ở Châu Âu đã đạt được mức giá trung bình gần 12,50 Euro trong giai đoạn ba năm 2008-2011.
Nâng cao giá trị các lợi ích bổ sung từ dự án CDM
Có thể nói, CERs cũng là một loại hàng hóa có giá cả và hình thức mua bán vận hành theo nguyên tắc thị trường nhưng bản thân thị trường Tín dụng Carbon là thị trường còn mới lạ với khá nhiều chủ dự án tại VN và có những qui tắc, thông lệ có đặc thù riêng, nên các chuyên gia cho rằng nếu tham gia các chủ dự án cần phải có kế hoạch phân tích thị trường, giá cả và lựa chọn đối tác mua CERs thật tốt để đảm bảo tính hiệu quả và hợp tác lâu dài theo suốt chu kỳ tín dụng carbon của dự án.
Các chuyên gia cho biết, để phát triển một dự án CDM từ khi có ý tưởng cho đến khi nhận được CERs sẽ cần phải có các chi phí cho việc thực hiện nghiên cứu khả thi về CDM, xây dựng văn kiện thiết kế dự án, thẩm định quốc tế, lệ phí đăng ký CDM... Hoạt động này luôn kèm theo rủi ro vì diễn ra trước khi dự án được đăng ký thành công là dự án CDM. Vì vậy, các chuyên gia khuyên rằng, nếu các chi phí này không được chi trả từ một nguồn quỹ khuyến khích CDM thích hợp của Chính phủ thì các chủ dự án có thể tìm được sự hỗ trợ từ bên mua CERs tương lai hoặc nhà tư vấn phát triển CDM dựa trên các thỏa thuận hợp tác phát triển CDM. Hình thức này là phổ biển và các chi phí sẽ được khấu trừ vào nguồn thu từ CERs.
Mặt khác, việc có được sự tham gia của bên mua cam kết lâu dài đồng hành cùng dự án và có năng lực tài chính tốt, thuộc một quốc gia Annex I (quốc gia công nghiệp phát triển có cam kết bắt buộc giảm phát thải, chủ yếu là các nước Tây Âu) từ giai đoạn đang xây dựng dự án, trong trường hợp dự án không có đối tác cùng đầu tư đến từ quốc gia Annex I, sẽ giúp cho dự án thuận lợi khi thẩm định và đăng ký CDM.
Hơn nữa, việc bên mua CERs có khả năng hỗ trợ để dự án tiếp cận và sử dụng các nguồn cấu trúc tài chính với chi phí vốn ưu đãi đổi lại việc có quyền sở hữu CERs cũng sẽ là một nhân tố đang quan tâm cho các chủ dự án
Theo DDDN
End of content
Không có tin nào tiếp theo