Kinh doanh và tiêu dùng

Áp lực chi phí 'đè nặng' ngành chăn nuôi

Việc thua lỗ do chi phí đội lên liên tục được nhắc tới nhiều khi nói về thực trạng mà ngành chăn nuôi đang gặp phải. Nông dân, HTX, doanh nghiệp mong muốn được Nhà nước hỗ trợ giảm giá điện, chi phí xét nghiệm và ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19, miễn giảm các loại phí và lệ phí.

Hà Nội yêu cầu dự trữ hàng hóa tăng gấp 3 lần để ứng phó COVID-19 / Chặn thổi giá hàng hóa trong dịch COVID-19

Thời gian gần đây, giá lợn hơi, gà công nghiệp, một số mặt hàng thủy sản giảm, trong khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao đã khiến người chăn nuôigặp vô vàn khó khăn.

Chi phí liên tục đội lên

Ông Lê Văn Việt, Giám đốc HTX sản xuất và thương mại thủy sản Xuyên Việt (huyện Gia Lộc, Hải Dương) phản ánh, giá cá rô phi của HTX hiện thấp hơn giá sản xuất từ 3.000 - 5.000 đồng/kg, mức giá thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Nguyên nhân là do đầu ra bị tắc nghẽn, lượng cung thủy sản tới các chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội giảm mạnh, chỉ bằng khoảng 1/3 so với trước.

nganh-chan-nuoi-lon-8822-1628671331.jpg

Ngành chăn nuôi gặp vô vàn khó khăn vì chi phí sản xuất bị đội lên cao.

Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng, chi phí lưu thông tăng, HTX lại chưa có nhà máy chế biến sâu, sản lượng cá xuất ra giảm, nên HTX đang phải chịu lỗ.

"Lượng tiêu thụ thấp, chi phí nhân công tăng, chi phí vận chuyển, test COVID-19... là gánh nặng lớn với HTX, người chăn nuôi nhỏ", ông Việt nói.

Trong bối cảnh khó khăn này, Giám đốc HTX sản xuất và thương mại thủy sản Xuyên Việtcho biết, HTX đang đẩy mạnh sơ chế để bán online, bán trong khu dân cư bị cách ly. Song, HTX mong muốn Bộ NN&PTNT có giải pháp hỗ trợ cho HTX về chi phí xét nghiệm COVID-19. Đồng thời, hỗ trợ kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm của các HTX. Cũng như các địa phương có quy định thống nhất về phòng chống dịch, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa.

Là đơn vị chế biến thực phẩm, ông Võ Việt Dũng, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Chế biến thực phẩm Nam Hà Nội cho biết, ban đầu sản lượng chế biến của doanh nghiệp chỉ tăng 200% nhưng sau khi vài đơn vị trong ngành có ca dương tính, doanh nghiệp phải tăng sản lượng cung cấp ra thị trường 300-400% để có đủ lượng hàng phân phối cho các siêu thị ở Hà Nội.

Tuy nhiên, vấn đề gây "đau đầu" của doanh nghiệp là chi phí sản xuất bị đội lên quá nhiều. Công ty tổ chức sản xuất "3 tại chỗ", chỉ riêng chi phí test COVID-19 đã tốn 10 triệu đồng/ngày. Chưa kể chi phí ăn, ngủ, quần áo bảo hộ... cho nhân viên. "Ngành sản xuất thực phẩm chịu nhiều áp lực, trong khi không được tăng giá bán sản phẩm", ông Dũng nói.

 

Còn theo ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam, doanh nghiệp đang sản xuất theo chuỗi và nhờ phòng dịch từ trước nên không bị tác động bởi giãn cách xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất rất cần các cơ quan chức năng tháo gỡ vấn đề quan trọng nhất là lưu thông từ sản xuất đến tiêu thụ. Bởi hiện nay vẫn có tình trạng mỗi địa phương quy định một kiểu, Bộ cần làm việc với ngành giao thông để thống nhất cả nước trong vấn đề lưu thông.

"Nếu nút thắt này không được giải quyết sẽ khiến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian mà chi phí sản xuất bị đội lên rất cao. Cơ quan nhà nước cần căn cứ vào quy mô sản xuất của doanh nghiệp để cấp luồng xanh", ông So nói.

Đề xuất hàng loạt giải pháp hỗ trợ

Trước thực tế trên, các HTX, doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến thực phẩm cũng kiến nghị giảm 30% tổng tiền điện tiêu thụ cho các doanh nghiệp chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, chế biến nông lâm thủy sản tính từ tháng 5/2021 đến khi cả nước kiểm soát được dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, hỗ trợ hoặc tạo điều kiện ưu tiên tiêm phòng vắc xin cho lực lượng tham gia thu mua, vận chuyển và chế biến nông sản tại doanh nghiệp, nhà máy chế biến giết mổ, sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, trang trại chăn nuôi và nông dân trực tiếp lao động sản xuất.

 

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đề xuất miễn 100% lệ phí cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giảm 50% phí thẩm định điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm cho doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản. Trước mắt, miễn phí kiểm dịch đối với vật nuôi tại các cơ sở sản xuất đã được chứng nhận đạt chuẩn an toàn dịch bệnh; lùi thời gian kiểm tra, đánh giá lại các cơ sở sản xuất thức ăn, thuốc thú y từ nay cho đến lúc cả nước khống chế được dịch COVID-19.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, thành viên Hội Chăn nuôi Việt Nam, trong bối cảnh dư chấn của dịch tả lợn châu Phi chưa hết thì ngành chăn nuôi lại đối mặt với vô vàn khó khăn, giá nhiều sản phẩm chăn nuôi giảm mạnh do khâu thu mua, giết mổ bị đứt gãy. "Chúng ta phải thừa nhận là ngành chăn nuôi không thừa gà mà do không có cơ sở giết mổ, không đưa được gà tới cơ sở giết mổ. Theo đó, cần đặc biệt quan tâm tới khâu giết mổ để tránh đứt gãy chuỗi chăn nuôi", ông Dương nói.

Mặt khác, để giảm gánh nặng cho ngành chăn nuôi, mới đây, Cục Chăn nuôi và Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Chính phủ giảm 50% thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Ngoài đề xuất giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu, để giảm giá thức ăn chăn nuôi, hai đơn vị cũng kiến nghị Nhà nước xem xét đưa mặt hàng này vào nhóm bình ổn giá để sản xuất chủ động đầu vào và có kế hoạch đầu ra, từ đó giúp người chăn nuôi hạn chế rủi ro, thuận lợi hơn trong việc tính toán lợi nhuận.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị ngành chăn nuôi theo dõi sát diễn biến về nguồn cung, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thế giới, có biện pháp chỉ đạo kịp thời tránh để tình trạng tăng đột biến về giá và không đảm bảo về chất lượng thức ăn chăn nuôi.

 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm nỗ lực vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, đồng thời khẳng định mọi kiến nghị của doanh nghiệp sẽ được Bộ NN&PTNT tổng hợp, đề xuất lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm