Kinh doanh và tiêu dùng

'Soi' sức tiêu thụ nội địa trong mùa dịch

Dịch Covid-19 kéo dài dẫn đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt đã và đang tiếp tục thay đổi mạnh, chỉ tập trung vào mặt hàng thực sự thiết yếu như nông sản thực phẩm, khiến cho các ngành hàng xa xỉ như đồ gỗ, ô tô, ăn uống, du lịch… trở nên ảm đạm.

17 siêu thị Big C phía Bắc giảm giá 6%-25% sản phẩm thịt lợn / Giảm giá thịt lợn cần sự kiểm soát về giá

Với 80% đơn hàng xuất khẩu đồ gỗ bị tạm dừng vì dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng cần đẩy mạnh tiêu thụ nội địa khi mà người dân đã có điều kiện sử dụng sản phẩm gỗ chất lượng cao.

Hàng xa xỉ lao dốc

Tuy nhiên, nếu soi vào sức tiêu thụ thị trường nội địa ở thời điểm khó khăn dịch bệnh sẽ thấy việc người tiêu dùng móc hầu bao ra mua sắm đồ gỗ là không khả dĩ, vì đó không phải là nhu cầu thực sự trong lúc này.

Thực tế, một cuộc khảo sát gần đây cho thấy doanh thu từ các sản phẩm gỗ chế biến cao cấp dành cho các công trình lớn như nhà hàng, khách sạn, văn phòng làm việc ở Việt Nam đã sụt giảm đến 90% doanh thu so cùng kỳ năm trước. Hay như 70-80% sản phẩm đồ gỗ từ các làng nghề truyền thống hiện nay không tiêu thụ được ngay ở thị trường trong nước.

Cần nhắc lại kết quả nghiên cứu thị trường trong nước của Nielsen Việt Nam khi dịch Covid-19 đang diễn ra, cho thấy từ phản hồi của người tiêu dùng thì dịch bệnh này đã tác động đáng kể đến các hành vi chung của người Việt Nam cũng như xu hướng mua sắm và tiêu dùng ngoài nhà.

Thay vì đi mua sắm những mặt hàng gỗ xa xỉ như mong đợi của các nhà sản xuất đồ gỗ, đa phần người tiêu dùng dành sự quan tâm lớn đến việc mua sắm, dự trữ thực phẩm và những sản phẩm thiết yếu để tránh dịch.

Hoặc như việc tiêu thụ ô tô ở thị trường nội địa cũng phản ánh rõ điều này khi "lao dốc không phanh" và về mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây nếu nhìn từ doanh số bán hàng.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 3/2020, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 19,154 xe, tăng 8% so với tháng 2/2020 nhưng giảm đến 41% so với cùng kỳ năm 2019.

Nếu tính từ đầu năm đến hết tháng 3/2020, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường giảm 33% so với cùng kỳ. Trong đó, xe ô tô du lịch giảm 35%, xe thương mại giảm 26% và xe chuyên dụng giảm 32%; doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 28%, xe nhập khẩu giảm 39%.

Ngoài ra, khi đa phần thu nhập của người tiêu dùng Việt bị ảnh hưởng vì dịch bệnh thì 47% người được khảo sát cho biết đã thay đổi thói quen ăn uống, 60% thay đổi các hoạt động giải trí vui chơi và 70% bày tỏ là sẽ phải đánh giá lại kế hoạch du lịch.

Dịch Covid-19 tác động lớn đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt
Dịch Covid-19 tác động lớn đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt

"Sân nhà" chờ liên kết chuỗi

Báo cáo mới đây của Sở Du lịch Tp.HCM cho thấy trong tháng 3/2020, do đại dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu nên thị trường du lịch ở Tp.HCM nói riêng và cả nước nói chung gần như tê liệt hoàn toàn, có đến 90% doanh nghiệp (DN) lữ hành vừa và nhỏ ở Tp.HCMđã tạm ngưng hoạt động.

Tính hết quý I/2020, so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu từ các cơ sở lưu trú du lịch ở Tp.HCM giảm 58,29%, kinh doanh hội nghị giảm 60,8%, kinh doanh nhà hàng, tiệc và kinh doanh khác giảm 60,1%.

Có thể thấy, ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đã tác động tới tâm lý người tiêu dùng trong nước hạn chế mua sắm nơi công cộng, đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình.

 

Do lo ngại dịch lây lan nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 3 vừa qua đã giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016-2020.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, quý I/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.246,1 nghìn tỷ đồng, chỉ tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm gần đây, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 1,6% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,3%).

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý I năm nay so với cùng kỳ năm trước được ghi nhận giảm ở hầu hết các địa phương: Khánh Hòa giảm 38,2%; Tp.HCM giảm 30,3%; Đà Nẵng giảm 23,7%; Hà Nội giảm 20,2%; Cần Thơ giảm 17%; Lâm Đồng giảm 16,8%; Quảng Bình giảm 14,5%…

Để kích cầu tiêu dùng nội địa trong lúc này là rất khó khi dịch Covid-19 chưa rõ điểm dừng. Ngay cả những giải pháp nhằm giúp đầu ra cho các nhà sản xuất trong nước trên "sân nhà" cũng chưa hẳn là tối ưu trong bối cảnh sức mua giảm lại còn thêm sức ép cạnh tranh từ hàng nhập khẩu.

Chưa kể, với các DN nội vốn phần lớn là DN vừa và nhỏ trước khi có dịch Covid-19 đã gặp nhiều khó khăn về vốn, công nghệ, nhân lực… thì nay lại càng khó khăn hơn.

 

Xét về nhu cầu ở thị trường nội địa trong bối cảnh hiện giờ là các mặt hàng nông sản thực phẩm thiết yếu, theo giới chuyên gia, để đáp ứng nhu cầu này, các DN Việt cần sớm hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng mặt hàng này trên sân nhà.

Hơn nữa, với sức mua như hiện nay, các DN nội địa cần đẩy mạnh liên kết chuỗi, tăng cường liên kết giữa DN sản xuất với các DN bán lẻ. Tuy thế, nói đến liên kết chuỗi giữa các DN nội với nhau trên sân nhà thì vẫn còn là câu chuyện dài hơi!

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm